Niềm vui của người “truyền lửa”

Trương Quang Hiệp |

Bắt đầu từ một ngã rẽ, cơ duyên đã đưa Trịnh Thị Thùy Vân đến với công việc nghiên cứu và giảng dạy lý luận chính trị. Chính tình yêu nghề, sự đam mê, nhiệt huyết và nỗ lực vươn lên đã giúp nữ giảng viên trẻ gặt hái nhiều thành công trên con đường “truyền lửa”.

Trịnh Thị Thùy Vân là nữ giảng viên lý luận chính trị trẻ có năng lực. Ảnh: Q.H
Trịnh Thị Thùy Vân là nữ giảng viên lý luận chính trị trẻ có năng lực. Ảnh: Q.H

Đam mê dẫn lối

Đến giờ, mỗi lần nhìn lại chặng đường đã qua, Trịnh Thị Thùy Vân (sinh năm 1987), công tác tại Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện Triệu Phong (Quảng Trị) vẫn thầm cảm ơn quyết định mà nhiều người cho là liều lĩnh của mình tầm 12 năm trước. Bấy giờ, Thùy Vân đang là sinh viên năm 2, chuyên ngành Địa lý, Trường Đại học Sư phạm Huế. Tiếp xúc với triết học Mác - Lênin trong tháng ngày miệt mài đèn sách trên giảng đường sư phạm, tình yêu dành cho bộ môn mà nhiều bạn đồng trang lứa không mấy mặn mà bất chợt nảy nở trong lòng Vân. Đây chính là lý do thôi thúc Vân ôn luyện và thi đỗ vào Trường Đại học Khoa học Huế, chuyên ngành Triết học.

Lần thứ hai cầm tấm giấy báo trúng tuyển đại học, Trịnh Thị Thùy Vân vừa mừng, vừa lo. Mừng vì đã tìm thấy và có thể chắp cánh cho đam mê, còn lo bởi không biết điều gì đang chờ mình phía trước. Thùy Vân nhớ rất rõ cái cảm giác trái tim như vỡ òa khi hay tin đỗ vào Đại học Sư phạm Huế. Hôm ấy, ba mẹ Vân cũng trào nước mắt bởi cô con gái đầu đã phần nào thực hiện tâm nguyện của mình.

Mặc dù cuộc sống còn gặp nhiều khó khăn nhưng ba mẹ Vân quyết tâm cho chị em Vân cái chữ để vươn ra khỏi lũy tre làng. Ba Vân vẫn mơ một ngày con gái mình mặc tà áo dài, đứng trên bục giảng làm giáo viên môn địa lý. “Khi đăng ký thi và đỗ vào Đại học Khoa học, Vân giấu gia đình. Nhập học một thời gian, mình mới báo với ba mẹ. Bấy giờ, Vân đã xác định sẽ theo học cả hai trường. Khi hay tin, ba mẹ đều lo lắng nhưng tôn trọng quyết định của mình”, Vân kể.

Trịnh Thị Thùy Vân không ngừng học hỏi, trau dồi để hoàn thiện bản thân. Ảnh: Q.H
Trịnh Thị Thùy Vân không ngừng học hỏi, trau dồi để hoàn thiện bản thân. Ảnh: Q.H

Việc học hai trường đại học là thử thách lớn đối với Trịnh Thị Thùy Vân. Với lịch học dày đặc, cô hiếm có thời gian rảnh rỗi để vui chơi như những sinh viên khác. Khối lượng kiến thức chuyên ngành triết học khá nặng, đòi hỏi sinh viên phải miệt mài đèn sách. Vân thường xuyên thức khuya, dậy sớm để thuộc nằm lòng những khái niệm, phạm trù, câu nói kinh điển… Giữa muôn vàn áp lực, điều Thùy Vân thấy vui nhất là đam mê triết học trong mình không vơi cạn, ngược lại càng bùng cháy. Suốt 4 năm theo học chuyên ngành, ngọn lửa ấy chưa bao giờ tắt trong lòng cô, giúp Vân tốt nghiệp với tấm bằng giỏi. Trước đó, cô sinh viên người Quảng Trị cũng đã tốt nghiệp Đại học Sư phạm Huế với điểm số cao.

