Tạo “cú hích” để phát triển thương mại - dịch vụ

Bảo Bình |

Nhờ các chính sách hỗ trợ và đồng hành với doanh nghiệp của nhà nước, năm 2019 hoạt động thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có bước phát triển khá. Tuy vậy, các ngành dịch vụ quan trọng như: Du lịch, logistics, giáo dục, y tế, khoa học công nghệ... còn chiếm tỉ trọng nhỏ trong cơ cấu tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ, chất lượng dịch vụ còn thấp, chưa thể hiện vai trò chủ đạo trong tăng trưởng chung của khu vực thương mại - dịch vụ.

 
Cần nâng cao hiệu quả trong quản lý, kinh doanh khai thác chợ ở các địa phương. Ảnh: BB 

 

Mặc dù tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ năm 2019 đạt hơn 30 nghìn tỉ đồng, tăng 10,65% so với năm 2018 (cao hơn mức tăng bình quân hằng năm giai đoạn 2016-2018 là 8,02%) nhưng giá trị gia tăng khu vực thương mại - dịch vụ chỉ tăng 7,02% so với năm 2018. Sau khi Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu ra đời và có hiệu lực, các chính sách ưu đãi của Khu Kinh tế -Thương mại đặc biệt Lao Bảo dần bị cắt bỏ, đối mặt với nhiều khó khăn, tỉnh nỗ lực tìm các giải pháp thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu, thương mại biên giới. Nhờ đó, năm 2019, kim ngạch xuất khẩu đạt 357 triệu USD, kim ngạch nhập khẩu đạt 222 triệu USD. Chỉ số giá tiêu dùng bình quân của tỉnh tăng 2,32% so với năm 2018, thấp hơn mức tăng bình quân của cả nước.

Trong năm, Sở Công thương đã quản lý, tổ chức thực hiện 6 đề án thuộc chương trình xúc tiến thương mại tỉnh với tổng kinh phí 1,915 tỉ đồng, tổ chức nhân rộng thêm 3 điểm trưng bày, giới thiệu sản phẩm đặc trưng của tỉnh tại sân bay Tà Cơn, địa đạo Vịnh Mốc, Khu di tích Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, nâng tổng số địa điểm hiện có lên 6 điểm. Điểm nhấn quan trọng là công tác xúc tiến thương mại đạt được một số kết quả rõ nét, nhất là trong việc kết nối các sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của tỉnh vào các hệ thống siêu thị, chuỗi bán lẻ hiện đại để tiêu thụ. Đến nay, một số sản phẩm nông nghiệp của tỉnh như hạt điều chế biến Huy Long của Công ty TNHH MTV Lao Bảo Electronics, dầu lạc, bơ lạc của Công ty TNHH MTV Từ Phong đã được đưa vào tiêu thụ tại hệ thống chuỗi siêu thị Saigon Co.op trên phạm vi cả nước. Sản phẩm bánh bột lọc của Công ty TNHH thương mại và sản xuất Anh Bách, hạt điều chế biến của Công ty TNHH MTV Lao Bảo Electronics được vào tiêu thụ tại hệ thống siêu thị Vinmart ở Đà Nẵng, Hà Nội và Sơn La, bún tươi hút chân không, bột bánh canh của cơ sở Bún sạch Vạn Linh, bánh thuẫn, tinh bột nghệ của Công ty TNHH MTV Hùng Thịnh Thành được vào tiêu thụ tại chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch Vita mart Đà Nẵng… Ngoài ra, tại siêu thị Co.opmart Đông Hà, người tiêu dùng đã có thể dễ dàng lựa chọn các sản phẩm rau, củ quả của HTX dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Đông Thanh hay cam sạch K4 cho nhu cầu sử dụng hằng ngày của gia đình.

Hạ tầng thương mại tiếp tục được quan tâm đầu tư phát triển. Tính đến nay trên địa bàn có 78 chợ, trong đó có 39 chợ kiên cố, 28 chợ bán kiên cố, 8 chợ tạm và 3 chợ đang được xây dựng. Có 3 siêu thị tổng hợp, 2 siêu thị chuyên doanh hàng Lào, Thái, 12 siêu thị điện máy, 13 siêu thị mini kinh doanh tổng hợp và trên 20 điểm đặt máy bán hàng tự động. Tuy vậy, phải nhìn nhận rằng hạ tầng thương mại nông thôn còn nhiều bất cập, tỉ lệ chợ tạm, chợ bán kiên cố còn cao. Trên địa bàn tỉnh còn thiếu các chợ đầu mối nông sản, thủy sản mua bán, trao đổi hàng hóa mang tính liên vùng nhằm thúc đẩy hoạt sản xuất, kinh doanh phát triển. Hạ tầng dịch vụ logistics, nhất là trên tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây, trung tâm thương mại và hội chợ triển lãm của tỉnh chưa được đầu tư xây dựng. Theo quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics trên địa bàn cả nước đến năm 2020, trên tuyến đường 9 có quy hoạch 1 trung tâm logistics, quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050 có quy hoạch 1 khu dịch vụ tiếp vận trung chuyển hàng hóa khoảng 20 ha. Đối với quy hoạch phát triển thương mại của tỉnh có quy hoạch 1 trung tâm logistics tại Khu Công nghiệp Quán Ngang, quy hoạch phát triển hệ thống cảng cạn Việt Nam trên tuyến Quốc lộ 9 có quy hoạch 1 cảng cạn quy mô khoảng từ 10-20 ha, có thể mở rộng lên 30 ha. Tuy nhiên, đến nay các trung tâm logistics, cảng cạn có quy hoạch chưa được đầu tư xây dựng.

