Khi nhà trường kết nối với doanh nghiệp

Tây Long |

Vừa qua, lãnh đạo Phân hiệu Đại học Huế tại Quảng Trị và một số đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn đã tổ chức hội nghị kết nối doanh nghiệp với trường đại học, chú trọng công tác liên kết đào tạo, tuyển dụng, cùng nhau tìm lời giải cho bài toán nhân lực đang đặt ra rất bức thiết.

Đào tạo thừa và thiếu

Nhận lời mời của Phân hiệu Đại học Huế tại Quảng Trị tham dự hội nghị kết nối doanh nghiệp với trường đại học, ông Lê Cảnh Hùng, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư tỉnh, Giám đốc Công ty Tư vấn xây dựng Quảng Trị thu xếp công việc để đến tham dự. Trước đây, ông Hùng từng nhận sinh viên của nhiều trường đại học về thực tập. Chèo lái một doanh nghiệp, ông hiểu tầm quan trọng của việc chọn lựa và đặt những sinh viên xuất sắc vào vị trí phù hợp trong công ty. Nếu khâu này thành công, chính công ty sẽ hưởng lợi bởi những người trẻ có năng lực có thể mang lại nhiều giá trị cho doanh nghiệp.

Lãnh đạo Công ty Điện lực Quảng Trị chia sẻ quan điểm của mình về việc liên kết đào tạo, tuyển dụng. Ảnh: T.L
Lãnh đạo Công ty Điện lực Quảng Trị chia sẻ quan điểm của mình về việc liên kết đào tạo, tuyển dụng. Ảnh: T.L

Tuy nhiên, trên thực tế việc tuyển dụng sinh viên hội tụ đủ kiến thức, kỹ năng, có thái độ làm việc tốt lại không đơn giản. Đáng ngại hơn, chuyện “thiếu thợ” vẫn đang xảy ra. Một số chuyên ngành doanh nghiệp rất cần nhưng nhà trường lại không hoặc chưa chú trọng đào tạo. “Ai cũng bảo chúng ta đang đào tạo dư thừa nhưng thực ra là thiếu khá nhiều. Đơn cử, chúng tôi đã mất khoảng 10 năm trời nhưng không tuyển ra kỹ sư cấp thoát nước”, ông Hùng chia sẻ.

Cũng chung suy nghĩ với ông Lê Cảnh Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Tâm Thơ Nguyễn Ngọc Thơ cho biết, doanh nghiệp của ông vẫn đang thiếu người giỏi dù đã qua 30 năm tuyển dụng. Vấn đề mà ông Thơ thấy quan ngại là đầu ra của nhiều trường đại học chưa thực sự chất lượng. Dù qua 4, 5 năm ngồi trên ghế giảng đường nhưng nhiều sinh viên vẫn còn những “lỗ hổng”. “Chúng tôi luôn chào đón sinh viên về công ty để thực tập. Nếu thấy các em có năng lực, chúng tôi sẵn sàng nhận vào làm việc sau khi ra trường. Thế nhưng, thực tế là số lượng sinh viên đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng không nhiều. Đối với chúng tôi, giá trị của con người không nằm ở bằng cấp mà thể hiện ở năng lực làm việc”, ông Nguyễn Ngọc Thơ khẳng định.

Mời doanh nhân giảng bài

Liên quan đến câu chuyện nguồn nhân lực, những chia sẻ thẳng thắn của hai ông Lê Cảnh Hùng, Nguyễn Ngọc Thơ cũng chính là tiếng nói của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh hiện nay. Tiếng nói ấy đã được cán bộ, giảng viên Phân hiệu Đại học Huế tại Quảng Trị lắng nghe, ghi nhận. Thời gian qua, nhà trường chủ động thay đổi chương trình học phù hợp với nhu cầu thực tế, gắn lý thuyết với thí nghiệm, thực hành, thực tập; chú trọng nâng cao chất lượng; tạo mối quan hệ kết nối chặt chẽ với doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động để thiết kế chương trình học phù hợp… Mục tiêu đưa ra là trang bị kiến thức thực tế để sinh viên có thể bắt tay ngay vào công việc sau khi ra trường. Tín hiệu đáng mừng là những năm qua, Phân hiệu Đại học Huế tại Quảng Trị đã đào tạo ra trường hơn 3.000 cử nhân, kỹ sư. Sau khi tốt nghiệp, nhiều người đã tìm được công việc ổn định, có vị trí trong đơn vị, doanh nghiệp.

