Bác sĩ Trương Thanh Mẫn (sinh năm 1978), Phó Trưởng Khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa khu vực Triệu Hải (Quảng Trị) đón chúng tôi bằng nụ cười ấm áp. Ít ai biết, anh vừa trải qua ca trực dài, cùng đồng nghiệp vật lộn cứu sống một sản phụ không may bị băng huyết sau sinh.
Hôm ấy không phải là ca trực của bác sĩ Mẫn, vậy mà nhận cuộc gọi “tiếp sức” từ đồng nghiệp, anh liền vội vã lên đường. “Trong nghề này, tai biến sản khoa luôn rình rập, khiến người bác sĩ đôi khi phải trả một cái giá rất đắt. Vì thế, tôi và đồng nghiệp luôn nhận phần vất vả, áp lực về mình, chỉ mong ca sinh nào cũng “mẹ tròn, con vuông””, bác sĩ Mẫn chia sẻ.
Một bác sĩ tận tâm
Ba mẹ đều gắn bó với cây cuốc, cái cày, vắt sức nuôi 6 người con trai ăn học. Vì thế, từ tấm bé, bác sĩ Mẫn và các em đã quen với những bữa ăn khoai, sắn nhiều hơn cơm. Thấy ba mẹ và nhiều người dân trong làng Lệ Xuyên, xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong đổ bệnh vì vất vả lao động, anh Mẫn sớm nuôi quyết tâm trở thành bác sĩ. Như ước nguyện, năm 2003, anh tốt nghiệp Đại học Y dược Huế và về công tác ở Bệnh viện Đa khoa khu vực Triệu Hải. Sau khi cân nhắc, lãnh đạo bệnh viện phân công bác sĩ Mẫn làm việc tại Khoa Sản. Buổi đầu nhiều thách thức đặt ra đối với bác sĩ Mẫn. Công việc của y bác sĩ Khoa Sản thiêng liêng, cao quý nhưng rất vất vả, lại áp lực. Sản phụ không giống như bệnh nhân bình thường. Họ “đi một, về hai” nên nhiệm vụ của các y, bác sĩ là phải làm bằng mọi cách để “mẹ tròn, con vuông”. Vì thế, yêu cầu đặt ra bên cạnh giỏi chuyên môn còn phải có “thần kinh thép”. Hiểu điều đó, bác sĩ Mẫn luôn chú tâm học tập kinh nghiệm từ người đi trước; thu xếp công việc để vào Huế học chuyên khoa; tham gia nhiều hội thảo, lớp tập huấn lớn… Anh cũng chú ý tôi rèn cách đối nhân xử thế. Nhờ giỏi chuyên môn, lại tận tâm, tận lực với từng ca sinh nên bác sĩ Mẫn nhanh chóng nhận được sự tin tưởng của nhiều sản phụ và thân nhân. Đó là động lực để bác sĩ Mẫn nỗ lực hơn trong công việc. Anh không ngại những đêm trắng cùng sản phụ “vượt cạn”. Cũng như đồng nghiệp, anh chấp nhận những ngày nghỉ, lễ tết không trọn vẹn vì phải san sẻ thời gian cho những ca sinh khó. Bác sĩ Mẫn không cho phép mình căng thẳng trước những áp lực mà đôi khi sản phụ, người thân vô tình gây ra. Trung bình mỗi năm anh cùng đồng nghiệp đón khoảng 200 em bé chào đời. Con số đó dự kiến sẽ còn tăng lên khi nhiều sản phụ, thân nhân chọn cách đi ngược tuyến hoặc trái tuyến để gửi gắm lòng tin vào bác sĩ Mẫn cùng các y, bác sĩ Khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa khu vực Triệu Hải.
Một trái tim thiện nguyện
Những bận rộn và áp lực trong công việc không khiến trái tim vì cộng đồng của bác sĩ Trương Thanh Mẫn vơi đi nhịp đập của tuổi trẻ. Là Phó Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ tỉnh, Phó Chủ nhiệm Hội LHTN thị xã Quảng Trị, Chủ nhiệm CLB Thầy thuốc trẻ thị xã, hiếm hoạt động, phong trào nào vắng bóng bác sĩ Mẫn. Anh là một trong những người đặt nền móng cho sự ra đời của CLB Thầy thuốc trẻ thị xã Quảng Trị vào tháng 5/2013 với lực lượng nòng cốt là các y, bác sĩ trẻ ở Bệnh viện Đa khoa khu vực Triệu Hải. Năm nào cũng vậy, thu xếp thời gian, công việc, bác sĩ Mẫn vận động hội viên tham gia các hoạt động chăm sóc sức khỏe cho người dân trên địa bàn như: Ngày hội “Thầy thuốc trẻ làm theo lời Bác, tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng”; chiến dịch thanh niên tình nguyện hè; hành trình “Vì sức khỏe người cao tuổi”… Các thầy thuốc trẻ thường xuyên về các xã, phường trên địa bàn khám, chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho bệnh nhân ngại hoặc không có điều kiện đến bệnh viện. Đối với những trường hợp già yếu, gặp khó khăn trong đi lại, bác sĩ Mẫn và các y bác sĩ trẻ khác nhiệt tình đến tận nhà để kiểm tra sức khỏe. Nhờ những hoạt động hướng về cơ sở mà bác sĩ Mẫn và đồng nghiệp đã phát hiện nhiều trường hợp mắc bệnh nặng, kịp thời khuyên bệnh nhân đến cơ sở y tế để được chăm sóc, điều trị. Bao giờ cũng vậy, trong hầu hết chuyến thiện nguyện, bác sĩ Mẫn cùng những thầy thuốc trẻ khác luôn nỗ lực vận động các tổ chức, cá nhân hảo tâm để trao quà cho người dân có hoàn cảnh khó khăn. Để làm được điều đó, anh phải cậy nhờ những người quen biết. Điều khiến anh vui nhất là ngày có càng nhiều tổ chức, cá nhân tự nguyện hỗ trợ CLB Thầy thuốc trẻ thị xã Quảng Trị bằng tiền mặt, thuốc, sữa, quạt, chăn ấm… Có trường hợp còn chủ động liên lạc với bác sĩ Mẫn để hỗ trợ vì tin tưởng vào sự tâm huyết, trách nhiệm của anh. Không chỉ giúp bà con ở thị xã Quảng Trí, bác sĩ Mẫn còn đều đặn đến các vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh, sang Lào để khám, chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho người dân nước bạn. Sau những hành trình như vậy, dù rất vất vả, mệt nhọc nhưng bác sĩ Mẫn vẫn luôn ở tư thế sẵn sàng cho những chuyến đi tiếp theo. Gần 17 năm cống hiến cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân, bác sĩ Trương Thanh Mẫn đã được tặng nhiều giấy khen, bằng khen, danh hiệu cao quý… Sự ghi nhận ấy là một trong những động lực thôi thúc anh nỗ lực hơn nữa trong công việc, cuộc sống.