Dây thìa canh là loại cây dược liệu được trồng chủ yếu ở các tỉnh phía Nam và Bắc của Việt Nam. Đã có khoảng 70 nghiên cứu cả trong và ngoài nước về dây thìa canh, trong đó có đề tài nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Dược học – Bộ Y tế số 391 tháng 11/2008 cho thấy, dây thìa canh tại Việt Nam cho tác dụng hạ đường huyết một cách hiệu quả.
Từ những cơ sở này, Trung tâm Nghiên cứu, Ứng dụng và Thông tin khoa học và công nghệ đã đề xuất xây dựng mô hình trồng dây thìa canh tại Quảng Trị và nghiên cứu sản xuất thử nghiệm trà dạng khô và dạng hòa tan từ dây thìa canh.
Dây thìa canh là loại cây dược liệu được trồng chủ yếu ở các tỉnh phía Nam và Bắc của Việt Nam và mới được phát hiện ở miền Trung những năm gần đây. Loại cây này dễ trồng, tương đối phù hợp với nhiều chân đất khác nhau đặc biệt các vùng có điều kiện sinh thái nhiều đồi núi ở Quảng Trị. Vì vậy, việc đưa dây thìa canh vào trồng ở các vùng này có tính khả thi cao nên Trung tâm Nghiên cứu, Ứng dụng và Thông tin khoa học và công nghệ (KH&CN ) chọn hộ gia đình ông Nguyễn Đức Tự, ở thôn Tân Phổ, xã Triệu Ái, Triệu Phong (Quảng Trị) để trồng thử nghiệm từ năm 2018 trên triền đất vùng gò đồi trước đây dùng để canh tác cây sắn và các loại cây hoa màu khác.
Dây Thìa canh leo cao 6–10 m, nhựa mủ màu trắng. Thân có lóng dài 8–12 cm, đường kính 3mm, có lỗ bì thưa. Cây ra hoa vào tháng 7 và đậu quả vào tháng 8. Khi chín quả của cây này rụng xuống và tách đôi giống 2 chiếc thìa, nên dân gian gọi là cây dây thìa canh hay cây muôi. Mỗi năm cây dây thìa canh được trồng ba vụ, Trung tâm Nghiên cứu, Ứng dụng và Thông tin khoa học và công nghệ Quảng Trị tiến hành thu mua nguyên liệu từ người dân; áp dụng công nghệ hiện đại để chế biến sản phẩm trà hòa tan dây thìa canh sử dụng làm thức uống hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường. Sản phẩm đã được đưa ra thị trường và được người tiêu dùng lựa chọn sử dụng.
Với những kết quả bước đầu từ việc trồng thử nghiệm cây dây thìa canh tại xã Triệu Ái, huyện Triệu Phong là cơ sở để ứng dựng nhân rộng mô hình trồng dây thìa canh,góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao giá trị kinh tế trên đơn vị diện tích, tạo công ăn việc làm cho người dân ở các địa phương của tỉnh Quảng Trị.
(Nguồn: QRTV)