Ngày 25/11/2020, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao đã phối hợp với Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam và Tổ chức Xúc tiến Mậu dịch Nhật Bản (JETRO) tổ chức hội nghị “Gặp gỡ Nhật Bản 2020” (Meet Japan 2020). Đây là sự kiện quan trọng nhằm giúp chính quyền và doanh nghiệp địa phương Việt Nam kết nối trực tiếp, trao đổi và thúc đẩy các hoạt động hợp tác với các đối tác Nhật Bản.
Trước khi vào các phiên thảo luận chuyên đề, hội nghị được nghe các thông điệp chúc mừng từ Nhật Bản của Thống đốc các tỉnh Kanagawa, Fukuoka và Nagasaki, được chiếu bằng video clip trên màn hình. Điều này cho thấy các địa phương ở Nhật Bản rất quan tâm đến việc hợp tác với Việt Nam. Tôi thực sự ấn tượng và được truyền cảm hứng khi nghe lời phát biểu của Thống đốc tỉnh Nagasaki: “Tôi là Nakamura Norimichi, Thống đốc tỉnh Nagasaki. Tôi xin gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất nhân dịp hội nghị “Gặp gỡ Nhật Bản 2020” được tổ chức ngày hôm nay. Hiện nay, do ảnh hưởng của COVID-19 bùng phát trên toàn thế giới, nhiều hoạt động giao lưu với Việt Nam đang tiếp tục trong tình trạng khó khăn, phải hủy bỏ hoặc hoãn lại nhưng tôi đặc biệt cảm ơn các bạn Việt Nam đã nỗ lực hết sức mình để thúc đẩy giao lưu hữu nghị giữa Nhật Bản và Việt Nam.
Tỉnh Nagasaki và Việt Nam đã gắn kết với nhau bằng tình hữu nghị sâu sắc từ rất lâu rồi. Đầu thế kỷ 17, một thương gia của tỉnh Nagasaki là ông Araki Sotaro đã nỗ lực phát triển quan hệ giao thương giữa Nhật Bản và Việt Nam thông qua Châu Ấn thuyền và cưới công chúa của Hoàng tộc Việt Nam lúc bấy giờ. Câu chuyện này vẫn được lưu truyền đến ngày nay và trở thành dấu ấn quan trọng trong lịch sử giao lưu giữa Nhật Bản và Việt Nam. Công chúa đã sống cả cuộc đời ở tỉnh Nagasaki và được người dân địa phương gọi với cái tên trìu mến là Anio-san. Hình ảnh lễ cưới của công chúa hằng năm được tái hiện trong điệu múa dâng lên thần linh tại Lễ hội đại diện cho tỉnh Nagasaki - “Nagasaki Kunchi”. Hơn nữa, mộ của thương nhân Araki Sotaro và công chúa cũng đang được người dân tỉnh Nagasaki giữ gìn cẩn thận.
Để phát huy bề dày lịch sử này, tháng 6/2017, tỉnh Nagasaki đã ký kết biên bản ghi nhớ thiết lập quan hệ hợp tác hữu nghị với tỉnh Quảng Nam. Tháng 11 cùng năm, nhân dịp Hội nghị cấp cao APEC được tổ chức tại Việt Nam, tỉnh Nagasaki đã tặng mô hình Châu Ấn thuyền - biểu tượng cho quan hệ giữa tỉnh Nagasaki và Việt Nam cho tỉnh Quảng Nam dưới sự chứng kiến của lãnh đạo cấp cao hai nước. Mô hình Châu Ấn thuyền hiện tại đang được trưng bày tại phố cổ Hội An, nếu có cơ hội xin mời quý vị hãy đến tham quan. Hiện nay, Việt Nam là nước có số lượng người đang sinh sống và làm việc tại tỉnh Nagasaki đông nhất trong tất cả các nước và trong thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục nỗ lực để tăng cường hoạt động giao lưu về nhân lực với Việt Nam như tiếp nhận du học sinh, thực sinh kỹ năng. Tỉnh Nagasaki trong 400 năm qua luôn coi trọng, gìn giữ và để củng cố hơn nữa mối quan hệ hữu nghị và tin cậy với Nhân dân Việt Nam. Chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực phát triển giao lưu với các địa phương, giao lưu với người dân Việt Nam, vì vậy rất mong nhận được sự hợp tác và thấu hiểu của Nhân dân Việt Nam. Cuối cùng, tôi xin chúc quan hệ hữu nghị giữa Nhật Bản và Việt Nam sẽ phát triển không ngừng. Chúc tất cả các quý vị sức khỏe, hạnh phúc và xin mời các quý vị đến thăm tỉnh Nagasaki của chúng tôi”.
