Tuy không “miễn nhiễm” trước tác động của đại dịch Covid-19, song theo truyền thông quốc tế, nền kinh tế Việt Nam vẫn có khả năng phục hồi nhanh nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh.
Hai lý do chính
Trong bài viết mới đây, tờ Gulf Times cho biết Ngân hàng Quốc gia Qatar (QNB) đánh giá nền kinh tế Việt Nam kiên cường và vẫn là một “con rồng đang lên” bất chấp đại dịch Covid-19.
Trong những năm qua, kinh tế Việt Nam tăng trưởng đều đặn và có tỷ lệ lạm phát ở mức thấp chủ yếu nhờ vào các nỗ lực cải cách của chính phủ. “Căng thẳng thương mại toàn cầu leo thang và biến động ở các nền kinh tế mới nổi đã được cảm nhận ở Việt Nam trong năm 2019. Tuy nhiên, nền kinh tế Việt Nam thể hiện sự kiên cường. Việc đóng cửa biên giới sớm và hiệu quả cùng với việc truy dấu triệt để những người tiếp xúc với virus SARS-CoV-2 đã giúp Việt Nam kiểm soát dịch tốt hơn nhiều quốc gia khác”, QNB nhấn mạnh.
QNB dự báo nền kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi sớm hơn và nhanh hơn hầu hết các quốc gia khác vì hai lý do chính. Thứ nhất, Việt Nam đã nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội. Việc ngăn chặn thành công sự lây lan của virus SARS-CoV-2 đã cho phép Việt Nam mở cửa trở lại trường học và các doanh nghiệp. Việc đi lại giữa các địa phương cũng được khôi phục, trong đó có các chuyến bay nội địa. “Dữ liệu di động từ cả Apple và Google cho thấy Việt Nam là một trong số ít nơi trên thế giới có các hoạt động đã được khôi phục về những mức bình thường hơn”, QNB khẳng định. Thứ hai, việc tăng cường các chuỗi cung ứng sẽ có lợi với Việt Nam.
Theo QNB, những cải cách thân thiện với thị trường và việc tham gia ngày càng nhiều các hiệp định thương mại tự do giúp Việt Nam “vượt trội” về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). “Trên thực tế, Việt Nam là một lựa chọn hiển nhiên đối với các công ty đang tính tìm địa điểm xây dựng hoặc di dời các nhà máy sản xuất”, QNB nêu rõ. QNB cho biết nhiều công ty đa quốc gia lớn đã hoạt động hoặc đang có kế hoạch đầu tư tại Việt Nam. Ví dụ, điển hình nhất là Samsung-nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam với vốn đầu tư lên tới 17 tỷ USD. Gần đây nhất, Samsung đã bắt đầu xây dựng một trung tâm nghiên cứu và phát triển trị giá 220 triệu USD tại Việt Nam. Ngoài ra, các “ông lớn” như Google, Dell, Amazon hay Apple hiện đang thực hiện hoặc đang tích cực xem xét các khoản đầu tư tại quốc gia Đông Nam Á này.
“Hiện tượng”
Nhấn mạnh thành công trong ứng phó đại dịch Covid-19 đã giúp Việt Nam nhanh chóng trở lại trạng thái bình thường, trong một bài viết mới đây, tờ The Times of India nhận định, quốc gia Đông Nam Á này có thể đón nhận làn sóng đầu tư lớn hơn khi các công ty đa quốc gia tìm cách điều chỉnh lại chuỗi cung ứng của mình. Tờ The Times of India cho biết, Ngân hàng HSBC có trụ sở tại Anh đánh giá Việt Nam đã trở thành một “hiện tượng” về kiểm soát tốt dịch Covid-19 và nền kinh tế.
Trong khi đó, theo tờ Bloomberg, mặc dù nền kinh tế dựa vào xuất khẩu của Việt Nam đã bị ảnh hưởng khi dịch Covid-19 làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và khiến nhu cầu tiêu dùng sụt giảm, đây nhiều khả năng vẫn sẽ là một trong những nền kinh tế đạt thành tích tốt ở khu vực Đông Nam Á trong năm nay. Bài viết của tờ Bloomberg nhắc lại phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hồi tháng 5 vừa qua, theo đó Việt Nam đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 5% trong năm 2020 khi Chính phủ nỗ lực thu hút thêm đầu tư nước ngoài.
Cho rằng việc kiểm soát tốt dịch bệnh sẽ khiến kinh tế Việt Nam chịu tác động của Covid-19 “nhẹ hơn” so với phần lớn các quốc gia khác trong khu vực, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đánh giá triển vọng phục hồi kinh tế của Việt Nam “sáng sủa” khi các biện pháp giãn cách xã hội đã được nới lỏng, các doanh nghiệp nối lại hoạt động và người tiêu dùng bắt đầu đổ xô tới các cửa hiệu, nhà hàng như trước. “Đã có những dấu hiệu phục hồi trong nước khi doanh số bán lẻ và sản xuất công nghiệp tăng trở lại so với mức thấp vào thời điểm thực hiện cách ly toàn xã hội”, IMF khẳng định trong một bài viết đăng tải mới đây trên trang web của tổ chức này.
(Nguồn: QĐND)