Nhân kỷ niệm 45 năm Lao Bảo xây dựng quê hương mới (02/9/1975-02/9/2020), ông Nguyễn Hữu Dũng - Huyện uỷ viên, Bí thư Đảng uỷ thị trấn Lao Bảo (Hướng Hoá, Quảng Trị) bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với vùng đất và con người đã không ngừng nỗ lực vượt lên gian khó để dựng xây, phát triển để Lao Bảo ngày càng gần hơn với giấc mơ "một đô thị vàng trên đồi Lao Bảo".
?: Thưa ông, năm nay kỷ niệm 45 năm người dân xã Triệu Phước (Triệu Phong) lên miền tây Hướng Hoá xây dựng quê hương mới. Xin ông thông tin rõ hơn về sự kiện chính trị quan trọng này?Ông Nguyễn Hữu Dũng: Ngày 30/4/1975, chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã kết thúc thắng lợi hoàn toàn cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thống nhất tổ quốc, non sông thu về một mối, cả nước đi lên XHCN, kiến thiết xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đầu tháng 9/1975, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Triệu Phước thực hiện chủ trương đi xây dựng vùng kinh tế mới theo Nghị quyết số 136/TV của Tỉnh uỷ Quảng Trị.
Theo đó, có 337 hộ dân với 1.740 nhân khẩu của 10 làng, thuộc xã Triệu Phước đã chính thức lên định cư lập nghiệp trên mảnh đất Lao Bảo thuộc huyện Hướng Hoá và xã Tân Phước được hình thành từ đó. Toàn xã có 7 thôn, gắn với 7 tập đoàn sản xuất, đó là những cái tên được ghép từ tên làng của quê cũ, gồm: Duy Tân, Cao Việt, An Hà, Xuân Phước; Vĩnh Hoa, Tân Kim 1, Tân Kim 2 và 02 bản đồng bào dân tộc thiểu số là bản Ka Túp, thuộc xã Thuận và bản Lệt thuộc xã Hướng Tân; đến tháng 8 năm 1980 nhập thêm bản Ka Tăng của xã Hướng Tân; đến năm 1992 hình thành thêm bản Khe Đá, là bà con thiểu số từ Lào về và các xã trong huyện đến làm ăn, sinh sống.
?: Chặng đường 45 năm xây dựng và phát triển, Lao Bảo từ một vùng đất hoang sơ, rừng thiêng nước độc nay trở thành đô hội, sầm uất. Xin ông cho biết thêm những khó khăn ban đầu của thời kỳ mở đất; những “cột mốc” đáng nhớ của xứ này?
Ông Nguyễn Hữu Dũng: Lao Bảo đã từng mang trên mình bao vết thương chiến tranh và tàn dư của bom đạn. Nơi đây từng nổi tiếng là vùng rừng thiêng nước độc, buổi ban đầu lập nghiệp khó khăn chồng chất khó khăn, giao thông gần như tách biệt với miền xuôi. Rừng xanh cảnh lạ, nỗi niềm xa quê cha, đất tổ đến với mái nhà tranh vách nứa đơn sơ. Cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, chăn không đủ ấm, những miếng bom bố độn rơm để làm chăn đắp khi mùa đông đến. Đời sống sinh hoạt và sản xuất của nhân dân thiếu thốn trăm bề, thiếu dầu để thắp, thiếu mắm để ăn. Đêm đến cả xã heo hút với ngọn đèn dầu phân phối; ốm đau không đường, không sửa, thiếu thuốc men điều trị; Giao thông, thông tin liên lạc hầu như bế tắc; hiểm hoạ của bệnh tật và bom đạn nằm dưới lòng đất đã cướp đi bao sinh mạng của những người thân…
Từ khó khăn, gian khổ đó, Lao Bảo có những bước chuyển mình trước xu thế thời đại. Ngày 01/8/1994 xã Tân Phước đã vinh dự được Chính phủ ban hành Quyết định thành lập thị trấn Lao Bảo trên cơ sở đơn vị hành chính là xã Tân Phước, chính thức trở thành đô thị và là đầu mối quan trọng về kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh và đối ngoại của huyện Hướng Hóa. Rồi đến ngày 12.11.1998 Chính phủ thành lập Khu vực khuyến khích phát triển kinh tế và thương mại Lao Bảo (gọi là Khu thương mại Lao Bảo). Thị trấn Lao Bảo nằm trong khu này và là đầu mối, trung tâm cho sự phát triển toàn khu.
