Những tấm gương hiến máu ở vùng cao

Trúc Phương |

Vượt qua những nhận thức chưa đúng của một số người dân trong các thôn bản về hoạt động hiến máu nhân đạo, nhiều năm qua, những người đồng bào dân tộc Vân Kiều của xã Húc Nghì, huyện Đakrông (Quảng Trị) vẫn thường xuyên hăng hái tham gia các đợt hiến máu tình nguyện do địa phương tổ chức. Việc làm của họ không chỉ xuất phát từ tấm lòng nhân ái và mong muốn “giọt máu hồng” của mình có thể giúp đỡ người bệnh qua cơn nguy kịch mà còn góp phần làm thay đổi nhận thức của những người Vân Kiều nơi đây.

Vợ chồng chị Tà Hơn đồng lòng tham gia hiến máu. Ảnh: TP
Vợ chồng chị Tà Hơn đồng lòng tham gia hiến máu. Ảnh: TP

Vợ chồng đồng lòng tham gia hiến máu

Chị Hồ Thị Tà Hơn, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) xã Húc Nghì và chồng chị là anh Hồ Văn Vù, hiện sống tại thôn Húc Nghì, xã Húc Nghì, huyện Đakrông là những tấm gương về tinh thần hăng hái tham gia hiến máu nhân đạo. Không những thế, việc anh chị hiến máu cũng đã góp phần làm thay đổi định kiến của người dân địa phương về hoạt động hiến máu nhân đạo. Chị Tà Hơn kể, khi còn là Phó Chủ tịch Hội CTĐ xã Húc Nghì, chị đã nhiều lần vận động người dân, đặc biệt là chị em phụ nữ đi hiến máu nhưng hầu hết đều từ chối. Lý do là bởi người dân rất sợ sệt và kiêng kỵ với việc hiến máu. “Nhiều người ở đây không muốn đem máu của mình hiến cho người khác. Họ cho rằng đó là việc làm không tốt và truyền tai nhau về tác hại của việc hiến máu ảnh hưởng đến sức khỏe khiến công tác tuyên truyền của chúng tôi gặp khá nhiều khó khăn”, chị Tà Hơn cho biết. Để thay đổi nhận thức của mọi người, năm 2011, chị Hơn tiên phong đăng ký hiến máu tình nguyện để làm gương. Nhớ lại lần đầu tiên tham gia hiến máu, chị Tà Hơn chia sẻ: “Lần đầu tham gia hiến máu, tôi cũng cảm thấy run và hồi hộp. Cứ tưởng rằng cho máu xong cơ thể sẽ gầy yếu đi nhưng kết quả hoàn toàn ngược lại, sức khỏe của tôi ngày càng tốt lên, ít bệnh tật hẳn. Từ đó, tôi quyết định tham gia hiến máu thường xuyên hơn”.

Việc làm của chị Tà Hơn có ý nghĩa to lớn bởi không chỉ góp phần cứu sống nhiều bệnh nhân mà còn làm thay đổi nhận thức của mọi người. Kể từ đó về sau, mỗi khi tham gia công tác tuyên truyền, chị đều lấy bản thân mình ra làm dẫn chứng, người dân thấy vậy thì rất tin tưởng và tình nguyện đăng ký tham gia hiến máu ngày càng đông. Chỉ tính trong 5 năm từ khi chị Tà Hơn giữ chức Chủ tịch Hội CTĐ xã Húc Nghì, chị đã vận động được hơn 107 người dân trong xã tham gia hiến máu tình nguyện, trong đó có chồng chị. Năm 2015, sau khi lấy chị Tà Hơn, anh Hồ Văn Vù cũng bắt đầu tham gia hiến máu. Ban đầu, anh Vù cũng khá e ngại, nhưng sau đó được vợ hướng dẫn, tư vấn, giải thích cụ thể, anh cảm thấy tự tin hơn và nhận thấy giọt máu của mình đang góp phần cứu sống nhiều người. Trung bình mỗi năm, vợ chồng anh chị tham gia hiến máu từ 1- 2 lần. Anh Hồ Văn Vù cho biết: “Chúng tôi thường xuyên tham gia hiến máu vì đây là công việc vô cùng ý nghĩa. Mỗi người có một cách khác nhau để giúp đỡ cộng đồng và chúng tôi mong giọt máu của mình sẽ mang đến sự sống cho người khác”. Từ năm 2011 đến nay, vợ chồng chị Tà Hơn đã có hơn 11 lần tham gia hiến máu nhân đạo và được tặng nhiều giấy khen của UBND huyện về hoạt động hiến máu nhân đạo.

