Diệu Ái - những mưa những gió quê nhà

Trúc An |

Sống và viết ở quê nhà, đấy là một may mắn, mà cũng có thể là một trở lực khi viết về nơi chốn quê hương. Bởi nhà văn ngoài hiện thực, cũng cần một khoảng suy tưởng, không thể bê nguyên cái nhìn thấy vào trang viết. Nhưng tựu trung, sống ở đâu, viết thế nào cốt ở cái tài. Viết về nơi chôn nhau cắt rốn thì cần thêm cái tình. Trên hành trình chữ nghĩa nhiều gian khó, nhà văn lấy cội quán làm căn cước cho chuyến đi quả thật là điều đáng quý.

Diệu Ái sinh ra lớn lên ở Quảng Trị, đi học rồi lại về quê làm việc. Dễ hiểu sự trở về ấy của cô gái sinh năm 1987 nếu ai đã từng đọc văn Diệu Ái trên các báo chí và đặc biệt qua hai tập truyện ngắn do NXB Văn hóa - Văn nghệ TP.HCM phối hợp Công ty sách Phương Nam ấn hành: Mưa từ cõi tạm (2016), Những mùa gió rát (2018). Bởi Diệu Ái hầu như chỉ viết chuyện quê nhà, những câu chuyện mộc mạc mà đầy trắc ẩn. 

Chân dung tác giả Diệu Ái - Ảnh: A.D
Chân dung tác giả Diệu Ái - Ảnh: A.D

Chuyện của những con người ở một vùng đất

Nghề chọn người, ấy là nói về nghiệp. Còn trong nghề viết, đề tài chọn nhà văn, ấy là duyên. Cái duyên khiến Diệu Ái kể chuyện quê xuyên suốt trong hai tập truyện ngắn mà người đọc vẫn cứ thòm thèm. Dường như mỗi truyện ngắn Ái vốc một nắm chuyện từ đất lên. Kể, kể, kể. Như người ta xới đất. Xới, xới, xới. Xong thì bỏ đi. Không trần tình không giải thích.

Sông còn khắc khoải câu hò, một truyện ngắn chỉ nghe qua tựa thôi đã liên tưởng tới một dòng sông từng chia cắt đất nước. Nhưng Ái không viết chuyện chiến tranh, mà kể về sự đợi chờ mòn mỏi của một người đàn bà bên dòng sông Bến Hải ấy trong thời bình. Truyện như một bài thơ bằng văn xuôi, không hề có một cốt truyện chặt để kể lại, nhưng ai đọc xong cũng hiểu được chuyện.

Lại một dòng sông đau thương khác được Diệu Ái đưa vào truyện là Thạch Hãn. Cơn giông bên sông quả thật đọc cảm giác run sợ. Bà Thơ, một người lính từng chiến đấu anh dũng, hòa bình vãn hồi thỉnh thoảng lại bị ám ảnh. Nhưng đấy không phải loại ám ảnh khói súng bom nổ, mà ám ảnh về sự chia cắt. Bà Thơ có người em đi lính phía bên kia, khi người em bị bắt đi cải tạo thì bà cười, rồi đến lúc về già chính bà lại chăm sóc cho người em đó. Đây là chi tiết đắt, cho thấy sự phân hóa sâu sắc giữa lý trí và tình cảm. Em út đi cải tạo cực khổ mà bây cười hả dạ à con? Chỉ một câu thoại thôi, nhưng tác giả đã lột tả được cái hiện thực đớn đau của một giai đoạn. Người viết chắc tay thì chỉ một câu là đủ, người kém nghề phải nói lê thê cả trang giấy có khi lại chẳng vào đâu.

Dường như Diệu Ái hiểu kỹ về quê nhà và “bắt mạch” từng vùng đất rất khéo. Những sản vật, món ăn, lễ hội của quê hương được đưa vào không chỉ như biểu tượng mà còn mang hàm ý của tình cảm con người. Khi viết về xứ Cùa, vùng rừng đồi quanh co thì Ái đưa vào cây chè xanh. Uống chè Cùa phải hãm cả cành mới ngọt đủ… Mạ nói, mấy đứa như bây mà uống nước chè đậm thì sớm già đanh (Xứ Cùa vơi gió).

Viết về vùng đất chợ Sãi, Ái đưa vào món nem chả - món ăn nổi tiếng của Quảng Trị. Một người đàn bà giỏi nghề làm nem bỗng nhiên mất tích. Thiên hạ đồn đoán bao chuyện xui rủi xấu tốt. Cuối cùng nhờ cái nghề làm nem mà người đàn bà thất lạc bao năm do mất trí được tìm về. Lấy món nem làm “điểm định vị”, dường như tác giả đang muốn xác lập một thứ đặc sản của quê hương.