Để đạt được các chỉ tiêu đề ra trong năm 2020, cần có các giải pháp đồng bộ, quyết liệt nhằm thúc đẩy tăng trưởng khu vực thương mại - dịch vụ. Đối với các chương trình, đề án trong lĩnh vực thương mại, xuất khẩu, xúc tiến thương mại như quy hoạch phát triển thương mại đến năm 2020, có tính đến năm 2025, kế hoạch hành động thực hiện đề án “Tái cơ cấu ngành Công thương trên địa bàn tỉnh Quảng Trị”, đề án “Phát triển xuất khẩu hàng hóa tỉnh Quảng Trị đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”, đề án “Phát triển hạ tầng thương mại trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2017- 2020, định hướng đến năm 2025”, kế hoạch phát triển dịch vụ logistics; kế hoạch chuyển đổi mô hình quản lý và kinh doanh khai thác chợ trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2018-2020…, cần phải được tăng tốc thực hiện có hiệu quả. Đồng thời cần đẩy mạnh kết nối giao thương, xuất khẩu hàng hóa, phát triển thương mại điện tử. Chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao chất lượng, mở rộng quy mô sản xuất, xây dựng, nhận diện thương hiệu cho một số sản phẩm chủ lực, hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ các mặt hàng có thế mạnh của tỉnh, đặc biệt là hàng nông sản.

Ở các huyện, thị xã, thành phố cần tập trung phát triển các điểm thương mại dịch vụ dọc tuyến Quốc lộ 1 và các tuyến tránh Quốc lộ 1, tuyến đường Hồ Chí Minh, tuyến Quốc lộ 9, các điểm thương mại dịch vụ tại các điểm du lịch để thu hút tiêu dùng vãng lai, mở rộng quy mô bán lẻ hàng hóa và dịch vụ, thúc đẩy hoạt động thương mại - dịch vụ trên địa bàn tỉnh phát triển. Ngoài ra, ở khu vực nông thôn, cần quan tâm phát triển hạ tầng thương mại, đẩy nhanh tiến trình xã hội hóa trong đầu tư xây dựng và nâng cao hiệu quả trong quản lý, kinh doanh khai thác chợ. Tập trung nguồn lực đầu tư phát triển các chợ đầu mối về nông sản, thủy hải sản để thúc đẩy hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa, phát triển các loại hình dịch ở nông thôn, góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh ở khu vực nông thôn phát triển.

Trong tầm nhìn quy hoạch dài hạn cần tính đến việc để dành quỹ đất thu hút đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thương mại - dịch vụ, nhất là thu hút đầu tư, phát triển các siêu thị, trung tâm thương mại tại các đô thị đông dân cư, gắn phát triển thương mại - dịch vụ với du lịch của địa phương, đây cũng chính là cơ sở nhằm thúc đẩy hoạt động du lịch địa phương phát triển.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Chính phủ Lào thực hiện nhiều biện pháp cải thiện môi trường kinh doanh

PV |

Thuộc khuôn khổ lễ trao giải cho 53 doanh nghiệp Lào tiêu biểu năm 2019 diễn ra vào trung tuần tháng 2 vừa qua tại thành phố Vientiane, đại diện chính phủ Lào tuyên bố một trong các mục tiêu chính của mình trong năm 2020 là việc chủ động giải quyết các cản trở khó khăn cho lĩnh vực kinh doanh.

Covid-19 có thể ảnh hưởng nhiều đến kinh tế Lào

PV |

Sáng 15/2, Tiến sĩ Phonepadith Xangsayarath, Giám đốc Trung tâm Phân tích và Dịch tễ Lào cho biết, hiện nay, Lào đã tăng cường sự chuẩn bị sẵn sàng việc phối hợp với trung tâm khẩn cấp và tiến hành các hoạt động khám sàng lọc tại cửa khẩu quốc tế.

Lào chuẩn bị mở đường bay Vientiane-Đà Nẵng

Tổng hợp |

Công ty hàng không thuộc quyền sở hữu của chính phủ Lào chuẩn bị mở đường bay mới giữa thủ đô Vientiane đến thành phố Đà Nẵng của Việt Nam kể từ ngày 29/3 tới với tần suất mỗi tuần 3 chuyến và sẽ tăng lên theo nhu cầu di chuyển của hành khách.

Lào gây quỹ ủng hộ Trung Quốc ngăn chặn dịch COVID - 19

PV |

Nhiều tổ chức, doanh nghiệp tại Lào đã tổ chức quyên góp thành công hơn 2 tỷ kíp để hỗ trợ Trung Quốc thực hiện ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID - 19.