“Tôi nghĩ việc làm của mình có thể giúp đỡ được nhiều người”

Đó là lời chia sẻ chân thành và mộc mạc của anh Văn Thế Mao (sinh năm 1995), trú tại thôn Cợp, xã Húc Nghì, huyện Đakrông. Anh Mao bắt đầu tham gia hiến máu tình nguyện từ năm 2014 trong một lần được nghe tuyên truyền về chương trình hiến máu từ Hội CTĐ xã. Anh Mao cho biết tại bản Cợp, hiến máu tình nguyện chưa trở thành phong trào rộng khắp do khó khăn, cách trở về đường sá, từ bản Cợp muốn đến trung tâm xã Húc Nghì phải đi qua 12 km đường đất. Bên cạnh đó, người dân chưa được tuyên truyền và hiểu rõ về ý nghĩa của việc hiến máu nhân đạo. Đặc biệt, những suy nghĩ chưa đúng về hiến máu cũng khiến nhiều người dân có tâm lý e ngại khi tham gia hiến máu. “Thú thật, ban đầu tôi tham gia chỉ để kiểm tra sức khỏe, xem mình có bị bệnh tật gì hay không thôi. Thế nhưng sau lần tham gia hiến máu đầu tiên, tôi cảm thấy sức khỏe của mình ổn định hơn, điều này làm tôi thấy rất vui và mong muốn được tham gia hiến máu thêm nhiều lần sau nữa”, anh Mao chia sẻ.

Tuy là một nông dân sống tại thôn Cợp, một trong những địa phương vùng núi nằm cách xa trung tâm xã Húc Nghì nhưng vào mỗi dịp xã tổ chức hiến máu, anh Mao đều thu xếp công việc để đi hiến ngay. Cũng từ sau lần hiến máu đầu tiên, anh Mao biết được mình thuộc nhóm máu AB+, một trong những nhóm máu hiếm khiến anh ý thức được phải chăm lo bản thân hơn, thường xuyên ăn uống điều độ và tích cực luyện tập thể dục, thể thao nhằm nâng cao sức khỏe. Xác định hiến máu là một việc làm tốt, vừa giúp đỡ người khác vừa có thể giúp bản thân mình trong những trường hợp cấp bách, nhiều năm qua anh Mao là thành viên tích cực của Hội CTĐ xã Húc Nghì. Bên cạnh đó anh còn động viên, khuyến khích người nhà và bạn bè thường xuyên tham gia hiến máu. Đến nay, anh Mao đã có hơn 11 lần tham gia hiến máu. Anh cho biết sẽ tham gia trong những chương trình hiến máu sắp tới. Nhờ những hoạt động tích cực trong phong trào hiến máu của xã Húc Nghì, anh Văn Thế Mao đã được UBND huyện tặng giấy khen vì đã có thành tích trong công tác hiến máu nhân đạo. Hành động tốt đẹp của anh chính là tấm gương để người dân thôn Cợp nói riêng và người dân xã Húc Nghì nói chung học tập và làm theo.

