Cần hơn nữa những yêu thương!

Phan Hoài Hương |

Những ngày qua, cộng đồng mạng kêu gọi người dùng Facebook đăng những tấm hình đẹp, lạc quan (ưu tiên hoạt động thể thao), gắn 3 hashtag bắt đầu bằng chữ A là #autism (tự kỷ), #awareness (nhận thức), #a365 (chương trình chăm sóc thông minh cho trẻ). Gom đủ 100 ngàn chữ A, Mạng lưới Tự kỷ Việt Nam được nhà tài trợ tặng 200 triệu đồng tổ chức các khóa tập huấn cho phụ huynh có con tự kỷ.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Chiến dịch bắt đầu từ ngày 10/3 và trong khoảng thời gian phát động đó, tràn ngập những chia sẻ trên facebook ủng hộ cho chiến dịch này. Cho dù có không ít ý kiến trái chiều, cho rằng cộng đồng mạng đã bị lợi dụng cho chiến dịch marketing của một tổ chức nào đó thì nhiều người vẫn ủng hộ bằng cách chia sẻ trên facebook của mình. Chưa nói đến chuyện có hay không sự lợi dụng hay chiêu trò của một ai đó, điều hiển nhiên mà mọi người thấy đó là thông điệp ý nghĩa này cần được lan tỏa để nâng cao nhận thức của xã hội về trẻ tự kỷ. Cũng có những người khi chia sẻ chỉ nghĩ đơn giản rằng trong cuộc đời này, góp được bao nhiêu yêu thương, chia sẻ với người gặp khó khăn được bao nhiêu thì hẵng làm, mà không đi sâu vào phân tích những “góc khuất” nếu có ở bên trong.

Bệnh tự kỷ những năm gần đây được nhắc tới nhiều, còn cách đây hơn 10 năm, khái niệm này khá xa lạ với nhiều người dân quê tôi. Một phụ huynh mà tôi quen có con trai mắc căn bệnh này ở thể nhẹ từ những năm đó. Vì xa lạ về khái niệm, nên gặp những em bé không may bị bệnh này, người ta nếu thương cảm thì nói “đứa bé đó có vấn đề về thần kinh”, còn không chỉ gọn lỏn một câu “nó bị điên”. Từ cách nhìn nhận này, con của phụ huynh đó đi đâu cũng bị xa lánh. Vì thế, hành trình đưa con đến trường của chị gian nan vô cùng. Biết bao nước mắt và sự nhẫn nhịn cứ chất chồng theo những tháng năm con đi học. Phụ huynh và học sinh không muốn sự hiện diện của một đứa trẻ như vậy trong lớp học đã đành, giáo viên cũng không muốn nhận trò mắc bệnh đó vào lớp. Hễ lớp bị ảnh hưởng về xếp loại là ngay lập tức, tội vạ đổ lên đầu đứa trẻ “không bình thường” đó. Hết cấp 1, phụ huynh này chuyển cho con về học một trường vùng ven thị trấn, với suy nghĩ rằng ở trong môi trường không mấy cạnh tranh này, con mình sẽ được yên ổn hơn. Nhưng rồi chị mới cay đắng nhận ra một điều, khi mà người ta chưa thực sự hiểu về căn bệnh này thì sự kỳ thị ở đâu cũng giống nhau. Thậm chí, mức độ này ở trường quê còn đáng sợ hơn khi chính quyền xã nhiều lần có buổi làm việc với ban giám hiệu nhà trường gây sức ép để cho con chị nghỉ học vì sợ ảnh hưởng đến môi trường giáo dục của địa phương.

Trở lại câu chuyện gom 100 ngàn chữ A nói trên, không chỉ những bà mẹ có con bị tự kỷ mà nhiều người khác đều mong muốn đạt được mục đích như chương trình đặt ra, đó là mở các lớp tập huấn cho phụ huynh có con bị tự kỷ. Ở các thành phố lớn, phụ huynh không khó để tìm các trung tâm can thiệp cho con nhưng ở các tỉnh lẻ, điều này vô cùng khó khăn. Thiếu kiến thức về bệnh, không có biện pháp can thiệp kịp thời, khoa học có thể khiến cho nhiều đứa trẻ tự kỷ bệnh ngày càng nặng thêm. Vậy nên, khi thông điệp này được chia sẻ trên mạng xã hội, biết đâu sẽ có nhiều phụ huynh có con bị tự kỷ biết được kênh miễn phí và tự học hỏi điều trị cho con ở nhà; biết đâu có phụ huynh khi tham gia vào lớp tập huấn này sẽ có thêm kiến thức nuôi dạy con.

Có hai câu chuyện về trẻ tự kỷ khiến tôi nhớ mãi.

Câu chuyện thứ nhất: Lần đó, dừng xe trước một tiệm may nhỏ bên đường, chưa kịp xuống xe thì một bé trai tầm 10 tuổi lao từ trong nhà ra, dùng tay đấm mạnh vào cửa xe. Càng nhắc, em càng đấm mạnh hơn. Khi nhận ra em là một đứa trẻ tự kỷ, nhìn dòng xe cộ đan nhau ngoài kia, tôi thấy lo lắng nên gọi to để người nhà đưa em vào. Rồi mẹ em xuất hiện, lôi con xềnh xệch vào bên trong, vừa đánh vừa kêu gào: Trời ơi, mày sinh ra làm gì để đi đâu cũng bị người ta xua đuổi? Nhìn đứa trẻ run rẩy khóc, tự nhiên tôi thấy có lỗi khi đưa ra một lời đề nghị khiến người mẹ hiểu nhầm rồi trút cơn giận dữ lên đứa bé. Nhưng nếu vậy thì lỗi cũng không thuộc về em-một đứa bé mà mẹ em, từ khi sinh ra đã biết về tình trạng bệnh của con mình.

