Thưởng thức “thần dược” dưới đáy sông

Hoàng Tiến Sĩ |

Tò mò trước “đội quân” gần chục người đi xe máy chở theo xăm xe ô tô, áo quần, mũ, kính lặn vội vã di chuyển theo tuyến đường xuyên Á rồi nhanh chóng “tập kết” ở bờ sông Hiếu, tôi theo chân họ và được gặp, trò chuyện với anh Hà Ngọc Ánh ở xã Vĩnh Ninh, huyện Quảng Ninh, Quảng Bình về nghề lặn bắt con hàu dưới đáy sông. Và anh Hà Ngọc Ánh tự tay làm món hàu nướng than củi dân dã ngay tại bến sông Hiếu để mời tôi thưởng thức. Anh Ánh không quên “quảng bá” về những món ăn từ con hàu được mệnh danh là “thần dược” của phái mạnh mà anh lặn bắt từ lòng sông Hiếu.

Anh Hà Ngọc Ánh cùng mớ hàu lặn bắt được dưới đáy sông Hiếu. Ảnh: HTS
Anh Hà Ngọc Ánh cùng mớ hàu lặn bắt được dưới đáy sông Hiếu. Ảnh: HTS

Anh Hà Ngọc Ánh cho biết, các món ăn chế biến từ con hàu vô cùng bổ dưỡng, chứa nhiều kẽm và được xem như “thần dược” của phái mạnh. Để có được nguyên liệu làm nên món hàu trứ danh, nhiều người dân làm nghề lặn bắt hàu ở xã Võ Ninh, Vĩnh Ninh, thị trấn Quán Hàu (huyện Quảng Ninh, Quảng Bình) phải “cơm đùm, gạo bới” vượt chặng đường gần 100 - 120 km vào sông Hiếu (chảy qua địa phận thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh, Quảng Trị) cùng nhiều khúc sông khác trên địa bàn tỉnh Quảng Trị để lặn ngụp khai thác…

Con hàu thường sống bám vào các bãi đá giàn hoặc đá cuội rời ra dưới đáy các con sông. Riêng sông Hiếu có địa chất tự nhiên cũng như nguồn phù du trong nước phong phú nên con hàu có vị ngon đặc biệt không thua kém con hàu ở nơi khác. Và người dân sống bên bờ sông Hiếu không làm nghề lặn bắt con hàu nên trữ lượng hàu dưới đáy sông còn rất nhiều, là lý do để những người làm nghề lặn bắt con hàu ở Quảng Bình vào đây hành nghề. Ở huyện Quảng Ninh, người làm nghề lặn bắt hàu như anh ngày càng ít ởi hàu đang dần khan hiếm do khai thác nhiều năm. Bây giờ, muốn lặn bắt hàu bán cho thương lái để kiếm tiền trang trải cuộc sống, người làm nghề phải tìm đến nhiều con sông ở ngoài tỉnh.

Khoảng 8 giờ sáng, khi mặt sông Hiếu vàng rực ánh nắng cũng là lúc anh Hà Ngọc Ánh bắt đầu một ngày lặn bắt hàu dưới lòng sông. Anh Ánh mang áo quần, kính lặn, miệng ngậm ống thở, tay cầm chiếc móc sắt để cạy con hàu rồi nhanh chóng đẩy chiếc xăm ô tô xuống dòng sông Hiếu. Phải mất khoảng 3 - 4 tiếng đồng hồ, anh Ánh mới vào bờ với chiếc bao tải đầy hàu đánh bắt được. Ngồi nghỉ ngơi trong chốc lát để tiếp tục công việc lặn ngụp bắt hàu, anh Hà Ngọc Ánh cho biết, con hàu có cạnh sắc nhọn, lại bám chặt vào đá nên để cạy được con hàu từ đá dưới đáy sông đã khó, đến công đoạn tách vỏ lấy ruột hàu cũng không kém phần vất vả. “Chỉ sơ hở một tý là đứt lìa ngón tay. Nhiều người gắn bó với nghề lặn bắt hàu, hiếm người nào có ngón tay lành lặn và không bị hàu cắt. Con hàu ở dưới lòng sông Hiếu hiện tại trữ lượng còn nhiều, nên mỗi ngày lặn ngụp khai thác cũng kiếm được vài chục kg hàu. Cứ một ngày đi xe máy vào Quảng Trị để lặn bắt hàu rồi vận chuyển ra Quảng Bình, sau đó phải mất một ngày hì hục ngồi đập, gỡ ruột để bán. Cũng có hôm, anh em không vận chuyển ra Quảng Bình mà bán luôn cho thương lái thu mua ngay tại bến sông. Bình quân khoảng 1 tạ hàu khi đập ra được khoảng 10 kg ruột hàu; giá ruột hàu bán cho thương lái hiện tại giao động từ 70.000 - 90.000 đồng/ kg…”, anh Ánh nói.

