Mưu sinh trong thời điểm khó khăn

Huy Nam |

Đại dịch COVID - 19 đang tác động tiêu cực đến mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó có nhiều người thu nhập bị sụt giảm hoặc mất việc khiến sinh hoạt hằng ngày của họ gặp không ít khó khăn. Để thích ứng với hoàn cảnh, họ phải tìm công việc khác để mưu sinh.

Nhiều tiểu thương ở chợ Đông Hà buôn bán khó khăn vì COVID. Ảnh: HN
Nhiều tiểu thương ở chợ Đông Hà buôn bán khó khăn vì COVID. Ảnh: HN

Từ sau Tết Canh Tý 2020 đến nay, chị Trần Thị Như Hương ở khu phố Tân Vĩnh, phường Đông Lương buộc phải từ bỏ công việc của mình tại Trường Tiểu học Nguyễn Tất Thành, thành phố Đông Hà (Quảng Trị). Chị chia sẻ: “COVID - 19 khiến học sinh không thể đến trường nên tôi và một số giáo viên hợp đồng khác phải tạm thời nghỉ việc. Mất đi nguồn thu nhập ổn định đã khiến cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn và để duy trì sinh hoạt hằng ngày của gia đình tôi chọn việc cung cấp thực phẩm cho những người quen biết có nhu cầu. Họ chỉ cần gọi điện thoại thông báo cần mặt hàng gì, chất lượng ra sao thì chậm nhất sau 1 giờ đồng hồ tôi sẽ giao hàng tại nhà. Công việc này lúc đầu cũng rất khó khăn do chưa quen và nhu cầu không cao nhưng từ khi tình hình dịch bệnh bắt đầu diễn biến phức tạp thì mọi việc đã tốt hơn. Công việc dù rất vất vả do cả ngày phải tìm kiếm nguồn hàng rồi đi giao hàng nhưng bù lại mình có thêm một khoản thu nhập và niềm vui để vượt qua thời điểm khó khăn này”. Chị Hương cũng cho biết thêm, nhiều giáo viên hợp đồng như chị sau khi nghỉ việc đều phải tìm kiếm một công việc khác để mưu sinh, dù chật vật nhưng ai cũng có niềm tin là tình hình sẽ sớm trở lại bình thường.

Dừng tay đóng gạch nền trong căn nhà cấp 4 đang được thi công hoàn thiện, anh Nguyễn Văn Khánh ở thôn Vinh Quang Thượng, xã Gio Quang, huyện Gio Linh (Quảng Trị) cho hay, hơn một tháng nay anh theo chân một người bà con là chủ thầu xây dựng để phụ việc bởi công việc chính của anh là lái xe cho một doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ vận tải đã bị đình trệ. “Tôi chạy xe khách loại 12 chỗ tuyến Đông Hà - Đà Nẵng. Ngay sau tết, lượng hành khách đi lại đã không nhiều và đến thời điểm cách đây một tháng thì hầu như ngày nào trên xe cũng chỉ có 3 - 4 khách do ai cũng có tâm lý ngại đi lại vì COVID - 19. Thu không đủ chi, thậm chí là thua lỗ nên chủ doanh nghiệp đã tính toán lại và tôi cùng với một lái xe khác buộc phải nghỉ việc. Lái xe khách trong thời điểm này xin việc chỗ nào cũng khó nên tôi đành phải chọn công việc tạm thời này. Mỗi ngày được trả công 240 nghìn đồng là thấp hơn so với lái xe trong khi công việc lại khá nặng nhọc nhưng phải chấp nhận để duy trì cuộc sống gia đình”.

Tại chợ Đông Hà, hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa không còn sôi động như trước đây đã không chỉ kéo giảm thu nhập mà còn khiến nhiều tiểu thương tạm ngừng kinh doanh. Chị Lê Thị Nga, một người kinh doanh gia cầm cho biết: “Trước đây mỗi ngày tôi thu mua từ tư thương ở các huyện Gio Linh, Triệu Phong, Cam Lộ rồi cung ứng cả trăm con gà, vịt cho các nhà hàng, điểm kinh doanh dịch vụ ăn uống nhưng hiện nay may mắn lắm cũng chỉ được khoảng 30 con nên thu nhập cũng giảm hơn một nửa. Buôn bán ế ẩm nên tôi cũng đã cho một người giúp việc lâu năm tạm nghỉ dù biết họ sẽ gặp nhiều khó khăn trong tìm kiếm công việc mới để có tiền trang trải cuộc sống hằng ngày. Chuyên mặt hàng thực phẩm như chúng tôi dù có ế ẩm nhưng vẫn duy trì được còn kinh doanh các mặt hàng khác như đồ gia dụng, vải, áo quần, mỹ phẩm, đồ điện tử thì nhiều lô quầy đã tạm nghỉ do không có người mua”.