Thông điệp của ông Nakamura Norimichi, Thống đốc tỉnh Nagasaki gửi hội nghị khiến tâm trí tôi bồi hồi ngược dòng lịch sử, nhớ lại thời kỳ Nguyễn Hoàng vào Ái Tử, Triệu Phong, Quảng Trị, trấn nhậm Thuận Hóa, mở mang các quan hệ thương mại với Nhật Bản, sau đó, Nguyễn Phúc Nguyên đã kế nghiệp cha mình một cách xuất sắc, tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ các quan hệ với Nhật Bản.
Năm 1558, Nguyễn Hoàng bắt đầu vào Thuận Hóa, dựng dinh ở xã Ái Tử. Năm 1570, Nguyễn Hoàng từ Tây Đô về, dời dinh sang Trà Bát. Đánh giá về những đổi thay trên vùng đất mới sau hơn 10 năm trấn nhậm của Chúa Nguyễn Hoàng, đặc biệt là về mở mang thương mại, “Đại Nam thực lục” của Quốc sử quán triều Nguyễn viết: “Bấy giờ chúa ở trấn hơn 10 năm, chính sự rộng rãi, quân lệnh nghiêm trang, Nhân dân đều yên cư lạc nghiệp, chợ không hai giá, không có trộm cướp. Thuyền buôn các nước đến nhiều. Trấn trở nên một nơi đô hội lớn”. Năm 1600, Nguyễn Hoàng cho dời dinh sang phía đông dinh Ái Tử (bấy giờ gọi là Dinh Cát). Từ Ái Tử, Trà Bát, Dinh Cát, từ việc chọn Quảng Trị làm đất dựng nghiệp, Nguyễn Hoàng vừa phóng tầm nhìn xuyên Đàng Trong, vừa phóng tầm nhìn ra biển cả để mở hướng phát triển.
Đối với miền Thuận Quảng, Nguyễn Hoàng sớm nhìn thấy vị thế, vai trò quan trọng của nó trong việc dựng nghiệp, mở cõi. Cùng với việc trông coi xứ Thuận Hóa, năm 1570, Nguyễn Hoàng được vua Lê giao “kiêm lãnh” thêm xứ Quảng Nam. Năm 1602, Nguyễn Hoàng giao Nguyễn Phúc Nguyên, hoàng tử thứ sáu, từng được Nguyễn Hoàng khen là “tuấn kiệt” làm trấn thủ dinh Quảng Nam. Trong một lần đi chơi núi Hải Vân, thấy dáng núi trải dài hàng trăm dặm vươn ngang đến biển, Nguyễn Hoàng khen: “Chỗ này là đất yết hầu của miền Thuận Quảng”. Năm 1613, lúc yếu mệt, sắp từ giã cõi đời, Nguyễn Hoàng triệu Nguyễn Phúc Nguyên và các cận thần đến bên giường bệnh. Sau khi căn dặn các cận thần phải đồng sức, đồng lòng giúp đỡ người kế nghiệp, căn dặn Nguyễn Phúc Nguyên giữ tròn đạo trung hiếu, Nguyễn Hoàng phân tích về thế đất dựng nghiệp để trao truyền sứ mệnh cho con: “Đất Thuận Quảng phía Bắc có núi Ngang (Hoành Sơn) và sông Gianh (Linh Giang) hiểm trở, phía Nam ở núi Hải Vân và núi Đá Bia (Thạch Bi sơn) vững bền. Núi sẵn vàng sắt, biển có cá muối, thật là đất dụng võ của người anh hùng”.
Cùng với tầm nhìn xuyên Đàng Trong thời bấy giờ, Nguyễn Hoàng còn hướng tầm nhìn ra biển. Để mở mang quan hệ thương mại với Nhật Bản, Nguyễn Hoàng đã viết nhiều thư trao đổi, bàn bạc chuyện buôn bán với chính quyền Tokugawa (chính quyền quân sự ở Nhật Bản). “Từ 1601 đến 1606, hằng năm, Nguyễn Hoàng và Tokugawa đều có trao đổi thư từ với nhau. Tuy nhiên, Nguyễn Hoàng tỏ ra là người bạn hàng hăm hở hơn và thường đóng vai trò chủ động” (dẫn theo nhà nghiên cứu Li Tana). Đặc biệt, năm 1604, Nguyễn Hoàng đã nhận ông Hunamoto Yabeije (Di Thất Lang), một thương gia Nhật Bản và là phái viên đầu tiên của chính quyền Tokugawa tới Đàng Trong làm con nuôi và viết thư báo cho phía Nhật Bản biết về mối giao hảo tốt đẹp này.