Với hai tấm bằng đại học, nhiều cơ hội mở ra trước mắt Trịnh Thị Thùy Vân. Cô rời mảnh đất miền Trung, vào giảng dạy ở Trường Cao đẳng Giao thông vận tải tại Thành phố Hồ Chí Minh. Trong thời gian gắn bó với bục giảng, mong muốn trau dồi kiến thức triết học nhiều hơn đã thôi thúc Vân nghỉ dạy, trở lại Huế theo học cao học. Để thực hiện ước mơ, cô phải vất vả đi dạy thêm để có tiền trang trải. Trong thời gian này, cơ duyên đã đưa Vân đến với Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện Triệu Phong. Lúc đầu, cô chỉ làm tạp vụ. Mỗi lần nhìn thấy các giảng viên đứng lớp, khát khao trở thành người “truyền lửa” dấy lên trong lòng Vân. Ước mơ ấy trở thành hiện thực từ năm 2014.

Thành quả ngọt ngào

Ở tuổi 32, Trịnh Thị Thùy Vân đã gặt hái nhiều thành công trên bục giảng. Tại hội thi “Giảng viên lý luận chính trị giỏi toàn quốc” cách đây không lâu, nữ giảng viên người Quảng Trị đã vượt qua 21 thí sinh xuất sắc, được lựa chọn từ 130 giảng viên có thành tích tốt ở các hội thi khu vực để giành giải Nhất. Trước đó, Thùy Vân đã ghi dấu ấn ở hội thi cấp tỉnh với giải Nhất và giải Ba tại hội thi khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Thùy Vân vẫn còn nhớ mãi, tại hội thi toàn quốc, một giám khảo đã gửi lời cảm ơn dải đất miền Trung, lãnh đạo tỉnh Quảng Trị đã đưa tới hội thi một cô gái nhỏ nhắn nhưng có bài giảng về “giáo dục đạo đức cho cán bộ, đảng viên trong thời kỳ mới” rất hay, thuyết phục. Vị giám khảo tâm huyết đó đã ví Vân là một “làn gió mới” của hội thi. “21 thí sinh tranh tài với Vân rất xuất sắc. Có giảng viên làm cho hội trường im phăng phắc, thậm chí một số người rơi nước mắt. Vì thế, khi nghe tên mình xướng lên ở ngôi đầu, Vân không nói nên lời. Trước khi vào cuộc, thấy các giảng viên khác thể hiện quá tốt, Vân tự nhủ, mình phải tự tin… tỏa sáng bằng cách riêng. Thật vui vì Vân đã làm được”, Vân chia sẻ.

Trịnh Thị Thùy Vân nhận giải Nhất hội thi “Giảng viên lý luận chính trị giỏi toàn quốc”. Ảnh nhân vật cung cấp
Trịnh Thị Thùy Vân nhận giải Nhất hội thi “Giảng viên lý luận chính trị giỏi toàn quốc”. Ảnh nhân vật cung cấp

Thành tích đáng ngưỡng mộ tại hội thi “Giảng viên lý luận chính trị giỏi toàn quốc” vừa qua có thể ví là sự trở lại ngoạn mục của Trịnh Thị Thùy Vân. Khi mới nhận nhiệm vụ giảng dạy ở Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện Triệu Phong, hay tin hội thi “Giảng viên lý luận chính trị giỏi toàn quốc” sắp diễn ra, Thùy Vân đã mạnh dạn xin lãnh đạo thử sức dẫu chưa một ngày đứng trên bục giảng. Bấy giờ, Vân được xem là thí sinh “dự bị”, đi cốt để học hỏi kinh nghiệm. Vì thế, ai cũng bất ngờ khi Thùy Vân đoạt giải Nhì tại hội thi cấp tỉnh, sau đó đoạt giải Khuyến khích hội thi khu vực miền Trung - Tây Nguyên và hội thi toàn quốc. Những kinh nghiệm rút ra được chính là nền tảng để thí sinh nhỏ tuổi nhất hội thi năm ấy có ngày trở lại và gặt hái thành công.

Kết quả vượt trên mong đợi tại hội thi “Giảng viên lý luận chính trị giỏi toàn quốc” đã giúp Trịnh Thị Thùy Vân tự tin và trưởng thành hơn. Không bị “ánh hào quang” che khuất, Thùy Vân hiểu sâu sắc, thành công lớn nhất của người giảng viên lý luận chính trị không phải chỉ nằm trong một, hai bài giảng tại hội thi mà ở sự ghi nhận, đổi thay của học viên. Vì thế, khi đang tranh tài cũng giống như ngày thường, Vân vẫn là chính mình, luôn chăm chút từng bài giảng, tìm cách truyền đạt tốt nhất, tự vận động và đổi mới… Không cho phép mình trở thành “thợ dạy”, Thùy Vân tự bồi dưỡng bản thân thông qua việc nghiên cứu khoa học. Những công trình nghiên cứu của nữ giảng viên trẻ đã xuất hiện trên nhiều tạp chí, tập san uy tín. Suốt nhiều năm nay, những lời Bác dạy giáo viên, giảng viên luôn in sâu trong lòng Vân, thôi thúc cô hoàn thiện bản thân để trở thành tấm gương về đạo đức, tri thức, nghiên cứu khoa học và nghệ thuật truyền đạt.

