Đổi mới quan điểm phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Phương Minh |

Cách đây hai năm, Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Trị lần thứ 3-2019 đưa ra chủ đề đại hội được đông đảo đại biểu và người dân quan tâm. Đó là “các dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Trị đoàn kết, phát huy nội lực, hội nhập và phát triển”.

Vấn đề phát huy nội lực ở đây được xác định, để phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số cần phải có cách nhìn nhận mới để có cách làm mới trong định hướng chỉ đạo thực hiện. Đó là đồng bào dân tộc thiểu số là đối tác của sự phát triển trên các lĩnh vực chứ không phải chỉ là đối tượng hỗ trợ.

Vùng miền núi tỉnh Quảng Trị có diện tích tự nhiên 314.000 ha, chiếm 68% diện tích tự nhiên của tỉnh, là địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh tuyến biên giới Việt - Lào. Sau khi sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, năm 2020 toàn vùng có 44 xã, thị trấn, trong đó có 38 xã là nơi sinh sống của cộng đồng dân tộc Vân Kiều và Pa Kô với 19.263 hộ, 87.218 khẩu, chiếm 14% dân số toàn tỉnh. Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước với nhiều chương trình, dự án như Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững; Dự án giảm nghèo bền vững cho huyện nghèo Đakrông theo Nghị quyết số 30a của Chính phủ; Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới (NTM)…, Đảng bộ, chính quyền và cộng đồng các dân tộc trong tỉnh đã vượt qua khó khăn, thực hiện và đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Đó là kết quả tích cực trong xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào, đảm bảo an sinh xã hội. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo lợi thế của từng tiểu vùng. Số hộ nghèo giảm hằng năm theo mục tiêu đề ra. Bộ mặt nông thôn miền núi thay đổi rõ rệt, bản sắc văn hóa các dân tộc được tôn trọng, giữ gìn, an ninh chính trị luôn đảm bảo ổn định. Cộng đồng các dân tộc Vân Kiều, Pa Kô cùng với người Kinh trên địa bàn đoàn kết, bình đẳng, giúp nhau cùng phát triển trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đã xuất hiện nhiều điển hình người dân tộc thiểu số phát triển các mô hình kinh tế thu nhập hằng năm đạt hàng trăm triệu đồng; hình thành câu lạc bộ thu nhập 100 triệu đồng là những hộ trồng sắn có thu nhập mỗi năm trên 100 triệu đồng. Nhiều tấm gương đồng bào dân tộc thiểu số hiến đất xây dựng trường học, làm đường, nuôi dạy trẻ mồ côi, chăm lo cuộc sống của cộng đồng… có sức lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội.

 

