Là quốc gia có hơn 2/3 diện tích là đồi núi và độ bao phủ rừng tự nhiên lớn, Lào sở hữu hệ sinh thái tự nhiên phong phú, bao gồm nhiều quần thể động vật hoang dã và thảm thực vật đa dạng.
Tuy nhiên, trong 10 năm trở lại đây, nạn khai thác gỗ, phá rừng bừa bãi và săn bắt động vật hoang dã kiểu tận diệt của người dân địa phương đã trở thành vấn nạn đáng lo ngại, đe dọa các quần thể động vật rừng, thủy sản trước nguy cơ tuyệt chủng.
Diễn ra mới đây tại trụ sở của Thời báo Vientiane, hội nghị về phòng chống tội phạm săn bắt động vật hoang dã đối với ngành truyền thông có sự hiện diện của lãnh đạo Cục Lâm nghiệp, Bộ Nông-Lâm nghiệp Lào cùng đại diện các ban ngành có liên quan.
Tại hội nghị, nhiều vấn đề có liên quan đã được nổi bật, đặc biệt là nạn săn bắn và buôn bán động vật hoang dã hiện đang được xem là vấn đề toàn cầu với giá trị kinh tế khổng lồ. Trong đó, các quốc gia thuộc lưu vực Mekong là một trong các điểm nóng về nạn săn bắt động vật hoang dã nhiều hàng đầu.
Tại Lào, săn bắt là một phần gắn với đời sống thường nhật của người dân ở khu vực nông thôn nhiều địa phương qua thời kỳ rất dài. Trước đây, việc săn bắt thú rừng và khai thác lâm sản của người Lào đơn thuần là phục vụ cho nhu cầu thực phẩm.
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, hoạt động săn bắt động vật hoang dã đang mở rộng với quy mô ngày càng lớn do lợi ích kinh tế cao, niềm tin về công dụng sức khỏe của thịt thú rừng, cho đến thú chơi trưng bày các bộ phận thú rừng. Tất cả những hành động này, được cho là nguyên nhân thúc đẩy sự lạm dụng các hoạt động săn bắt ngày càng nhiều hơn.
Trong nhiều năm, hành vi mua bán cá thể động vật rừng và lâm sản tại Lào vẫn đang còn là vấn đề làm đau đầu cơ quan chức năng. Qua kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện nhiều cá thể thú rừng và lâm sản bị sử dụng làm các sản phẩm hàng hóa phục vụ nhu cầu khách trong và ngoài nước. Đặc biệt là tại các địa phương giáp biên phía Bắc Lào.
Vấn đề thịt thú rừng tại Lào tương đối phức tạp hơn so với các quốc gia khác trong khu vực. Ngoài nhu cầu thực phẩm, dinh dưỡng, thịt thú rừng là một phần quan trọng trong tập quán văn hóa người Lào trải qua thời kỳ lịch sử lâu dài. Việc cân bằng giữa nhu cầu thực phẩm và bảo tồn cũng như hạn chế rủi ro từ dịch bệnh được Chính quyền Lào thực hiện thông qua những cơ chế pháp lý có độ hiệu quả nhất định.
Theo nghiên cứu của Hiệp hội bảo vệ động vật hoang dã thế giới, kết luận rút ra từ hàng loạt tư liệu về hoạt động buôn bán và thói quen tiêu thụ thịt thú rừng tại nhiều địa phương tại Lào cho thấy sản lượng giao dịch thú rừng bình quân đạt hơn 78 tấn mỗi năm, trị giá khoảng 500.000 USD và vượt quá số lượng thú rừng hoang dã trong giới hạn bền vững. Ngoài ra, thú rừng cũng bị hoài nghi là tác nhân chính phát tán và gây ra nhiều bệnh dịch nguy hiểm cho tính mạng con người. Mới đây, đại dịch Covid-19 cũng được cho là xuất phát từ các khu chợ buôn bán thịt thú rừng tại Vũ Hán và thói quen sử dụng dơi làm thực phẩm của người dân ở đây.
Trong các nỗ lực hạn chế sự tiêu thụ thịt thú rừng, Tháng 5/2018, Thủ tướng Lào đã ban hành một Chỉ thị về tăng cường kiểm soát, ngăn chặn săn bắt và buôn lậu thú rừng theo Công ước CITES, đặc biệt là các cá thể, bộ phận động vật phổ biến tại chợ đen Lào như voi, hổ, rùa nước ngọt, tê tê.
Ngoài các nỗ lực ngăn chặn nạn săn bắt và buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp, Chính phủ Lào cũng tập trung thông tin, tuyên truyền rộng rãi về chính sách bảo tồn tài nguyên, hệ sinh thái tự nhiên.
Tuy nhiên, về cơ bản, các chế tài xử phạt của chính quyền Lào chưa thực sử đủ mạnh, có trọng lượng răn đe, dẫn đến tình trạng săn bắt động vật hoang dã vẫn đang tồn tại.
Chỉ riêng tại vườn quốc gia Nam Et – Phouleuy ở tỉnh Hua Phan, miền Bắc Lào, cơ quan chức năng cho biết đã phát hiện và xử lý hơn 400 vụ săn bắt thú rừng trái phép trong phạm vi bảo tồn, thu giữ hàng trăm vũ khí, công cụ săn bắt, chủ yếu là súng. Tuy nhiên, các hình thức xử lý khá đơn giản, thường chỉ là phạt hành chính và quán triệt tư tưởng.
Thực trạng này đòi hỏi sự phối hợp liên ngành chặt chẽ hơn, giữa chính quyền địa phương, ngành truyền thông, kiểm lâm và người dân để chủ động phát hiện sớm và ngăn chặn nạn săn bắt và buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp.
(Nguồn: Tạp chí Việt Lào)