Những ngày vừa qua, truyền thông Trung Quốc đã chia sẻ thông tin về những đánh giá tích cực của Đại sứ Lào tại Trung Quốc đối với thành tựu công nghệ của Trung Quốc, cũng như tiềm năng triển vọng phát triển hệ thống định vị Bắc Đẩu mà Trung Quốc mới hoàn thành gần đây đối với Lào.
People’s Daily trong bài viết tiêu đề “Đại sứ Lào tại Trung Quốc: Cảm ơn Trung Quốc giúp Lào chống dịch, tiếng Triều Châu có trong ngôn ngữ Lào” đã dẫn lời của bà Khamphao Ernthavanh, Đại sứ Lào tại Trung Quốc khen ngợi những thành tựu phát triển của Trung Quốc, cho rằng: Bà đã cùng đông đảo người dân Trung Quốc đã theo dõi sự kiện Trung Quốc phóng thành công vệ tinh Bắc Đẩu – 3GEO3 vệ tinh cuối cùng trong hệ thống định vị Bắc Đẩu ngày 23.6 vừa qua, bà rất vui mừng chứng kiến bước tiến mang tính lịch sử hướng tới việc trở thành cường quốc vũ trụ của Trung Quốc. Bà cho rằng Hệ thống Bắc Đẩu là cột mốc quan trọng thể hiện việc Trung Quốc đạt tới đỉnh cao khoa học, là một thành tựu lớn trong việc xây dựng hệ thống hạ tầng nhằm cung cấp dịch vụ công cộng toàn cầu.
Hai nước trước đó đã xây dựng được nền tảng hợp tác tốt đẹp trên lĩnh vực vệ tinh, năm 2015 Trung Quốc đã phóng thành công vệ tinh Laosat 1, đây cũng là lần đầu tiên Trung Quốc xuất khẩu vệ tinh thương mại cho một nước Đông Nam Á. Năm 2016, với việc trạm mặt định vị và giám sát mặt đất LBS đầu tiên được xây dựng đưa vào vận hành tại Thủ đô Viêng Chăn, dịch vụ định vị của vệ tinh Bắc Đẩu đã chính thức được triển khai tại Lào. Qua một số năm phát triển, hệ thống Bắc Đẩu đã được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực kinh tế xã hội của Lào.
Bà Khamphao Ernthavanh bày tỏ tin tưởng, với sự kiện Trung Quốc phóng thành công vệ tinh Bắc Đẩu – 3GEO3 để hoàn chỉnh hệ thống Bắc Đẩu, không gian hợp tác phát triển vệ tinh giữa Lào và Trung Quốc sẽ càng rộng lớn hơn trong tương lai.
Trước đó, ngày 23.6 ngay sau khi Trung Quốc thực hiện thành công việc phóng vệ tinh Bắc Đẩu – 3GEO3, trang tin Đài phát thanh quốc tế Trung Quốc – CRI Online đã đăng bài viết tiêu đề “Hệ thống định vị hướng dẫn hành trinh vệ tinh toàn cầu Bắc Đẩu hỗ trợ phát triển kinh tế Lào, đem lại hạnh phúc cho nhân dân Lào”.
Bài viết theo đó cho biết, một công ty do tư nhân Trung Quốc thành lập hiện đang đảm nhận việc thiết lập, vận hành và kinh doanh mạng lưới CORS tại Lào nhằm cung cấp dịch vụ dẫn đường, định vị, báo giờ vệ tinh ứng dụng cho các lĩnh vực giám sát hướng dẫn hành trình, đo đạc lập bản đồ, xây dựng công trình, dự báo thời tiết và ứng phó thiên tai.
Hiện tại, công ty này đã thiết lập được hệ thống 9 trạm lấy thủ đô Viêng Chăn là trung tâm, phạm vi bao phủ là 5 tỉnh Trung Lào, đã khai thác vệ tinh Bắc Đẩu để nâng cao hiệu quả trong việc đo đạt thi công công trình, kiểm soát an toàn, phân định cắm mốc địa giới…Được sử dụng phổ biến trong các công trình xây dựng lớn tại Lào như dự án đường sắt Lào – Trung, cao tốc Viêng Chăn – Văng Viêng.
Bên cạnh đó, tiềm năng để đưa công nghệ vệ tinh Bắc Đẩu ứng dụng vào đảm bảo an toàn cho các công trình đường xá, đường hầm, cầu đường, các đập thủy điện tại Lào là rất lớn. Nếu triển khai công nghệ này việc thay đổi hình dạng các công trình xây dựng dù chỉ ở phạm vi 1 – 2 cm cũng sẽ được phát hiện, cảnh báo để xử lý kịp thời, do đó sẽ tránh được các thảm họa.
Bài báo trên cũng cho rằng, nỗ lực chuyển mình từ một nước “không có biển” trở thành “quốc gia kết nối đất liền” của Lào không thể thiếu được việc xây dựng hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng mặt đất, trong đó có hệ thống định vị Bắc Đẩu. Tin tưởng rằng, sau khi hệ thống định vị vệ tinh Bắc Đẩu được hình thành, công trình đường sắt Lào Trung đi vào hoạt động, lưu lượng chuyển dịch hàng hóa con người giữa Lào và Trung Quốc gia tăng, lúc đó ứng dụng của Bắc Đẩu sẽ đi vào giai đoạn phát triển cao độ, thúc đẩy làm thay đổi mô thức kinh doanh, sự sáng tạo và ứng dụng công nghệ khoa học của Lào phát triển hơn nữa.
Mạng lưới định vị vệ tinh Bắc Đẩu, được Trung Quốc đưa vào sử dụng thương mại từ năm 2012 ban đầu chỉ giới hạn ở phạm vi châu Á – Thái Bình Dương. Đến năm 2018, đã bao phủ phạm vi hoạt toàn cầu. Dư luận thế giới đánh giá, Trung Quốc đang nỗ lực gia tăng ảnh hưởng công nghệ đối với nước ngoài. Hiện một số nước như Pakistan và Thái Lan đang kết nối với mạng Bắc Đẩu để theo dõi lưu lượng tàu ra vào cảng, dẫn đường cho các chiến dịch giải cứu trong trường hợp thiên tai và những dịch vụ khác. Trung Quốc cũng đang dựa vào dự án “Vành đai, Con đường” để thuyết phục các đối tác khác sử dụng công nghệ định vị của mình để cạnh tranh thị phần cung cấp dịch vụ định vị toàn cầu hiện chủ yếu dựa vào các hệ thống GPS (Mỹ), GLONASS (Nga) và Galileo (EU).
(Nguồn: Tạp chí Việt Lào)