Đến gần 12 giờ trưa, anh Ánh mới dừng công việc lặn bắt hàu để chuẩn bị cho bữa ăn bên bến sông Hiếu. Anh không quên mời tôi thưởng thức món hàu nướng than củi do chính tay anh chế biến. Con hàu sống được anh Ánh cho lên bếp than củi nướng đến khi chín, miệng hàu mở ra thì cho muối tiêu vào rồi lấy thìa múc ăn. Anh Ánh cho biết thêm, con hàu được chế biến thành nhiều món ăn như hàu nướng mỡ hành, cháo hàu, hàu nấu canh chua, gỏi hàu, hàu chiên… Đơn cử như món gỏi hàu với cách làm là hàu sống được tách vỏ, rửa thật sạch để ráo nước, sau đó cho hàu vào đĩa rồi vắt nước cốt chanh tươi trộn đều là có thể sử dụng. Món gỏi hàu thường ăn kèm với các loại rau như hành tây, rau húng, rau thơm… Còn nước chấm gỏi hàu làm từ nước mắm, thêm nước cốt chanh, đường, ớt, tỏi thật cay. Ở quê anh, phổ biến nhất vẫn là món cháo hàu với cách chế biến vô cùng đơn giản. Khi nấu cháo chỉ cần ướp hàu với gia vị trước, tốt nhất dùng ít nước xương ninh cháo, rồi đổ hàu vào, hoặc xào hàu chín tới rồi cho vào là có thể thành món ăn thưởng thức một lần “không thể nào quên”…

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Du lịch Quảng Trị: Tập trung kích cầu khách du lịch nội địa, đặc biệt là du lịch biển đảo

Trần Tuyền |

Ngày 22/5/2020, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, Trưởng Ban Chỉ đạo phát triển du lịch tỉnh Hoàng Nam chủ trì cuộc họp đánh giá tình hình hoạt động du lịch năm 2019 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ, kế hoạch công tác năm 2020.

Ai về miền Thượng Phước

Nguyễn Việt |

Thượng Phước xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) là một làng cổ được tạo dựng khá sớm trong giai đoạn Trịnh - Nguyễn phân tranh. 

Ngũ Hành Sơn và liên kết du lịch vùng theo dấu chân vua Minh Mạng

Tường Minh |

Bây giờ thì chúng ta thử hình dung về một tour du lịch mới bằng đường thủy liên kết giữa ba địa phương Thừa Thiên -Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam, tạm có tên là "theo dấu chân vua Minh Mạng"

Chùa Bão Đông và khu lăng mộ Trần Đình Ân

Việt Hà |

Làng Hà Trung, xã Gio Châu, Gio Linh (Quảng Trị) là một trong những làng cổ được hình thành vào đầu thế kỷ 15 trong cuộc Nam tiến dưới thời vua Lê Thánh Tông. Qua nhiều tư liệu lịch sử người ta đã biết đến sự nổi tiếng của họ Trần - Làng Hà Trung với nhiều đời con cháu nối tiếp nhau làm quan dưới thời triều Nguyễn và có nhiều đóng góp trong việc mở cõi xứ Đàng Trong. Tuy nhiên, ít người được biết tại đây có một khu di tích lịch sử- văn hóa quốc gia với tên gọi chùa Bão Đông và lăng mộ Trần Đình Ân, nơi đan xen giao thoa độc đáo giữa văn hóa Việt và Chăm Pa cổ.