Huaphan cùng một số tỉnh Bắc Lào đang thực hiện yêu cầu của Bộ Công Thương nước này về việc tạm ngừng nhập khẩu hải sản tươi sống hoặc đông lạnh từ các nước láng giềng.
Mặc dù không phải là đối tượng chính của lệnh ngừng nhập khẩu hải sản, Chính quyền tỉnh Huaphan đã có động thái nhằm “đặt vấn đề sức khỏe người dân lên hàng đầu” trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn đang gây ra nhiều lo ngại.
Hồi tháng 12, Bộ Công Thương Lào ra quyết định tạm ngừng nhập khẩu hải sản từ Thái Lan sau khi dịch Covid-19 bùng phát từ một khu chợ tôm ở gần thủ đô Bangkok. Sau đó ít ngày, nhà chức trách Thái Lan khẳng định virus không thể lây từ người sang động vật và hải sản nước này xuất khẩu an toàn trước các nguy cơ Covid-19. Tuy nhiên lệnh hạn chế nhập khẩu vẫn đang được Lào duy trì cho đến hiện tại.
Bên cạnh những tỉnh có chung đường biên giới với Thái Lan, Huaphan có đường biên giới một số tỉnh của Việt Nam, cũng đang thực hiện nghiêm túc chính sách mới của Bộ Công Thương.
Trưởng Phòng thương mại trong nước, Sở Công Thương Huaphan, Thavisack Homsinghack hôm 10/1 cho biết việc tạm ngừng nhập khẩu thủy sản tươi sống và đông lạnh từ Việt Nam đang được thực hiện tích cực để giải quyết các lo ngại về sức khỏe.
“Tôm, mức và các loại hải sản khác đang nằm trong danh sách bị cấm nhập khẩu” ông Thavisack nói. “Việc dỡ bỏ lệnh cấm phụ thuộc vào quyết định trong tương lai của Bộ Công Thương”.
Trả lời câu hỏi về vấn đề nhập khẩu động vật và thực phẩm, ông Thavisack cho biết gà, các bộ phận gà đã qua sơ chế vẫn có thể được nhập khẩu theo quy trình do cơ quan nông-lâm nghiệp giám sát.
Trước thông báo cấm nhập khẩu hải sản, các nhà hàng buffet hải sản ở Vientiane đông khách hơn thường lệ. Đến nay, nhiều địa điểm trong số này đã phải tạm đóng cửa vì không có hàng.
Một số quầy hải sản dọc khu chợ đêm Vientiane vẫn đang bày bán mực nướng, nhưng không thu hút được nhiều khác vì tâm lý lo ngại. Người bán khi được hỏi đều cho biết số hải sản đều được nhập từ trước khi lệnh cấm có hiệu lực.
Hiện tại, Bộ Nông Lâm nghiệp đang làm việc với các đối tác nước ngoài ề các vấn đề an toàn thực phẩm để xây dựng dự thảo hướng dẫn phân tích rủi ro khi nhập khẩu động vật và các sản phẩm chế biến từ động vật để giảm các ảnh hưởng thương mại giữa Lào và các quốc gia khác.
Dự thảo hướng dẫn được xây dựng dựa trên việc ứng dụng hệ thống hải quan ASYCUDA để phân tích và phân loại rủi ro theo nhóm động vật và sản phẩm động vật nhập khẩu.
Sau khi dự thảo được thông qua, toàn bộ 10 cửa khẩu thí điểm tại 8 tỉnh, bao gồm cả Vientiane, sẽ bắt đầu triển khai nội dung hướng dẫn.
(Nguồn: Tạp chí Lào Việt)