Sau khi kế nghiệp cha, Nguyễn Phúc Nguyên đã tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ giao thương với Nhật Bản phát triển hơn nữa. Theo Li Tana: “Con của Nguyễn Hoàng là Nguyễn Phúc Nguyên (1613 - 1635) còn tìm cách đẩy các mối quan hệ này đi xa hơn nữa. Vào năm 1619, ông gả con gái cho một thương gia người Nhật khác tên là Araki Sotaro. Người con rể mới này lấy tên Việt Nam và trở thành hoàng thân ở Đàng Trong. Các quan hệ có tính cách cá nhân này đã hướng tàu bè của Nhật tới Đàng Trong. Trong số 84 Châu Ấn thuyền được phái đến Annam và Đàng Trong từ 1604 đến 1635, có đến 17 chiếc do Araki và Hunamoto cầm đầu”. Để ý rằng, năm 1619, lúc gả con gái cho Araki Sotaro, Nguyễn Phúc Nguyên vẫn đang đặt dinh tại Quảng Trị. Đứng chân ở Quảng Trị 13 năm, sau khi Nguyễn Hoàng mất, Nguyễn Phúc Nguyên mới dời dinh đến xã Phúc Yên (thuộc huyện Quảng Điền, Thừa Thiên-Huế) vào năm 1626.
Trở lại nói chuyện hội nghị “Gặp gỡ Nhật Bản 2020”. Trong khuôn khổ hội nghị, Đoàn công tác của tỉnh tham dự hội nghị do đồng chí Hoàng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn đã làm việc với ông Shinichi Asazuma, Phó Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam cùng đại diện lãnh đạo Văn phòng JICA tại Việt Nam, Văn phòng Lãnh sự Nhật Bản tại Đà Nẵng và các cộng sự liên quan. Đồng chí đã ghi nhận sự quan tâm, hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam đối với Quảng Trị. Đồng chí đề nghị thúc đẩy hợp tác giữa Quảng Trị với các đối tác, doanh nghiệp Nhật Bản liên quan đến 3 lĩnh vực: Hợp tác phát triển (nâng cấp hệ thống giao thông, đô thị kết nối EWEC và Para-EWEC, hệ thống nước sạch và xử lý rác thải), hợp tác đầu tư: nông nghiệp, công nghiệp, thương mại và du lịch, lao động - việc làm, hợp tác địa phương (hướng đến thiết lập quan hệ hợp tác hữu nghị với tỉnh Hiroshima). Ông Shinichi Asazuma, Phó Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam đã bày tỏ sự đồng tình, chia sẻ với những đề xuất, kiến nghị của tỉnh Quảng Trị, đồng thời cam kết phối hợp với Bộ Ngoại giao Việt Nam tìm kiếm các giải pháp thúc đẩy hợp tác trên nhiều lĩnh vực với tỉnh Quảng Trị. Ông đề nghị tỉnh tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nghiên cứu thành lập bộ phận hỗ trợ đầu tư Nhật Bản (Japan Desk), đào tạo lao động sử dụng tiếng Nhật… để tăng cường thu hút thương mại, đầu tư từ các doanh nghiệp Nhật Bản.
Từ thông điệp của ông Nakamura Norimichi, Thống đốc tỉnh Nagasaki tại hội nghị “Gặp gỡ Nhật Bản 2020” và phiên làm việc của đồng chí Hoàng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh với ông Shinichi Asazuma, Phó Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam cùng một số cơ quan, tổ chức của Nhật Bản, xâu chuỗi các sự việc đầy ý nghĩa và thú vị này cho thấy, “mối duyên” kết nối, hợp tác giữa Việt Nam, trong đó có Quảng Trị với Nhật Bản vốn có bề dày truyền thống từ thời các chúa Nguyễn sẽ ngày càng mở mang, phát triển, với tầm cao và chiều sâu mới, miễn là hai bên thấu hiểu và chia sẻ với nhau sâu sắc.
Đứng chân trên mảnh đất Quảng Trị, Nguyễn Hoàng và Nguyễn Phúc Nguyên đã nhìn xa trông rộng về sự phát triển của Đàng Trong, về mở mang bờ cõi, mở rộng giao thương với các nước, trong đó có Nhật Bản. Vị trí, vai trò của mảnh đất Quảng Trị đối với việc khai triển tầm nhìn xuyên thế kỷ đó của Nguyễn Hoàng, Nguyễn Phúc Nguyên đã được các nhà nghiên cứu phân tích: “Thiết lập dinh trấn Ái Tử hướng mạnh mẽ về biển là một trong những chính sách mở đầu cho thời đại thương mại ở Đàng Trong” (Vũ Thị Xuyến), từ đó khẳng định “những đóng góp có tính khai mở của vùng đất Quảng Trị” (PGS.TS Ngô Minh Oanh) trong lịch sử dân tộc. Vị trí, vai trò lịch sử đó của mảnh đất Quảng Trị là lợi thế cần được khai thác, phát huy hơn nữa, tạo cơ hội kết nối, thúc đẩy các quan hệ hợp tác giữa Quảng Trị với Nhật Bản, trong bối cảnh Chính phủ Nhật Bản đang hỗ trợ các công ty Nhật Bản chuyển dịch các cơ sở sản xuất đến Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng và vì thế, Việt Nam lại càng trở thành điểm đầu tư hấp dẫn hơn nữa đối với các công ty Nhật Bản.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)