WHO thẳng thừng từ chối việc sử dụng hộ chiếu vaccine để đi lại do lo ngại vaccine không ngăn được sự lây lan của virus.
RT đưa tin, trong cuộc họp của Ủy ban Khẩn cấp hôm 19.4, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phản đối việc sử dụng hộ chiếu vaccine để mở lại du lịch do lo ngại rằng, chỉ tiêm vaccine sẽ không ngăn chặn được sự lây truyền của virus.
Nhắc lại quan điểm đã nêu trước đó, Ủy ban Khẩn cấp của WHO tuyên bố phản đối việc sử dụng hộ chiếu vaccine hoặc bằng chứng tiêm chủng như một điều kiện để đi du lịch quốc tế do thiếu bằng chứng về tác động của tiêm chủng đối với việc lây truyền virus.
Tuyên bố của WHO được đưa ra trong bối cảnh tổ chức này báo động về “sự bất bình đẳng dai dẳng trong phân phối vaccine toàn cầu”, đồng thời cho rằng hộ chiếu vaccine sẽ chỉ khiến quyền tự do đi lại bất bình đẳng hơn nữa.
Thay vào đó, WHO khuyến nghị các quốc gia áp dụng các biện pháp kiểm dịch đối với du khách quốc tế và đưa ra “các phương pháp tiếp cận phối hợp, giới hạn thời gian, dựa trên rủi ro và dựa trên bằng chứng cho các biện pháp y tế”.
Lo ngại về sự bất bình đẳng do việc sử dụng hộ chiếu vaccine xuất hiện khi các quốc gia giàu có mua vaccine, trong khi các quốc gia nghèo hơn không có đủ liều để tiêm chủng hiệu quả cho dân số của họ.
WHO đã mô tả sự chia rẽ ngày càng tăng giữa các đợt triển khai vaccine giữa các quốc gia là “sự phẫn nộ về đạo đức” và “sự thất bại thảm hại về mặt đạo đức”, yêu cầu các nhà lãnh đạo thế giới ủng hộ việc phân phối vaccine công bằng hơn.
Bất chấp những lo ngại này, WHO đã ca ngợi sự tiến bộ của chương trình COVAX quốc tế, dự kiến cung cấp 2 tỉ liều vaccine COVID-19 trên toàn cầu vào cuối năm 2021, bên cạnh các đợt triển khai trong nước do chính quyền các quốc gia điều hành. Dự án đặc biệt nhằm hỗ trợ các quốc gia có thu nhập thấp hơn, những người sẽ phải vật lộn để đảm bảo liều lượng tiêm chủng.
Cũng trong cuộc họp báo ngày 19.4, Tổng Giám đốc WHO cho biết, thế giới có thể kiểm soát đại dịch COVID-19 trong "vài tháng" nữa.
"Với cách tiếp cận nhất quán toàn cầu đối với đại dịch COVID-19, chúng ta có thể kiểm soát nó trước cuối năm nay, mặc dù đã có một tuần kỷ lục về số ca mắc. Chúng ta có các công cụ để kiểm soát đại dịch này trong vài tháng, nếu chúng ta áp dụng chúng một cách nhất quán và công bằng” - ông Tedros Adhanom Ghebreyesus nói trong cuộc họp báo hôm 19.4.
Người đứng đầu WHO cho hay, tổng số ca mắc COVID-19 mới trong bảy ngày qua đã tăng tuần thứ tám liên tiếp, với con số kỷ lục 5,2 triệu ca được báo cáo.
“Những con số lớn có thể khiến chúng ta tê liệt” - ông Ghebreyesus nói, đồng thời kêu gọi mọi người đừng quên rằng mỗi ca tử vong do virus là một “thảm kịch” đối với gia đình và cộng đồng.
Ông cũng nhấn mạnh, sự gia tăng “đáng báo động” về các ca mắc và nhập viện ở những người từ 25 đến 59 tuổi, “có thể là do các biến thể mới hơn có khả năng lây truyền cao.
Theo số liệu của WHO, tính đến ngày 20.4, thế giới đã có hơn 140 triệu ca mắc COVID-19, trong đó hơn 3 triệu ca tử vong.
(Nguồn: Báo Lao Động)