Xâm nhập mặn có diễn biến phức tạp trên địa bàn Quảng Trị

Minh Hiển |

Xâm nhập mặn là hiện tượng nước mặn sâu vào nội địa khi bị ảnh hưởng triều hoặc cạn kiệt nguồn nước ngọt từ các lưu vực sông. 

Xâm nhập mặn là vấn đề nghiêm trọng đối với nhiều địa phương, vấn đề này đã được nỗ lực giải quyết trong bối cảnh đang diễn ra biến đổi khí hậu như nước biển dâng, tăng nhiệt độ, khai thác nước ngầm quá mức để đáp ứng nhu cầu nước cho phát triển, nạn phá rừng, lượng mưa mùa khô giảm, những nguyên nhân này đang làm tăng nguy cơ xâm nhập mặn. Xâm nhập mặn ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng sinh trưởng, giảm năng suất cây trồng, làm giảm tính đa dạng sinh học và làm mất cân bằng sinh thái.

Quan trắc môi trường .
Quan trắc môi trường .

Để có cơ sở triển khai các biện pháp ứng phó với xâm nhập mặn thì việc quan trắc xâm nhập mặn trên các sông là rất cần thiết. Qua đó nghiên cứu, đánh giá được thực trạng, mức độ xâm nhập mặn, nhất là ở khu vực các sông lớn của tỉnh để đề xuất, kiến nghị các giải pháp tăng hiệu quả của việc khai thác sử dụng nguồn nước phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội, công tác quan trắc xâm nhập mặn trong tương lai.

Từ năm 2015 đến nay, dưới sự chủ trì của Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Quảng Trị, Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường đã tiến hành quan trắc xâm nhập mặn tại 14 vị trí trên 2 hệ thống sông Thạch Hãn và Bến Hải, thời gian quan trắc: từ tháng 3 đến tháng 8 hàng năm với tần suất quan trắc là 01 đợt/tuần, mỗi đợt quan trắc 1 ngày đêm/vị trí, số lượng mẫu tại mỗi vị trí: 36 mẫu/ngày/đêm.

Kết quả quan trắc qua các năm cho thấy, xâm nhập mặn đang diễn biến ngày càng phức tạp, đặc biệt là từ năm 2019 đến đầu năm 2020, xâm nhập mặn đang có xu hướng lấn sâu hơn và cường độ ngày càng lớn hơn.

Vì thế, việc quan trắc xâm nhập mặn phải được tổ chức một cách thường xuyên nhằm báo cáo kịp thời kết quả đến các cơ quan quản lý, các phương tiện thông tin, các địa phương, các ngành nhằm có kế hoạch khai thác sử dụng nước phù hợp cho mục đích phát triển kinh tế xã hội tình nhà.

Ông Nguyễn Trọng Hữu, Phó Giám đốc Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường - Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Trị cho biết: “Do tình hình thời tiết khô hạn kéo dài, lượng mưa giảm do đó tình hình xâm nhập mặn có chiều hướng phức tạp hơn. Chúng tôi thực hiện quan trắc xâm nhập mặn thông qua kết quả cho thấy xâm nhập mặn đã ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống sinh hoạt của người dân, ví dụ như ở khu vực Cầu treo Cam Hiếu, độ mặn thời điểm này lên đến 5 - 7‰ không đảm bảo cho việc sản xuất nông nghiệp của người dân”. 

Xâm nhập mặn là quá trình thay thế nước ngọt trong các tầng chứa nước ở ven biển bằng nước mặn do sự dịch chuyển của khối nước mặn vào tầng nước ngọt. Khác với các loại hình thiên tai như bão, lũ lụt, thì xâm nhập mặn diễn ra chậm và có thể gây ra thiệt hại trong thời gian dài. Bởi vậy, những tác động của xâm nhập mặn đối với môi trường và kinh tế - xã hội là không hề nhỏ, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu và nước biển dâng như hiện nay.

Theo số liệu báo cáo của Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường tỉnh thì so với cùng năm 2019, năm nay tại khu vực đập Trấm, xâm nhập mặn tăng cao gấp 9 lần.

Năm 2020, so với cùng kỳ năm 2019, khu vực chân đập Trấm đã bị tác động mạnh bởi xâm nhập mặn. Độ mặn trung bình tại đây là 5,0‰. Còn tại khu vực cầu Đuồi, xâm nhập mặn chưa có bị tác động nhưng năm nay đã có dấu hiệu bị tác động đến khu vực này. Năm 2019, độ mặn trung bình là 0,07‰, đến đầu tháng 4 năm 2020, khu vực cầu Đuồi thị trấn Cam Lộ đã có dấu hiệu ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn, độ mặn dao động từ 0,09 – 0,1‰.

Trên sông Bến Hải: Xâm nhập mặn đã vượt xa khu vực cầu Tiên An; tại cầu Tiên An độ mặn TB là 8,4‰; năm 2020 là 13,0‰ (tăng hơn 1,5 lần)

Trên sông Sa Lung, so với cùng kỳ năm 2019, tại chân đập ngăn mặn sông Sa Lung, độ mặn tăng gần gấp 2 lần.  So với cùng kỳ năm 2019, năm 2020 xâm nhập mặn đã tác động đến khu vực chân đập ngăn mặn với mức độ nhiễm mặn cao hơn, độ mặn TB đo được tại đây là 11,2‰.

