Không phải Mỹ, càng không phải Trung Quốc, mà đó là cường quốc kinh tế lớn nhất Châu Âu - Cộng hoà Liên bang Đức, theo tờ The New York Times nhận định.
Đức - tấm gương sáng trong kiểm soát dịch bệnh
Tôi đang nói đến cường quốc kinh tế lớn nhất Châu Âu, nơi chính phủ đã hành động rất nhanh chóng và kịp thời để ngăn chặn COVID-19 khi dịch bệnh chỉ vừa mới bùng phát. Đó chính là Đức.
Tỷ lệ tử vong do COVID-19 tại Đức đang thấp hơn bất cứ nước công nghiệp lớn nào tại phương Tây. Đức đã nhận được những cơn mưa lời khen từ cộng đồng quốc tế, và tỷ lệ tán thành của dân chúng với chính phủ đã tăng từ 40% lên 70%.
Để kiểm soát tốt dịch bệnh, chính phủ Đức đã phối hợp với tất cả các bang để ngăn chặn đại dịch hoành hành. Không chỉ vậy, chính quyền Angela Merkel còn hợp tác với các thành viên khác của Liên minh châu Âu để thành lập quỹ hỗ trợ cho các nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi COVID-19.
Bên cạnh đó, các công đoàn của Đức đã hợp tác chặt chẽ với các nhà máy để họ có thể tiếp tục hoạt động với điều kiện làm việc an toàn (ngành công nghiệp đóng gói thịt của nước này là một ví dụ đáng chú ý).
Những thế mạnh của nền kinh tế lớn nhất Châu Âu
Với những thế mạnh của mình, nhiều khả năng Đức sẽ trở thành quốc gia phục hồi nhanh nhất sau COVID-19.
Mỹ và Trung Quốc là hai siêu cường kinh tế của thế giới hiện nay, đặc biệt là sự thống trị về công nghệ. Nhưng hai nước này đang phải gánh quá nhiều nợ, cùng với việc bị dư luận chỉ trích quá nhiều vì những phương thức kiểm soát dịch bệnh sai lầm.
Việt Nam, một cường quốc xuất khẩu mới nổi, đã ngăn chặn khá hiệu quả sự lây lan của virus, cũng là một trường hợp đầy hứa hẹn. Nga cũng có tiềm năng phục hồi lớn, bởi Tổng thống Vladimir Putin đã thành công trong việc bảo vệ nền kinh tế khỏi áp lực tài chính nước ngoài.
Nhưng người đi đầu vẫn sẽ là Đức. Cách đương đầu với đại dịch đã phản ánh rõ rệt những điểm mạnh sẵn có của quốc gia này: chính phủ hoạt động hiệu quả, nợ công thấp, uy tín về công nghiệp giúp bảo vệ hàng xuất khẩu ngay cả khi thương mại toàn cầu giảm, và năng lực của các công ty công nghệ ngày càng nâng cao - trong một thế giới đang bị hai gã khổng lồ công nghệ là Mỹ và Trung Quốc thống trị.
Ở những quốc gia khác, các công ty đang liên tục sa thải nhân viên. Nhưng tại Đức, hầu hết công nhân vẫn được làm trong biên chế nhờ Kurzarbeit - một công cụ giúp ngăn chặn tình trạng sa thải hàng loạt khi có khủng hoảng xảy ra.
Công cụ này đã chứng minh hiệu quả trong cuộc khủng hoảng gần nhất vào năm 2008. Khi đó, nền kinh tế của Đức sụt giảm 5% với 1,1 triệu lao động bị ảnh hưởng, Berlin mất khoảng 10 tỷ euro (10,9 tỷ USD). Nhưng đến cuối năm 2009, tỷ lệ thất nghiệp chỉ ở mức 7,6%, thấp hơn so với năm 2008.
Nguồn thặng dư ngân sách chính phủ dồi dào đã giúp Đức bảo vệ nền kinh tế bằng cách chi trả trực tiếp cho các gia đình, cắt giảm thuế, đưa ra những khoản vay cho doanh nghiệp cùng các gói viện trợ khác. Những khoản này chiếm đến 55% GDP của Đức, và gấp 4 lần gói viện trợ của Mỹ nếu tính theo tỷ trọng GDP.
Hơn nữa, nguồn thặng dư ngân sách chính phủ cũng giúp Đức cung cấp các gói kích cầu kinh tế cho các quốc gia láng giềng. Điều đáng nói là trong quá khứ, những nước này đã chỉ trích rằng tính keo kiệt của chính phủ Đức đang kìm hãm sự phát triển của Châu Âu.
Tuy nhiên, Đức vẫn sẽ đảm bảo cân bằng ngân sách. Những khoản chi trong đại dịch sẽ khiến nợ công của Đức tăng, nhưng chỉ dừng ở mức 82% khi so sánh với GDP. Tỷ lệ này thấp hơn nhiều nếu so sánh với Mỹ hoặc một số nước phát triển khác, trong khi các nước này chi tiêu ít hơn cho các gói cứu trợ kinh tế (tính theo tỷ trọng GDP).
Sẵn sàng tham gia vào cuộc đua công nghệ cùng Mỹ và Trung Quốc
Nhiều ý kiến nghi ngờ rằng Đức đang phụ thuộc quá nhiều vào nền công nghiệp xuất khẩu, đặc biệt là sang Trung Quốc, trong bối cảnh thương mại toàn cầu đang đình trệ. Nhận thức rõ vấn đề này, Đức đang đẩy mạnh hiện đại hoá nhà xuất khẩu hàng đầu của mình - các công ty sản xuất ô tô lớn như Porsche và Mercedes - Benz. Các dòng xe này đang dần chuyển sang sử dụng động cơ điện thay vì động cơ đốt cũ, vốn từng đem lại lợi nhuận cao cho công ty.
Đức cũng đang rất nỗ lực để trở thành một cường quốc công nghệ. Ngân sách cho việc nghiên cứu và phát triển công nghệ của quốc gia này chiếm khoảng 3% GDP. Chưa dừng lại ở đó, Đức còn ấp ủ kế hoạch dài hạn để tạo ra một hệ sinh thái khởi nghiệp tương tự như Thung lũng Silicon, khi các nhà đầu tư mạo hiểm đang rót vốn cho các công ty khởi nghiệp đầy triển vọng. Các dịch vụ giao hàng và mua sắm trực tuyến của Đức cũng đang phát triển nhanh chóng.
Trong kế hoạch giải cứu nền kinh tế, chính phủ Đức dành khoảng 56 tỷ USD cho các công ty khởi nghiệp. Đức hy vọng các công ty này có thể số hóa các ngành công nghiệp truyền thống, song song với việc sử dụng trí tuệ nhân tạo và các công nghệ tiên tiến khác. Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng Peter Altmaier đã tuyên bố rằng Đức sẽ tạo ra một hạ tầng internet đủ sức để cạnh tranh với Mỹ và Trung Quốc.
Xã hội Đức là một xã hội bảo thủ và già cỗi, nhưng cho rằng kinh tế Đức đang tăng trưởng một cách ì ạch là rất sai lầm. Khi đại dịch COVID-19 đang đẩy nhanh tốc độ số hóa, phi toàn cầu hóa và làm gia tăng các khoản nợ của thế giới, Đức sẽ vươn lên so với phần còn lại. Họ có rất nhiều lợi thế để đương đầu với những bất cập trên cùng một chính phủ luôn sẵn sàng hành động.
(Nguồn: Ngày nay)