Theo thống kê của Công ty Điện lực Quảng Trị (PC Quảng Trị) đến nay trên địa bàn tỉnh có 221 khách hàng lắp đặt điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) với tổng công suất lắp đặt là 2.766 kWp, trong đó có nhiều khách hàng đã bán điện cho ngành điện. Điều này cho thấy những tín hiệu khả quan về việc khai thác nguồn năng lượng tái tạo ở một vùng đất nắng nóng như Quảng Trị.
Trong 221 khách hàng lắp đặt ĐMTMN địa điểm được lắp đặt tại các trụ sở, văn phòng của các đơn vị thuộc PC Quảng Trị và khách hàng lắp đặt tại mái nhà các hộ gia đình thì khách hàng lắp đặt ĐMTMN có công suất lớn nhất là 100kWp, thấp nhất là 3kWp, công suất trung bình là 8,59kWp/ khách hàng lắp đặt. Tính đến giữa tháng 8/2020, sản lượng ĐMTMN của các khách hàng trên đã được phát ngược lên lưới là 70.321 kWh, tổng số tiền mà ngành điện đã thanh toán cho khách hàng là trên 1 tỉ đồng. Trong đó phải kể đến công trình ĐMTMN của hộ ông Phan Thanh Tùng ở thôn Nhan Biều, xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong có công suất 100kWp với số vốn đầu tư 1,5 tỉ đồng. Do nhu cầu tiêu thụ điện lớn từ 3 nhà máy sản xuất nước đá chi phí tiền điện gần 30 triệu đồng/tháng, để giảm chi phí từ tiền điện, ông Tùng đã đầu tư công trình ĐMTMN trên diện tích mái nhà rộng 600 m2 . Bình quân mỗi tháng ĐMTMN của ông Tùng hòa vào lưới điện khoảng 25 - 30 triệu đồng.
Bây giờ ở tỉnh Quảng Trị nhu cầu lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời ngày càng tăng. Giám đốc PC Quảng Trị Phan Văn Vĩnh cho biết PC Quảng Trị là doanh nghiệp đi đầu trong việc đầu tư lắp đặt điện mặt trời áp mái hòa lưới. Hiện đã lắp đặt trên mái tất cả các nhà điều hành sản xuất với 19 hệ thống, tổng công suất lắp đặt là 532,35 kWp. Bên cạnh đó là khuyến khích CBCNV đầu tư lắp đặt tại hộ gia đình. Lợi thế rõ nhất của ĐMTMN là không tốn diện tích đất do được lắp đặt trên mái nhà và có thêm mục đích hữu ích khác tăng cường chống nóng hiệu quả cho các công trình. Phát triển ĐMTMN với quy mô nhỏ, thích hợp để khuyến khích nhiều cá nhân, tổ chức tham gia đầu tư kinh doanh với vốn không lớn, đạt mục tiêu xã hội hóa huy động các nguồn vốn để phát triển nguồn điện, giảm gánh nặng ngân sách nhà nước là một chủ trương đúng đắn của Chính phủ.
Hiện nay các dự án ĐMTMN được thực hiện cơ chế mua bán điện theo chiều giao và chiều nhận riêng biệt của công tơ điện đo đếm 2 chiều. Ngày 6/4/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định 13/2020/QĐ-TTg về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời. Trình tự thủ tục đấu nối và mua điện mặt trời rất đơn giản, sau khi lắp đặt, chủ đầu tư có nhu cầu bán điện chỉ cần liên hệ tổng đài chăm sóc khách hàng của ngành điện để được hỗ trợ kiểm tra miễn phí điều kiện hòa lưới, lắp đặt điện kế 2 chiều và ký hợp đồng mua bán điện mặt trời. EVN đang tiếp tục xây dựng và hoàn thiện website solar.evn.vn để tạo điều kiện thuận lợi cho mọi người dân, doanh nghiệp có thể tìm hiểu và tiếp cận với các thông tin liên quan về ĐMTMN trên các ứng dụng công nghệ thông tin và các website chăm sóc khách hàng của ngành điện.