Việc thực hiện quan trắc tài nguyên và môi trường trên địa bàn tỉnh Quảng Trị nhằm theo dõi diễn biến các thành phần tài nguyên, môi trường cơ bản trên địa bàn tỉnh, làm cơ sở để đánh giá hiện trạng tài nguyên và môi trường, cung cấp số liệu, dữ liệu cho các cơ quan quản lý xây dựng kế hoạch bảo vệ tài nguyên, môi trường hàng năm và dài hạn; kịp thời báo cáo cho các cơ quan quản lý về hiện trạng các thành phần tài nguyên, môi trường, sự biến động số lượng, chất lượng. Hàng năm, Trung tâm đã triển khai thực hiện quan trắc các thành phần môi trường, tài nguyên nước mặt, nước ngầm; xâm nhập mặn tại 162 điểm/năm, với tổng số lượng 13.842 mẫu/năm. Kết quả quan trắc đã báo cáo kịp thời đến UBND tỉnh, Sở TN&MT và các đơn vị để phục vụ công tác quản lý nhà nước, góp phần phát triển kinh tế xã hội của tỉnh...

Ngày nay với sự xuất hiện của công nghệ tự động có thể thông báo diễn biến mặn, chất lượng nước theo thời gian . Với công nghệ tự động này, tại trung tâm xử lý các cán bộ những người làm trực tiếp có thể theo dõi các thông số đo được ở từng trạm quan trắc thay vì phải mang vác các thiết bị, công cụ cồng kềnh đến trực tiếp hiện trường để đo đạc thủ công như trước đây. Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường cũng cho biết, kết quả quan trắc được đơn vị báo cáo hàng tháng, hàng quý với Sở Tài nguyên và Môi trường (thông qua Chi cục Bảo vệ Môi trường). Riêng kết quả quan trắc xâm nhập mặn được sự ủy quyền của Sở Tài nguyên và Môi trường, đơn vị báo cáo trực tiếp với UBND tỉnh, Đài truyền hình, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Chi cục Bảo vệ môi trường để kịp thời thông báo, cảnh báo.

Ông Võ Văn Dũng, Chi cục trưởng Chi cục BVMT - Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh cho biết: “ Chúng tôi xác định quan trắc xâm nhập mặn có vai trò hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế, đặc biệt là sản xuất nông nghiệp của địa phương. Phải khẳng định rằng, trong thời gian qua Trung tâm Quan trắc TN&MT đã thực hiện tốt nhiệm vụ quan trắc các thành phần môi trường, tài nguyên nước mặt, nước ngầm; xâm nhập mặn… Số liệu quan trắc tự động được quản lý và báo cáo kịp thời đến Sở TN&MT và đơn vị liên quan; đồng thời được truyền về Bộ TN&MT phục vụ công tác quản lý nhà nước. Hiện tượng xâm nhập mặn đang có xu hướng ngày một tiến sâu hơn, đây là một trong những vấn đề cấp bách cần được giải quyết ngay”.

Xâm nhập mặn là quá trình tự nhiên nên nếu nắm bắt được nguyên nhân, diễn biến thì có thể chủ động đưa ra được những dự báo cũng như giải pháp phòng chống hiệu quả rủi ro thiên tai này. Chính vì những ảnh hưởng và hậu quả nghiêm trọng của xâm nhập mặn gây ra, nhằm đảm bảo an toàn dân sinh, sản xuất, đảm bảo cho nền kinh tế phát triển bền vững và chủ động ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng thì xây dựng và nâng cấp hệ thống quan trắc xâm nhập mặn tại vùng hạ lưu sông được ưu tiên hàng đầu.

(Nguồn: QRTV)

TAGS

Huy động mọi nguồn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng khu vực phía Bắc

Tú Linh |

Thành phố Đông Hà (Quảng Trị) đã có những bước phát triển phù hợp với thực tiễn địa phương nên đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên mọi mặt. Kết quả này là cả quá trình phấn đấu của Đảng bộ và Nhân dân trên địa bàn thành phố. Báo Quảng Trị có cuộc phỏng vấn ông NGUYỄN CHIẾN THẮNG, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND thành phố Đông Hà về việc tập trung mọi nguồn lực đầu tư, xây dựng hoàn thiện các công trình cơ sở hạ tầng khu vực phía Bắc sông Hiếu để phát triển đô thị cân đối hài hòa.

Đưa ô tô ra đồng làm dịch vụ thu hoạch lúa

Nhơn Bốn |

Hơn 10 năm trước, cứ đến mùa gặt là người nông dân phải vất vả còng lưng giữa cái nắng chói chang để thu hoạch lúa rồi dùng sức người kéo xe chở lúa về nhà, thậm chí là gánh bộ cho kịp tiến độ. Thế nhưng vài năm trở lại đây, khi việc dồn điền đổi thửa được chú trọng, bê tông hóa giao thông nội đồng, giao thông nông thôn được xây dựng khá hoàn thiện thì việc đưa máy móc, ô tô ra đồng cùng nông dân thu hoạch lúa đã trở nên quen thuộc...

Gặt lúa ban đêm

Trần Tú |

Vào thời điểm này, lúa vụ Đông Xuân đang được người nông dân khắp các địa phương trong tỉnh Quảng Trị tập trung thu hoạch. Với máy gặt được cơ giới hoá, người nông dân có thể gặt lúa cả ban đêm cho kịp thời vụ, khắc phục thiệt hại sau những ngày mưa.

Quảng Trị thêm một vụ mùa bội thu

Bá Thuần |

Mặc dù khi triển khai sản xuất vụ Đông Xuân năm 2019-2020 gặp không ít khó khăn nhưng với việc triển khai các biện pháp khắc phục kịp thời cộng với làm tốt công tác chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh nên đến thời điểm này có thể khẳng định Quảng Trị có thêm một vụ lúa được mùa.