Sự đam mê, nhiệt huyết và nghiêm túc trong công việc đã giúp Trịnh Thị Thùy Vân sớm để lại dấu ấn đẹp trong lòng học viên. Thông thường, học viên đến Trung tâm Bồi dưỡng chính trị cấp huyện có nhiều độ tuổi, công việc, trình độ, nhận thức, tâm tư, tình cảm… khác nhau. Vì thế, việc quản lý và giảng dạy thường nảy sinh nhiều khó khăn, vướng mắc. Một số người thường đùa, công việc của Vân và đồng nghiệp là nghề “làm dâu trăm họ”. Thách thức ấy không làm Thùy Vân nao núng, ngược lại, với cái nhìn tích cực, cô thấy nhiều cơ hội mở ra.

Đối với Vân, các học viên chính là một kho tàng kinh nghiệm sống phong phú, đa dạng cả về mặt lý luận lẫn thực tiễn để tìm hiểu, học tập. Bao giờ cũng vậy, Thùy Vân luôn xem học viên giống như người thân. Không chỉ giảng dạy, hướng dẫn, định hướng, cô còn lắng nghe tâm tư của từng người, qua đó cho họ những lời khuyên bổ ích. Điều khiến Vân ấm lòng nhất là nhiều học viên đã có sự đổi thay tích cực qua giờ học lý luận chính trị. Sau lớp bồi dưỡng, nhiều người đã trở lại với Vân để được chuyện trò nhiều hơn hay mượn bài giảng, tài liệu lý luận chính trị về nghiên cứu.

6 năm dưới mái nhà Trung tâm Bồi dưỡng chính trị huyện Triệu Phong, chưa bao giờ Trịnh Thị Thùy Vân thấy bớt yêu công việc của mình. Thùy Vân cảm ơn nghề đã mang đến cho mình rất nhiều điều ý nghĩa, đặc biệt là cơ hội để truyền đam mê cho học viên. Nữ giảng viên tâm huyết tin rằng, với đam mê và sự nỗ lực không ngừng, tự mỗi người sẽ tỏa sáng theo cách riêng của mình.

TAGS

Bác sĩ giấu tên ủng hộ viện phí cho sản phụ nghèo

Hưng Thơ |

Sản phụ nghèo vào viện, được chỉ định sinh mổ nhưng trên người không có đồng nào mang theo để nộp viện phí. Hay biết sự việc, một bác sĩ đề nghị giấu tên thông qua Phòng Điều dưỡng – Công tác xã hội của Trung tâm Y tế huyện Hải Lăng (Quảng Trị) đã hỗ trợ nộp viện phí kịp thời.

Chuyện của Hồ Với

Trần Tuyền |

Trong kháng chiến chống Mỹ, ông Hồ Với (sinh năm 1933) là kiện tướng vận tải, gùi 1,6 tạ hàng hóa, súng đạn trên vai trong khi trọng lượng cơ thể chưa tròn 50 kg. Vì những thành tích đó, ông vinh dự được gặp Bác Hồ và đến nay, đó là một kỷ niệm đẹp nhất trong cuộc đời ông. Thời bình, cựu binh Hồ Với là tấm gương sáng đi đầu trong làm ăn phát triển kinh tế gia đình, nuôi dạy con cái ăn học thành người và giúp dân bản vượt qua đói nghèo.

Người gửi tuổi xuân cho núi rừng

Quang Hiệp |

Luôn tâm niệm “tuổi trẻ là tuổi cống hiến”, nhiều năm qua, anh Nguyễn Xuân Thắng đã dồn toàn tâm, toàn sức, cùng lãnh đạo và nhân dân xã A Bung, huyện Đakrông làm khởi sắc miền quê nghèo.

Cô giáo Lê Thị Lan Anh- tấm gương học tập và làm theo đạo đức Hồ Chí Minh

Lê Thị Kim Ngân |

Bác Hồ - Người đã dành trọn cuộc đời, tâm huyết của mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Tư tưởng, đạo đức của người là một tấm gương sáng, mỗi khi soi vào đó, tâm hồn ta càng trong sáng hơn, hành vi của ta càng tốt đẹp hơn.