Câu chuyện thứ 2: Hơn một năm trước, gần nhà tôi có một cô giáo người miền Tây ra thuê trọ và nhận dạy trẻ tự kỷ trong vùng. Lớp của cô có khoảng 4-5 cháu, trong đó có một cháu ở thành phố Đông Hà được gia đình mang ra gửi. Các cháu khác hết giờ học có ba mẹ đón về, cháu này thì phải ở lại với cô giáo 24/24 giờ, mỗi tháng được ba mẹ đón vào thăm nhà từ 1-2 ngày. Đứa bé bị tự kỷ nặng, hơn 10 tuổi vẫn không biết nói, không tự chủ được trong khâu vệ sinh, lại thường xuyên quấy phá và không nghe lời ba mẹ. Vì vậy, những tháng ngày nuôi con dường như đã quá mệt nhọc đối với ba mẹ em. Gọi là gửi con cho cô dạy nhưng thực chất, điều phụ huynh quan tâm không phải là con học được gì, có khá lên mỗi ngày không..., mà chỉ cần có một người trông giữ con “có chuyên môn” vì trên thực tế họ không đảm đương được việc này và cũng đã thay hàng chục người giúp việc. Đây có thể là một giải pháp khả thi nhất mà gia đình em lựa chọn vào thời điểm đó. Nhưng hình ảnh đọng lại trong câu chuyện này là nét mặt rạng rỡ của đứa bé mỗi lần được ba mẹ đón vào thăm nhà và cái nhìn lưu luyến khi chia tay ba mẹ để vào lớp học với cô. Thẳm sâu trong lòng, hẳn em vẫn muốn mình ở cùng gia đình và vòng tay chăm sóc của ba mẹ.

Vẫn biết nuôi dạy một đứa trẻ bị tự kỷ là cả một hành trình nhọc nhằn của những người làm cha, làm mẹ mà chỉ có ai trong cuộc mới thấu hiểu được. Trong hành trình đó, không phải ai cũng có đầy đủ kiến thức để chăm sóc, dạy dỗ con theo đúng phương pháp. Lần gặp lại sau này, người mẹ đánh con trong câu chuyện trên thanh minh: “Có đánh con cũng không biết sai để lần sau mà tránh, nhưng em thấy mệt mỏi và bất lực, rồi đôi khi phải trút vào con, chứ đâu ghét bỏ gì...”. Yêu thương, hẳn người làm cha làm mẹ nào cũng có đủ, nên đứa trẻ tự kỷ nào cũng cần trước hết sự gần gũi, sẻ chia từ gia đình.

Một người mẹ có con trai bị tự kỷ luôn có ước mơ lớn nhất trong cuộc đời, đó là tại Quảng Trị có một trung tâm chuyên dạy và đào tạo nghề cho trẻ tự kỷ. Con chị lớn lên từng ngày, nhưng chỉ biết quanh quẩn ở nhà với tivi, với những nét vẽ nguệch ngoạc và những cơn giận vô cớ. Ước mơ này không chỉ của riêng người mẹ đó, mà cũng có thể là ước mơ của rất nhiều người khác. Trẻ tự kỷ cần hơn nữa những yêu thương!

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Khắc khoải tiếng "Vọng biển"

Văn Giá (Nhà nghiên cứu phê bình văn học) |

Tôi đang cầm trên tay bản thảo tập thơ “Vọng biển” của nhà thơ Cao Hạnh do bạn văn Văn Xương cung cấp.

Những mùa qua thành phố

Nguyễn Bội Nhiên |

Đã lâu mình không nhớ mình có thể làm thơ trong nỗi nhớ người, như tạm quên chiếc hôn giã biệt từng đắm say thầm lặng giữa tâm hồn. Chợt sáng mai này thức giấc, khuấy động những phôi pha từ đâu đó ngược về với vị gió non tơ của mùa rét. Thành phố ngọt ngào hơn khi dõi mắt qua nếp lá để nhìn nắng cứ lên cao về phía đồi xa, nao lòng chợt hiểu sông đang miệt mài quen với những bóng râm mà đến mai sau, đến mãi mãi nắng không biết mình để lại trên mặt nước. Chỉ có tuổi thơ nào ngấp nghé bên đôi cánh chuồn chuồn rung rinh trên khóm ngâu gầy nghe sông thở dài…

Đọc sách cùng con

Tuệ Linh |

COVID-19 đang diễn biến phức tạp với những tác động tiêu cực lên mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục… Tuy nhiên, đây cũng là lúc giúp nhiều người có thời gian nhìn nhận lại giá trị của cuộc sống, duy trì, rèn luyện một số thói quen tốt, trong đó có đọc sách. Càng ý nghĩa hơn trong những ngày này, thói quen này được phụ huynh hưởng ứng mạnh mẽ và đồng hành cùng con trên những trang sách.

Ngóng lúa trổ đòng đòng

Lê Như Tâm |

Mỗi dịp hè đưa con về thăm quê tôi thường ra cánh đồng đầu ngõ. Cánh đồng rộng lớn xa tít tắp trong ánh nắng mùa hè chỉ thấy thấp thoáng vài chấm xanh của những vườn cây của xóm trên. Gió phơn nam lùa ngang đã thấy cả cánh đồng lúa đang chuẩn bị vào mùa thu hoạch rung lắc, gió lùa ngang dọc làm cả cánh đồng xôn xao thơm hương mùa lúa mới.