Truyện Người bán lộc viết về phiên chợ độc đáo ở làng Bích La, tỉnh Quảng Trị. Mỗi năm chợ họp đúng một lần vào đêm mùng hai, rạng sáng mùng ba tết. Phiên chợ chủ yếu là nơi gặp gỡ, cầu nguyện, mua bán may xưa. Nhưng nhà văn thì không thể bê nguyên hiện thực, như đã nói ở trên, nhà văn phải thêm vào đấy những ý tưởng mang tính chiêm cảm. Một phiên chợ tình chẳng hạn. Chợ nào chẳng có những câu chuyện tình những mối lương duyên. Mạ la chị đừng bán nữa, năm nào cũng đem lộc mình đi bán nên mới nghèo mạt rệp như thế. Chị bán cho người ta chỉ để mong một lần may mắn trở về. Nghe thật ngậm ngùi xa xót, dù đấy là một phiên chợ đêm xuân đầy huyền mị.

Nhiều truyện của Ái gây ám ảnh, đấy là những ẩn ức trong đời sống không giải quyết được. Lửng lơ dưới tán bông gòn, nghe tên truyện đầy chất thơ nhưng cốt truyện lại ớn lạnh. Cái tên truyện ấy, hóa ra là để nói về một người treo cổ. Để diễn tả cái chết này, chắc chắn người lớn không thể buột miệng thẳng tưng được, tác giả khéo léo mượn lời những đứa trẻ con. Hồi nhỏ đi học, mỗi lần ngang qua cổng làng, đám con nít lại tụm năm tụm ba, chúng chỉ trỏ về phía cây bông gòn rồi nói với tôi: “Ê, ba mi treo cổ chết ở đây nì”.   

Những người dân quê thật thà chất phác, một khi chịu điều tiếng dị nghị khiến họ luôn bị dằn vặt, phải sống kiêng dè. Mà sự thật đôi khi rất khó nói ra, nhất là sự thật về những chuyện tế nhị nhất. Như người chồng đi lính bị cụt mất một chân và bộ phận đàn ông khiến ông phải tự vẫn để giải thoát cho người vợ, trong truyện Lửng lơ dưới tán bông gòn. Chi tiết này đã đủ nhân văn, nhưng Diệu Ái để cho nhân vật người vợ bị sống trong sự nghi ngờ, đến đây thì người đọc phân vân giữa lòng cao thượng hay cái phũ phàng của ông chồng? Thông điệp nhân văn nhờ đó càng được đẩy xa hơn, đáng thương cho cả đôi vợ chồng.

Chuyện cô gái đi tìm bài thuốc dân gian chữa bệnh tình ái trong Chín hạt giằng say cũng đáng suy ngẫm. Những người đàn bà không “giỏi đẻ”, lại bị chồng “lạnh lùng”, đi tìm bùa ngải để giữ chồng. Đúng thật có bệnh thì vái tứ phương. Có bệnh tình duyên lùng sục đi tìm cả thứ ảo huyền. Cuối cùng cô gái đã tìm được nắm hạt tím rịm, dù nó chẳng có tác dụng gì. Nhưng để khỏi tiếc công, cô cũng được một lời chia sẻ: Chợt nhớ lời từ Lâm, thứ hạt đó giữ được thân xác chứ đâu nắm được tấm lòng.

Các tác phẩm đã xuất bản của Diệu Ái
Các tác phẩm đã xuất bản của Diệu Ái

Lối kể chuyện mộc mạc

Chuyện và văn, hai yếu tố cần thiết để làm nên một tác phẩm hoàn chỉnh. Nhà văn nhiều chuyện đã đành, nhưng nhà văn nhất quyết phải kể có văn. Văn lại phải ăn nhập với bối cảnh, không gian câu chuyện. Diệu Ái kể chuyện quê nhà Quảng Trị nên cô đã chọn giọng văn mộc mạc, ngôn ngữ nhà quê, lối ăn nói ngày thường được đưa vào truyện tạo nên văn cảnh tự nhiên. Những mô, tê, răng, rứa, mạ, o, ba mi, mạ mi, con nớ… là phương ngữ đậm đặc miền Trung, không chú thích bạn đọc sẽ khó hiểu. Song, nhà văn cần phải biến những cái dấu sao chú thích thành cách diễn đạt để tạo mạch văn thông suốt. Diệu Ái đã làm được điều này, cả hai cuốn sách không cần một dấu chú thích giải nghĩa mà người đọc vẫn hiểu được phương ngữ, ấy là cái khéo léo của người viết.

