Giới chuyên gia cho rằng sau khi vượt qua Anh để trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới, Ấn Độ đang tăng quy mô sức mạnh để trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 trên toàn cầu đến năm 2030.
Theo số liệu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), về Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý I năm nay, Ấn Độ đã vượt qua Vương quốc Anh để trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới, nhờ sự phục hồi ổn định sau đại dịch COVID-19. Đây là lần thứ hai Ấn Độ vượt qua Anh trong lĩnh vực kinh tế, lần đầu tiên là vào năm 2019.
Cũng theo dữ liệu trên, Ấn Độ hiện chỉ xếp sau Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Đức. Nền kinh tế Ấn Độ tính theo GDP “danh nghĩa” trong quý I đạt 854,7 tỷ USD, trong khi Vương quốc Anh đạt 816 tỷ USD. Một thập kỷ trước, Ấn Độ đứng thứ 11 và Vương quốc Anh đứng thứ 5.
Hôm 3/9, Ngân hàng Nhà nước Ấn Độ (SBI) công bố nghiên cứu cho biết quốc gia Nam Á này đang trên đà trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới, dự kiến vượt Đức vào năm 2027 và Nhật Bản vào năm 2029. Cựu Cố vấn kinh tế quốc gia Ấn Độ Arvind Virmani cho rằng xu hướng này rất quan trọng, bởi điều này sẽ ảnh hưởng đến nhận thức, chính sách đối ngoại của Ấn Độ, cũng như vị thế của quốc gia Nam Á này.
Về phần mình, nhà kinh tế nổi tiếng Charan Singh nhấn mạnh đây là "khoảnh khắc đáng tự hào" đối với Ấn Độ. IMF từ lâu đã cho rằng Ấn Độ là nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới. Lạm phát gần như được kiểm soát. Trong khi thế giới đang bên bờ vực suy thoái, nền kinh tế Ấn Độ đang bùng nổ. Quốc gia Nam Á này đang làm rất tốt và điều đó đang thể hiện trong hoạt động kinh tế.
(Nguồn: Ngày Nay)