Tăng sức đề kháng bằng vitamin C

Minh Thảo |

Không phải bây giờ mà từ khi COVID-19 mới bùng phát, thói quen bổ sung vitamin C để tăng sức đề kháng được nhiều người áp dụng. Ngoài việc bổ sung vitamin C bằng hoa quả như cam, chanh, các loại thuốc dạng sủi cũng được nhiều người chọn lựa vì sự tiện ích, dễ dùng. Tuy nhiên, một số người không biết rằng nếu sử dụng thừa vitamin C thì cơ thể có thể gặp các tác dụng phụ như rối loạn tiêu hóa, ứ sắt, sỏi thận, gây loãng máu...

Từ đầu mùa dịch đến nay, sản phẩm mà cửa hàng chị Nguyễn Thúy Hằng, Phường 5, TP. Đông Hà được tiêu thụ nhiều nhất là vitamin C dạng sủi. Có người nhà ở Đức nên các mặt hàng như mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, đồ gia dụng của chị đều có nguồn gốc xuất xứ từ quốc gia này. Vitamin C dạng sủi của Đức có nhiều hương vị khác nhau, dễ uống, giá từ khoảng 60-90 ngàn đồng/lọ. Tuy có đắt hơn so với các loại vitamin C dạng sủi trong nước nhưng lại được nhiều người chọn mua bởi mùi vị dễ uống, nhất là đối với trẻ con. Hơn nữa, sản phẩm này có quy trình sản xuất được kiểm định nghiêm ngặt, đạt tiêu chuẩn châu Âu và quốc tế nên người dùng yên tâm về chất lượng và độ an toàn. Chị Hằng cho biết: Khách hàng thường chọn Mivolis Vitamin C có dạng viên sủi của Đức với hương cam tự nhiên dễ sử dụng, dễ hấp thu. Thành phần của sản phẩm này không chứa lactose và hoàn toàn từ thực vật. Cũng giống như các loại vitamin C khác, loại này hỗ trợ cho các hoạt động của hệ miễn dịch, giúp phòng ngừa bệnh tật; giúp người đang bị cảm cúm, cảm lạnh nhanh khỏi hơn, hạn chế tình trạng ốm vặt hay bệnh hô hấp khi chuyển mùa; chống oxy hóa, giúp làn da cũng như mái tóc chắc khỏe hơn.

Vitamin C dạng viên sủi được nhiều người chọn mua để tăng sức đề kháng trong mùa dịch -Ảnh: M.T
Vitamin C dạng viên sủi được nhiều người chọn mua để tăng sức đề kháng trong mùa dịch -Ảnh: M.T

Vitamin C có thể là thuốc hoặc thực phẩm chức năng dùng để bổ sung thêm vitamin cho cơ thể. Tuy nhiên, cũng như các loại thuốc hay thực phẩm chức năng khác, việc bổ sung vitamin C đúng cách, đúng liều lượng thì mới phát huy hiệu quả, còn nếu ngược lại sẽ ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe.

Sau một thời gian dài cho con trai (năm nay lên 6 tuổi) uống vitamin C dạng sủi để tăng sức đề kháng, phòng COVID-19, đến nay chị Phan Thanh Hoài, thị trấn Hồ Xá, huyện Vĩnh Linh, phải tạm ngừng vì thấy con hay bị tiêu chảy. Trước đây, con chị đi vệ sinh đều đặn ngày một lần, sau này thấy tăng 2-3 lần nhưng mọi hoạt động ăn uống, chơi đùa đều bình thường, con tăng cân đều đặn nên chị nghĩ đó không phải là vấn đề bất thường. Cũng như nhiều đồng nghiệp khác trong cơ quan, lo lắng vì COVID-19 ngày một diễn biến phức tạp nên chị chú trọng đến việc bổ sung các loại thực phẩm, thuốc tăng sức đề kháng cho cơ thể.

Ngay từ đầu mùa dịch, chị Hoài đã đặt mua từ tiệm thuốc tây mấy chục lọ vitamin C dạng sủi về cho cả nhà dùng dần. Và thói quen uống một ngày một viên C sủi cũng được áp dụng cho cậu con trai út. Nếu như không được một người quen làm bác sĩ ghé nhà chơi và tình cờ hỏi thăm sức khỏe cậu bé, chắc chị Hoài vẫn tiếp tục cho con sử dụng cho đến khi nào hết… COVID-19 mới thôi. Tuy nhiên, theo bác sĩ, việc bổ sung vitamin C quá liều (vì không chỉ qua đường uống mà còn qua việc bổ sung thực phẩm hằng ngày) có thể gây hại cho sức khỏe mà rối loạn tiêu hóa là một ví dụ. Trẻ từ 4 đến 8 tuổi chỉ nên bổ sung 30 mg vitamin C mỗi ngày. Để chắc chắn, bác sĩ khuyên chị nên đưa con đến khám ở bác sĩ chuyên khoa Nhi nhưng vì dịch bệnh đang phức tạp, hơn nữa sau khi ngưng uống thì triệu chứng đi ngoài của con cũng hết nên chị tạm thời chưa đưa con đi khám.