?: Xin ông cho biết sơ lược những thành tựu đã đạt được trong 45 năm qua?
Ông Nguyễn Hữu Dũng: Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị trấn Lao Bảo đã biết tranh thủ mọi nguồn lực và lợi thế của khu kinh tế thương mại đặc biệt và Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, tập trung chuyển đổi cơ cấu từ nền kinh tế nông nghiệp sang thương mại- dịch vụ- công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp và nông-l âm nghiệp kết hợp. Từ đó đã động viên, cổ vũ 100% hộ gia đình sản xuất nông nghiệp sang hướng kinh doanh thương mại, dịch vụ, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, đầu tư và liên kết đầu tư mạnh thị trường trong nước và trong khu vực.
Từ một xã chỉ có 5.300 nhân khẩu, đến nay đã có trên 13.000 nhân khẩu. Thu nhập bình quân đầu người từ 0 đồng, đến nay tăng lên trên 40 triệu đồng người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm, còn dưới 3% năm theo tiêu chí mới.
Cơ sở hạ tầng được Nhà nước và Nhân dân quan tâm đầu tư xây dựng, trên 90% các tuyến đường đã được thảm nhựa và bê tông hóa; nhiều tuyến đường khá hiện đại, có vỉa hè, cây xanh, hệ thống công trình thoát nước và điện chiếu sáng; 100% hộ dân đều có điện thắp sáng, dùng nước sạch; 11 làng và 6 đơn vị được công nhận làng, đơn vị văn hóa. Từ chỉ có 4 lớp học vách đất, mái tranh, thiết bị tạm bợ; chưa tới 5 học sinh đi học cấp 3, thì đến nay đã có 9 trường học với gần 100 lớp học kiên cố, đáp ứng nhu cầu cho gần 3000 học sinh thuộc mọi lứa tuổi của các bậc học.
?: Những thay đổi có thể nói là "thần kỳ" của Lao Bảo sau 45 năm xây dựng. Đó là thành quả của mồ hôi, nước mắt qua bao thế hệ. Ông muốn nói điều gì thêm trước sự kiện kỷ niệm 45 năm quê hương Lao Bảo?
Ông Nguyễn Hữu Dũng: Có được thành quả như ngày hôm nay, chúng ta trân trọng tri ân và biết ơn sâu sắc những thế hệ anh hùng liệt sỹ đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc. Trân trọng biết ơn các bà mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình thân nhân liệt sỹ, các thương binh, bệnh binh, gia đình có công với cách mạng đã hy sinh xương, máu, mồ hôi và công lao của lớp các thế hệ cha, anh, những cán bộ và 247 hộ dân ngày đầu lên lập nghiệp. Trân trọng, cảm ơn Huyện uỷ, UBND và các cơ quan, ban ngành của huyện Hướng Hoá qua các thời kỳ; lãnh đạo, chỉ huy và cán bộ, chiến sỹ của Đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Lao Bảo; Đảng bộ, chính quyền huyện Triệu phong và quê hương Triệu Phước anh hùng, đồng bào dân tộc Vân kiều, Pa Cô và các bản kết nghĩa của nước bạn Lào; Các cơ quan, đơn vị, các doanh nghiệp và các nhà hảo tâm đã cùng đồng hành, chia sẻ cùng với nhân dân Lao Bảo trong quá trình 45 năm xây dựng quê hương.
- Xin cám ơn ông Nguyễn Hữu Dũng và chúc cho hành trình biến Lao Bảo thành một đô thị điểm nhấn, động lực trên EWEC sớm thành hiện thực!