Lối kể chuyện của Diệu Ái trong hầu hết các truyện đều ở ngôi thứ ba, nhưng chủ thể kể chuyện lại thông qua hai nhân vật gần gũi là mạ và dì. Mạ nói thế này, dì nói thế nọ. Cứ như truyện của Diệu Ái là những “chuyện đàn bà” rủ rỉ rù rì vào tai nhau những khi túm tụm. Tưởng chỉ cần lạc chân vào một phiên chợ quê, sà vào nhóm người hàng xóm tụ tập là Ái có ngay chuyện để kể. Nhưng không, đấy là cả một phong cách nghệ thuật, nhà văn “mượn miệng” người khác để không sa vào chủ quan cá nhân, không dùng tư duy mình áp đặt cho nhân vật.

Triển khai tuyến truyện đa phức cũng thường thấy trong truyện của Ái. Bởi thông qua hai nhân vật kể chuyện, nên truyện Ái thường có nhiều mạch chuyện. Hai mạch cứ chạy song song cho đến lúc nhập thành một mối liên kết, giống hai dòng sông hợp lưu. Cách phân tuyến kể chuyện giúp tác giả diễn tả diễn biến câu chuyện, tâm lý nhân vật được sát hơn.

Nhân vật trong truyện của Diệu Ái hình như không có người ác, không có phản diện, không có những mưu mô đớn hèn. Toàn người tốt mà ra được truyện, đấy là kiểu truyện không có cao trào kịch tính, chỉ có những xung đột nội tâm mãnh liệt. Và lối truyện này dẫn đến những cái kết mang tính luận đề nhiều hơn là kết đóng, kết mở, kết bất ngờ. Có lẽ, nơi ấy nắng không dữ dội hệt như nơi này, có điều bóng đàn bà đổ xuống vẫn tối thui và sâu thẳm (Bóng đàn bà cũng tối). Dù người còn vương mùi khói phân trâu đi chăng nữa, Ty nghĩ mình đã nguội ngắt từ lâu lắm rồi. Có điều, bà ngoại vẫn còn cháy âm ỉ (Cháy từ đám cháy)…

Chỉ qua hai tập truyện ngắn Mưa từ cõi tạm và Những mùa gió rát, Diệu Ái đã tạo cho mình một lối đi văn chương. Lối đi ấy chẳng đâu xa lạ, ngay chính giữa quê nhà ngồn ngộn chất liệu. Một quê nhà còn nhiều gian gió, mỗi năm mưa sấp mặt lũ ngập đầu, con người bên ngoài thì chống chọi với khắc nghiệt của tự nhiên, bên trong thì chống chọi với những đau thương tổn thất. Khi ấy, nhà văn làm gì nếu không chuyển tải vào trang văn thế sự mà mình đang ngập chìm trong đó?

(Nguồn: Tạp chí Cửa Việt)

TAGS

Bánh sắn nhà nghèo

Minh Thi |

Là một người hảo ngọt, tôi rất thích ăn bánh, đặc biệt là các loại bánh quê như bánh nếp, bánh ram, bánh đậu, bánh sắn,…Hôm rồi trên đường đi chợ, thấy bên đường có bày bán rổ bánh sắn, tôi mừng húm mua luôn mấy chục cái bỏ ngăn đá, hấp ăn dần.

Yên Mã Sơn – Ý thức điên

Hoàng Hải Lâm |

Nhặt năm, ba bài, trong gần 70 bài thơ của Yên Mã Sơn. Đọc đi đọc lại vài chục lần. Và nghĩ, khi các nhà thơ ở tỉnh đã thôi làm thơ, hoặc làm không được thơ thì Yên Mã Sơn chấp bút viết thơ.

Nguyễn Hữu Quý với "Chín cơn mưa và Mẹ "

Ngô Đức Hành |

Đây là tên trường ca mới nhất của anh, xuất bản quý 1/2020. Tên trường ca đã nói đến văn hoá tâm linh của người Việt. Với đàn ông là “3 hồn 7 vía”, với đàn bà là “3 hồn 9 vía” và nó còn có ý nghĩa theo “cửu khiếu” trong văn hoá tín ngưỡng.

Gặp Bùi Viết Anh qua những trang thơ

Hoàng Hải Lâm |

Tôi không mê đọc thơ. Nhưng khi bắt gặp những dòng thơ của Bùi Viết Anh tôi mới “chững” lại. Cảm giác này rất thú vị. Bỏ qua những công việc của đời thường, tôi chỉ muốn nói duy nhất về Bùi Viết Anh với thơ và thơ.