Người có nhiều thành tích trong phong trào hiến máu

Một tấm gương khác của xã Húc Nghì cũng có nhiều thành tích trong phong trào hiến máu nhân đạo là anh Hồ Văn Xuân (40 tuổi), người dân tộc Vân Kiều ở khu tái định cư thuộc thôn Húc Nghì, xã Húc Nghì, huyện Đakrông. Từ năm 2011 đến nay, anh Xuân đã có hơn 10 lần tham gia hiến máu và là hội viên thường xuyên trong các chương trình hiến máu nhân đạo do xã tổ chức. Năm 2019, anh được UBND huyện Đakrông tặng giấy khen vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào hiến máu tình nguyện. Vào năm 2011, khi được nghe các hội viên Hội CTĐ xã tuyên truyền về ý nghĩa tích cực của hoạt động hiến máu nhân đạo, anh Xuân đã hăng hái đăng ký tham gia hiến máu. Chia sẻ về những đóng góp tích cực của mình trong công tác thiện nguyện này, anh Xuân cho biết: “Tôi cũng như nhiều người khác rất thích làm việc thiện, lan tỏa, san sẻ yêu thương với cộng đồng. Với tôi, hiến máu là việc làm ý nghĩa, có thể giúp ích được nhiều hơn cho mọi người”.

Với anh Xuân, được làm việc và tham gia hiến máu với Hội CTĐ xã đã để lại trong anh những kỷ niệm đẹp. Thế nên một vài lần không thể tham gia được cùng hội khiến anh cảm thấy áy náy. Vào một đợt hiến máu năm 2016 của xã Húc Nghì, khi ấy, anh đã hoàn thành xong thủ tục đăng ký hiến máu, chỉ chờ xe lên đến nơi là có thể tham gia ngay. Anh còn tuyên truyền và kêu gọi người dân đăng ký hiến máu. Nhưng vào đêm trước khi chương trình diễn ra, một trận mưa lớn kéo dài khiến nước sông dâng cao đã gây ra lũ lụt trên diện rộng ngăn cách nơi anh sống với trung tâm xã Húc Nghì khiến anh cùng một số người dân không thể tham gia được. “Không thể tham gia hiến máu với mọi người trong xã khiến tôi cảm thấy nuối tiếc. Nhưng ngay sau đó, tôi đã kịp thời cùng các hội viên của Hội CTĐ xã tham gia trong những lần hiến máu tiếp theo”. Việc làm tốt đẹp của anh Xuân không chỉ được Hội CTĐ xã đánh giá cao mà còn được Hội CTĐ cấp trên ghi nhận.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Cán bộ Đoàn năng động trong phát triển kinh tế

Đạo Thiện |

Đến thăm mô hình trang trại trồng rừng và cây ăn quả, kết hợp chăn nuôi của anh Trần Hồng Quang, Bí thư Đoàn thanh niên xã Vĩnh Sơn, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị), chúng tôi không khỏi khâm phục sức trẻ và tình thần dám nghĩ dám làm trong việc phát triển kinh tế gia đình của anh.

Người mẹ nuôi của lính biên phòng Lao Bảo

Yên Mã Sơn |

Ngôi nhà bà Trần Thị Xưng (SN 1953, trú tại khóm Duy Tân, thị trấn Lao Bảo, Hướng Hoá, Quảng Trị) ở cạnh sông Sê Pôn, ngó qua bên kia là biên giới Lào. Ngôi nhà ba gian đã trải qua bao mưa nắng, bão lụt. Trên bức tường xỉn màu ở mặt tiền, nếu nhìn kỹ sẽ thấy những vết hằn do bùn để lại phía gần mái. Đó là vết lụt hàng năm “kẻ” lên đấy minh chứng cho thiên nhiên xứ này khắc nghiệt.

Ít ai biết rằng, ngôi nhà này là nơi lưu dấu của nhiều thế hệ bội đội biên phòng Quảng Trị khi cắm chốt biên giới.

Chi Hội trưởng làm kinh tế giỏi

Thu Hoài |

Anh Nguyễn Quốc Bạch là một chi hội trưởng Nông dân khu phố 1, phường 2, thị xã Quảng Trị (Quảng Trị) không chỉ nhiệt tình với công tác Hội mà anh còn là gương nông dân làm kinh tế giỏi.

Hai nữ nhân viên y tế hiến máu cứu người bệnh

Tây Long |

Sáng nay 23/4/2020, theo thông tin từ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị, để kịp thời cứu sống một bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nguy kịch, hai nhân viên y tế đang làm việc tại Khoa Huyết học – Truyền máu vừa tự nguyện hiến máu cứu người.