Ông Trương Đức Phụ, Trưởng Ban Quản lý chợ Đông Hà thông tin: “Chợ hiện có 1.470 lô quầy, do tác động của COVID - 19 nên việc kinh doanh của tiểu thương tại đây đang gặp nhiều khó khăn. Đến thời điểm này đã có 117 lô quầy tạm ngừng kinh doanh. Bên cạnh đó, lượng người buôn bán hàng thực phẩm không cố định tại chợ cũng giảm mạnh. Nếu tình hình dịch bệnh kéo dài thì chắc chắn sẽ có thêm nhiều lô quầy tạm dừng việc buôn bán”.

Là một trong nhiều công nhân phải nghỉ việc ở Công ty cổ phần May và Thương mại Gio Linh, chị Phan Thị Lan ở thị trấn Gio Linh chọn cho mình công việc giữ trẻ tại nhà. “Tôi nhận giữ 3 trẻ cho hàng xóm, công việc mới mẻ này một tháng mang lại khoản thu nhập khoảng 4,5 triệu đồng. Đây là số tiền không nhiều Thu nhập dù không nhiều nhưng tôi may mắn mắn hơn mấy chị em đồng nghiệp khác là sớm có được việc làm trong khi chờ công ty gọi đi làm trở lại”, chị Lan chia sẻ.

Đại diện lãnh đạo Công ty cổ phần May và Thương mại Gio Linh thông tin: “Công ty có hơn 500 lao động và hiện nay đã có gần 100 người tạm thời nghỉ việc, điều này đã ảnh hưởng nhất định đến hoạt động của các dây chuyền sản xuất. Đây là việc bất đắc dĩ bởi COVID - 19 đã khiến gần 60% nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất được nhập khẩu từ Trung Quốc gặp nhiều trở ngại và một số đơn hàng ở thị trường châu Âu và Mỹ bị hủy. Dù gặp khó khăn nhưng công ty vẫn đảm bảo đầy đủ các chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật đối với các lao động nghỉ việc và sẵn sàng đón nhận họ trở lại làm việc khi điều kiện cho phép”.

Tự xoay trở, tìm kiếm cho mình một công việc tạm thời giữa lúc COVID - 19 đang hoành hành để có thu nhập đảm bảo cuộc sống hằng ngày là cách mà nhiều người đang làm và đây là điều rất đáng trân trọng trong thời điểm khó khăn này.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

200 tỉ đồng đầu tư khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp ven biển

Tiến Nhất |

Ngày 30.3.2020, UBND tỉnh Quảng Trị ban hành Quyết định số 860/QĐ-UBND về việc cấp quyết định chủ trương đầu tư cho Công ty TNHH Mạnh Cường thực hiện dự án Khu Du lịch sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp Giang Hải với tổng vốn đầu tư 200 tỉ đồng.

Nhân rộng mô hình “Bơ sáp Quảng Trị”

Mai Trang – Minh Dương |

Quảng Trị vốn có giống cây bơ sáp tại các vùng đồng bằng Gio Linh, Vĩnh Linh (Quảng Trị) nổi tiếng về độ dẻo, ngon, tuy nhiên chất lượng chưa đồng đều, năng suất còn thấp và chưa có thương hiệu riêng. 

Sẽ có nhà máy nhiệt điện khí trị giá gần 300 triệu USD ở Quảng Trị

Nguyễn Đức Tân |

Thủ tướng Chính phủ vừa có văn bản đồng ý giao Công ty Gazprom International (công ty con của Tập đoàn Gazprom – Liên bang Nga) làm chủ đầu tư dự án nhà máy nhiệt điện khí Quảng Trị theo hình thức Hợp đồng Xây dựng – Kinh doanh- Chuyển giao (Hợp đồng BOT) tại Khu Kinh tế Đông Nam Quảng Trị.

Quảng Trị: Nỗ lực thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn tỉnh

Nguyễn Loan |

Phóng viên: Thưa ông Trần Văn Đoàn, đề từng bước trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, tỉnh đã có những đổi mới gì trong việc mời gọi, lựa chọn nhà đầu tư?