Bên cạnh những thành tựu đạt được, trên thực tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn nhiều khó khăn. Chẳng hạn như tỉ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn ở mức cao, cuối năm 2020 là 28,32%, thu nhập bình quân đầu người 20,5 triệu đồng/năm, chưa bằng một nửa thu nhập bình quân chung cả tỉnh. Thị trường tiêu thụ, giá bán nông sản không ổn định làm cho người dân không yên tâm đầu tư sản xuất và tạo nguồn sinh kế bền vững. Nhu cầu giải quyết việc làm cho lao động cao nhưng thiếu việc làm ổn định theo ngành nghề được đào tạo tại địa phương. Nhiều công trình hạ tầng được xây dựng từ các chương trình, dự án nhưng do tác động của thiên tai, biến đổi khí hậu làm giảm chất lượng và công năng phục vụ, như các công trình nước tự chảy, công trình thủy lợi không còn nguồn nước để phục vụ sản xuất, sinh hoạt. Số vụ việc vi phạm pháp luật từ buôn bán, sử dụng trái phép chất ma túy ngày càng tăng, tập trung chủ yếu ở khu vực biên giới… Để thực hiện được mục tiêu giảm tỉ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số bình quân hằng năm giai đoạn 2021-2025 từ 1% - 1,5% và nâng thu nhập bình quân đầu người đến năm 2025 tăng gấp 2 lần so với năm 2020, tỉ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2025 đạt 75% - 80%... đòi hỏi phải thực hiện nhiều giải pháp, trong đó có vấn đề phải đổi mới, nâng cao chất lượng công tác dân vận, thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, chủ động sử dụng hiệu quả nguồn nội lực cộng đồng trong thực hiện chính sách, chương trình phát triển kinh tế - xã hội bền vững ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Có thể nói những năm qua, vai trò và sự đóng góp của người dân trong thực hiện các chương trình của Đảng và Nhà nước ở miền núi vẫn chưa nhiều. Chẳng hạn như thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã được hỗ trợ đầu tư hơn 814 tỉ đồng từ nguồn ngân sách cấp, vốn trái phiếu Chính phủ, các vốn tài trợ khác, trong đó đồng bào các dân tộc đã tích cực hưởng ứng, chung tay góp sức tự ̣ nguyện hiến đất, đóng góp hàng ngàn ngày công lao động tham gia xây dưng các công trình cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và dân sinh với giá trị là 13,152 tỉ đồng. Đó là điều đáng ghi nhận, nhưng thực tế qua các chương trình, dự án và chính sách hỗ trợ đặc thù tại vùng dân tộc thiểu số thời gian qua cho thấy kết quả việc huy động nguồn lực từ cộng đồng còn hạn chế. Ngoài nguyên nhân về cơ chế, chính sách đầu tư công của các cơ quan quản lý và chính quyền địa phương, công tác tuyên truyền vận động thực hiện “xã có công trình, dân có việc làm và tăng thêm thu nhập” trong thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở chưa đem lại hiệu quả. Người dân ít quan tâm đến quá trình tham vấn lập kế hoạch thực hiện và sử dụng sau đầu tư, hỗ trợ. Nguồn nội lực trong cộng đồng sẵn có nhưng khai thác và sử dụng chưa hiệu quả, đã giảm đi yếu tố bền vững kết quả thực hiện kế hoạch và sử dụng sau đầu tư, hỗ trợ các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội. Vì thế công tác dân vận và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở vùng dân tộc thiểu số cần phải thay đổi nội dung từ “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” sang “Dân cần, dân bàn, dân làm, dân đóng góp, dân hưởng lợi”.

Để phát triển bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong tổng thể phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh giai đoạn 2021-2025, có tính đến năm 2030, cần phải có cách làm mới trong định hướng chỉ đạo thực hiện: Đồng bào dân tộc thiểu số là đối tác của sự phát triển trên các lĩnh vực chứ không chỉ là đối tượng hỗ trợ. Từ đó, trong thực hiện mục tiêu phát triển bền vững vùng dân tộc thiểu số, không quá tập trung vào vấn đề các khó khăn, thách thức mà phải phân tích mặt mạnh, thành quả đạt được và tiềm năng tương lai; khơi dậy ý chí, niềm lạc quan, tìm cách tăng nguồn lực sẵn có, phát huy sáng kiến, sáng tạo, giảm dần khó khăn; chú trọng đúng mức về tiềm năng, lợi thế và văn hóa của từng tiểu vùng, từng cộng đồng thôn bản để thúc đẩy việc kết nối với các vùng phát triển, tạo động lực cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên, tự lập trong cuộc sống mới.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Những đổi thay trong gia đình đồng bào dân tộc thiểu số miền biên giới

Kim Huệ - Khánh Hưng |

Đến nay đã tròn 75 năm người đồng bào Vân Kiều Pakô mang họ Hồ của Bác. Trong bối cảnh công nghiệp hóa và hiện đại hóa hiện nay, đồng bào Vân Kiều Pakô đã phát huy được vốn văn hóa, nội lực để xây dựng cuộc sống ấm no hạnh phúc.

Hướng Hoá: Gặp mặt người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số

Nguyễn Văn Tư |

Hiện nay, trên địa bàn huyện Hướng Hoá (Quảng Trị) có 99 người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số được lựa chọn, công nhận và hưởng chế độ chính sách theo Quyết định số 12/2018/QĐ-TTg ngày 6/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ. 

Bàn giao nhà tình nghĩa cho hai hộ đồng bào dân tộc thiểu số

Trần Khôi |

Phòng An ninh đối nội, Công an tỉnh Quảng Trị vừa tổ chức lễ khánh thành và bàn giao nhà tình nghĩa cho 2 hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại thôn A Mô R, xã Lìa, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị).

Tăng cường tiếng Việt cho học sinh tiểu học vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở Đakrông

Nguyễn Vinh |

Năm học 2020- 2021, toàn huyện Đakrông (Quảng Trị) có 8 trường tiểu học, 7 trường tiểu học và trung học cơ sở với 303 lớp, 5.320 học sinh (HS), trong đó có hơn 4.200 HS tiểu học là người đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).