Trong những nỗ lực của mình, việc kết nối với doanh nghiệp được Phân hiệu Đại học Huế đặc biệt chú trọng. Lãnh đạo phân hiệu đã chủ động kết nối với nhiều đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn để nâng cao chất lượng dạy và học. Sự đổi thay ấy bắt đầu từ người thầy. Một minh chứng sinh động là giảng viên nhà trường được khuyến khích liên lạc với các đơn vị, doanh nghiệp để học hỏi kinh nghiệm, đổi mới phương pháp giảng dạy, phối hợp triển khai các dự án... Lãnh đạo Phân hiệu Đại học Huế tại Quảng Trị từng mời nhiều giám đốc doanh nghiệp, doanh nhân đến trường để trao đổi kinh nghiệm, kiến thức, kỹ năng, tạo cảm hứng cho sinh viên. Thông qua sự kết nối của nhà trường, sinh viên được tạo điều kiện vào thực tập tại nhiều doanh nghiệp như: Công ty Thủy điện Quảng Trị, Công ty Điện lực Quảng Trị, Công ty Tư vấn xây dựng dựng Quảng Trị… Nhiều sinh viên được giới thiệu và đã nắm bắt được cơ hội việc làm ở các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn. Giám đốc Phân hiệu Đại học Huế tại Quảng Trị Trương Chí Hiếu khẳng định: “Sản phẩm của trường đại học thể hiện bằng thước đo sinh viên ra trường có được xã hội chấp nhận hay không. Vì thế, chúng tôi cố gắng đổi mới chương trình đào tạo làm sao đáp ứng được nhu cầu của thực tế. Cùng với đó, chúng tôi luôn cố gắng kết nối với doanh nghiệp để giải quyết bài toán đầu ra của nguồn nhân lực. Điều đáng quý là nhiều doanh nghiệp đã mở lòng chia sẻ với nhà trường, tận tình hỗ trợ, giúp việc đào tạo của phân hiệu có những bước tiến”.

Ký kết hợp tác

Mới đây, trong khuôn khổ hội nghị kết nối doanh nghiệp với trường đại học do Phân hiệu Đại học Huế tại Quảng Trị tổ chức, nhiều đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đã góp mặt. Sau khi trao đổi, thảo luận, những khó khăn, vướng mắc mà thực tiễn đặt ra đã được tháo gỡ. Giữa nhà trường và doanh nghiệp đã tìm được tiếng nói chung trong nhiều vấn đề, lĩnh vực, mở lối cho việc hợp tác lâu dài. Nhờ thế, ngay tại hội nghị, 7 đơn vị, doanh nghiệp đã ký kết biên bản hợp tác trong công tác đào tạo và tuyển dụng với Phân hiệu Đại học Huế tại Quảng Trị. Theo đó, các đơn vị, doanh nghiệp cam kết sẽ tạo điều kiện, tiếp nhận sinh viên của phân hiệu về thực tập tại đơn vị; ưu tiên tuyển dụng sinh viên nhà trường sau khi tốt nghiệp; hỗ trợ một số trang thiết bị, phương tiện giảng dạy thực hành; tạo điều kiện cho các giảng viên đến doanh nghiệp học tập kinh nghiệm, trao đổi kiến thức, tiếp cận công nghệ mới, nâng cao trình độ; hỗ trợ tập huấn… Phân hiệu Đại học Huế tại Quảng Trị cam kết tuyển sinh, đào tạo đội ngũ, cung ứng nhân lực có trình độ kỹ sư các ngành mà doanh nghiệp yêu cầu và nghiêm túc thực hiện một số nội dung hợp tác khác.

Thực tế, cái “bắt tay” giữa trường đại học và doanh nghiệp mang lại nhiều lợi ích. Từ đây, nhà trường cải thiện chất lượng đào tạo, tìm được đầu ra cho sinh viên sau tốt nghiệp. Về phần mình, doanh nghiệp có nguồn chất lượng cao đáp ứng nhu cầu công việc, giúp đẩy mạnh việc sản xuất, kinh doanh, nâng tầm vị thế. Vì vậy, những nỗ lực liên kết giữa Phân hiệu Đại học Huế tại Quảng Trị với các đơn vị, doanh nghiệp được kỳ vọng sẽ mang lại kết quả khả quan.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Làm giàu từ trồng hoa lan rừng

Thu Hạ |

Xuất phát từ niềm đam mê vẻ đẹp của các loài hoa lan và sự nhanh nhạy khi nắm bắt được nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng, ông Phạm Đức, ở thôn Tân Hào, xã Tân Liên, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) đã phát triển kinh tế bằng việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào trồng hoa lan rừng mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Tình hình thực hiện các dự án do nước ngoài tài trợ tại tỉnh Quảng Trị

Thanh Trúc |

Ngày 8/7/2020, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Tiến đi kiểm tra hiện trường thi công và làm việc với các đơn vị liên quan về tình hình thực hiện các dự án Phát triển đô thị dọc Hành lang tiểu vùng sông Mê Kông (GMS) và Hạ tầng cơ bản cho phát triển toàn diện tỉnh Quảng Trị (BIIG2) do Sở Kế hoạch và Đầu tư làm chủ đầu tư.

Vĩnh Thái đạt sản lượng khai thác hải sản 1.100 tấn

Nguyên Đồng |

Trong 6 tháng đầu năm 2020, sản lượng khai thác hải sản của xã Vĩnh Thái (Vĩnh Linh, Quảng Trị) đạt 1.100 tấn, trị giá 17 tỉ đồng, đạt 125% kế hoạch năm.

Xây dựng các sản phẩm du lịch đặc trưng trên địa bàn thị xã Quảng Trị

Thanh Trúc |

Để thúc đẩy sự phát triển của hoạt động du lịch, xây dựng ngành du lịch thành một ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế, xã hội của thị xã Quảng Trị, UBND thị xã Quảng Trị vừa ban hành Kế hoạch xây dựng các sản phẩm du lịch trên địa bàn thị xã Quảng Trị đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Phóng viên Báo Quảng Trị đã có cuộc trao đổi với Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin thị xã Quảng Trị LÊ NGỌC VŨ về vấn đề này.