Cung cấp đủ vitamin C cho cơ thể được xem là chìa khóa giúp tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Tuy nhiên, do có một số tác dụng phụ khi nạp vitamin C vào cơ thể quá liều lượng cho phép nên người dùng nên chú ý tham khảo thông tin từ bác sĩ và các nguồn khác để bổ sung cho đúng cách. Việc cơ thể thừa vitamin C có thể dẫn tới nhiều tác dụng không mong muốn như rối loạn tiêu hóa, loét dạ dày, tá tràng, đau đầu, mất ngủ, viêm bàng quang, tiêu chảy, sỏi thận, gây bệnh gút, giảm độ bền hồng cầu, cản trở hấp thụ vitamin A, B12…

Theo bác sĩ Hoàng Thị Hoa, Bệnh viện Đa khoa khu vực Triệu Hải, nhu cầu vitamin C thay đổi theo lứa tuổi, cụ thể lượng vitamin C cần thiết mỗi ngày đối với trẻ từ 6-11 tháng là 25-30 mg/ngày; trẻ từ 1-6 tuổi 30 mg/ngày, trẻ từ 7-9 là 35 mg/ngày; tuổi vị thành niên 65 mg/ ngày; người trưởng thành 70 mg/ngày; phụ nữ có thai 80 mg/ngày; phụ nữ cho con bú 95 mg/ ngày. Thời gian tốt nhất để uống vitamin C là khi đói bụng, nên uống vào buổi sáng, 30 phút trước khi ăn hoặc hai giờ sau bữa ăn.

Tuy nhiên, cũng theo bác sĩ Hoa, trên thực tế, vitamin C không chỉ được bổ sung bằng dạng thuốc và thực phẩm chức năng mà trái cây, rau quả cũng được coi là loại thực phẩm chứa nhiều vitamin C nhất. Một số loại trái cây và rau quả có chứa nhiều vitamin C như: Trái cây họ cam quýt, ớt xanh, dâu tây, cà chua, bông cải xanh, khoai tây trắng, khoai lang, các loại rau có màu xanh đậm, dưa đỏ, đu đủ, xoài, súp lơ, bắp cải... Mức tiêu thụ rau quả cho người trưởng thành thường là 300g rau/người/ngày, quả là 100g/ người/ngày, còn đối với trẻ em là khoảng 100-200g/trẻ/ngày. Vì vậy, cần ăn phối hợp nhiều loại rau củ quả để bổ sung đầy đủ các loại vitamin và khoáng chất. Đây còn là lượng vitamin C dễ bổ sung, cần có trong mỗi bữa ăn hằng ngày nên người dùng nên lựa chọn để mang đến đầy đủ vitamin thiết yếu cho cơ thể.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

5 nguyên nhân khiến bạn mau già hơn

Bạch Cúc |

Một trong những nguyên nhân khiến nhiều người già đi trông thấy là do chính thói quen hàng ngày của họ.

Bé gái 11 tuổi sinh con ở Quảng Trị là do “khai nhầm năm sinh”

Hưng Thơ |

Trước thông tin bé gái 11 tuổi sinh con, lãnh đạo xã Ba Tầng, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị cho biết tuổi thật của sản phụ lớn hơn. Nguyên nhân là quá trình đi làm giấy tờ bị nhầm năm sinh.

Luyện tập thể thao tại nhà để nâng cao sức khỏe

Nguyễn Minh Đức |

Trước tình hình COVID - 19 diễn biến phức tạp, nhiều trung tâm thể dục thể thao (TDTT), phòng tập gym, yoga, zumba, kickboxing… phải tạm ngừng hoạt động. Nhằm nâng cao sức khỏe, nhiều người đã lựa chọn các môn thể thao phù hợp để luyện tập tại nhà. Đây là giải pháp tối ưu nhất hiện nay, vừa đảm bảo sức khỏe, vừa tăng cường khả năng phòng, chống dịch bệnh của mỗi người.

Có nên tiêm trộn, thay đổi đường tiêm vaccine COVID-19 hay không?

Theo PGS.TS TRẦN ĐÌNH BÌNH - THS TRẦN THANH LOAN (ĐH Y DƯỢC HUẾ) |

Để thực hiện thành công chiến lược tiêm chủng vaccine COVID-19 trong bối cảnh nguồn cung vaccine khó khăn, nhiều chủng loại được sản xuất theo những công nghệ khác nhau, yêu cầu tiêm chủng bao phủ tỉ lệ cao… các tác giả cho rằng, chúng ta có thể rút ngắn khoảng cách 2 mũi tiêm của vaccine AstraZeneca đến 6 tuần. Đồng thời, có thể tiêm trộn một số loại vaccine (nếu thật sự không thể giải quyết được nguồn cung). Nhưng tuyệt đối không thể thay đổi đường tiêm và liều lượng của một mũi tiêm nhằm đảm bảo hiệu lực bảo vệ của vaccine.