Đối với tỉnh Quảng Trị, phát triển năng lượng tái tạo được xác định là một trong những chiến lược phát triển lâu dài. Vì vậy, tỉnh đã tạo điều kiện để thúc đẩy phát triển lĩnh vực này với các dự án lớn về điện gió ở Hướng Hóa, điện mặt trời ở Gio Linh. Và một hướng sản xuất năng lượng tái tạo hiệu quả hơn đang được tỉnh quan tâm là phát triển ĐMTMN hòa lưới ở hộ gia đình và doanh nghiệp. Để phát triển chương trình năng lượng ĐMTMN tỉnh cần tiếp tục tuyên truyền quảng bá về lợi ích của phát triển ĐMTMN, tổ chức các buổi hội thảo để cung cấp các nội dung thiết thực nhằm thúc đẩy phát triển các dự án điện mặt trời, các chính sách khuyến khích, hướng dẫn thủ tục đấu nối lưới điện, cơ chế mua bán điện từ hệ thống điện mặt trời; giới thiệu công nghệ, kỹ thuật lắp đặt và chia sẻ kinh nghiệm từ các dự án điện mặt trời đã triển khai trong thực tế… Qua đó, giúp các tổ chức, doanh nghiệp nắm bắt các cơ chế khuyến khích phát triển, cơ chế tài chính, khả năng thu hồi vốn, quy trình vận hành cũng như tiện ích đem lại trong phát triển các dự án điện mặt trời nói chung và ĐMTMN nói riêng, tiến tới chủ động đảm bảo nguồn cung cấp điện quốc gia.
Tuy nhiên trên thực tế phát triển ĐMTMN vẫn còn nhiều nút thắt cần tháo gỡ, đặc biệt liên quan đến chính sách, tài chính cũng như hình thức, quy mô phát triển. Ở nước ta hiện nay, bên cạnh vị trí dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về công suất điện mặt trời, việc phát triển nóng các dự án điện mặt trời trang trại đã gây ra một vấn đề xã hội đó là xung đột về sử dụng đất. Tại một số địa phương đã xảy ra tình trạng lấy đất sản xuất nông nghiệp và đất rừng để làm trang trại điện mặt trời. Điều này dẫn đến mâu thuẫn và xung đột giữa chủ đầu tư và người dân địa phương. Rõ ràng việc phát triển ồ ạt các trang trại điện mặt trời đơn mục tiêu sẽ không phù hợp trong điều kiện ở nước ta. Thách thức này đòi hỏi cần tìm hướng đi phù hợp. Vì thế, việc thúc đẩy phát triển điện mặt trời kết hợp với sản xuất nông nghiệp và điện mặt trời nổi là hai giải pháp đã được thử nghiệm và có khả năng giải quyết các xung đột sử dụng đất mà vẫn đảm bảo phát triển năng lượng tái tạo một cách hài hòa, bền vững.
Để bước chuyển dịch này mạnh mẽ và mang lại lợi ích cho cộng đồng trên cả nước cần phải tăng cường sự hợp tác và phối hợp giữa các địa phương để đồng hành phát triển và tạo nên hệ sinh thái năng lượng tái tạo quốc gia. Đồng thời Chính phủ cần có những chính sách, điều kiện phù hợp để thúc đẩy quá trình chuyển dịch này. Đối với tỉnh Quảng Trị với khát vọng trở thành trung tâm năng lượng Bắc miền Trung thì điều quan trọng là phải hoàn thiện công tác quy hoạch, định hướng phát triển; xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đền bù giải phóng mặt bằng. Có như vậy mới khuyến khích được nhà đầu tư cũng như hộ gia đình tích cực phát triển ĐMTMN nói riêng và năng lượng tái tạo nói chung.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)