Nhờ có chính sách giao đất giao rừng cho hộ gia đình và cộng đồng quản lý, cùng với những quy ước, quy chế giữ rừng của các địa phương nên những năm qua, diện tích rừng trên cát ở Quảng Trị ngày càng tăng. Trồng rừng trên cát vừa mang lại hiệu quả kinh tế vừa góp phần giảm thiểu tác hại của thiên tai, bão lũ, hạn chế cát bay...và đã trở thành lá phổi xanh cho các địa phương vùng ven biển Quảng Trị.
Chừng 5 năm về trước, vùng đất rú cát ở thôn Đông Dương, xã Hải Dương, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) là nơi hoang hóa, cát trắng bạc màu, nhưng thực hiện chương trình chuyển đổi và tìm loại cây trồng phù hợp với đất đai, khí hậu theo chủ trương của huyện Hải Lăng nên thôn Đông Dương đã chuyển vùng đất này đưa vào trồng cây tràm keo lá lưỡi liềm.
Nhờ có những quy ước giữ rừng chặt chẽ nên cùng với diện tích rừng tự nhiên vốn có thì gần 15 ha rừng trồng của thôn đều được bảo vệ tốt, góp phần vào việc phát triển kinh tế và nâng cao thu nhập cho người dân. Ông Trần Xuân Hoành, Phó Giám đốc HTX Đông Dương xã Hải Dương cho biết thêm: “ Trước đây chưa có các khu rừng này thì năm nào ở vùng rú cát chúng tôi cũng gặp hiện tượng cát bay, cát lấp khó sản xuất lắm, nhưng khi trồng rừng thì đảm bảo được độ che gió và độ ẩm cho cây trồng trên cát. Nên người dân trong thôn đã trồng ném và mướp đắng trên vùng cát đã đem lại giá trị kinh tế cao...”
Xã Hải Quế có diện tích rừng trên cát khá lớn với gần 300 ha, được phân thành 4 loại rừng là rừng phòng hộ, rừng sản xuất, rừng dự án và rừng tự nhiên. Ông Hoàng Tấn Thông, Chủ tịch UBND xã Hải Quế cho biết: “Ban đầu, thực hiện Dự án 661 của Chính phủ, người dân chỉ trồng rừng để phủ xanh đất trống, đồi cát trắng. Sau này, khi nhận ra hiệu quả kinh tế cũng như vai trò to lớn của việc trồng rừng ở vùng cát, người dân mới bắt đầu tập trung trồng rừng. Nơi nào có đất trống, đất bạc màu là nơi đó người dân tận dụng để trồng cây tràm lâm nghiệp.
Nhờ trồng rừng trên cát nên đến nay cùng với việc canh tác cây hoa màu thì đời sống của nhiều hộ dân trở nên khá giả. Mặt khác, nhờ có rừng nên tình trạng cát xâm thực, cát bay, cát lấp cũng giảm đi đáng kể, đồng thời rừng đã giữ độ ẩm để hàng năm bà con nhân dân canh tác hiệu quả 150 héc ta cây hoa màu trên vùng cát....”. Theo Nghị quyết phát triển kinh tế của xã, sắp tới, Hải Quế sẽ tiếp tục vận động, hỗ trợ người dân mở rộng diện tích rừng tràm để tận dụng tối đa diện tích đất bỏ hoang cũng như góp phần giúp người dân nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.
Ngoài diện tích rừng ở vùng đồi núi, huyện Hải Lăng còn có gần 850 héc ta diện tích rừng trên cát, tập trung ở các xã: Hải Ba, Hải Dương, Hải Quế, Hải Định, và hai xã biển Hải An, Hải Khê. Trong đó nhiều diện tích rừng tự nhiên có niên đại hàng trăm năm tuổi đang được bảo vệ gần như nguyên vẹn. Ông Văn Lợi, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Hải Lăng cho biết: “ Với lợi ích từ rừng đem lại nên bên cạnh đầu tư phát triển rừng ở vùng gò đồi, chúng tôi đã tham mưu cho UBND huyện Hải Lăng giao đất giao rừng trên cát về cho từng hộ dân và khu dân cư để họ tự bảo vệ và chăm sóc. Nhờ vậy, hiện tại diện tích rừng trên cát ở huyện Hải Lăng đã tạo được độ che phủ và giữ độ ẩm cho việc sản xuất cây trồng trên vùng đất cát.”...
Vùng cát trên địa bàn tỉnh có diện tích hơn 24.100 héc ta, trải dài qua 4 huyện: Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong và Hải Lăng. Trong đó, diện tích đất có rừng tự nhiên hơn 1.800 ha, rừng trồng 14.200 ha. Rừng trên cát ven biển ở tỉnh tập trung 2 đối tượng chủ yếu là rừng phòng hộ và rừng sản xuất. Tổng trữ lượng rừng đạt khoảng 239.838m3. Đến nay, diện tích rừng vùng cát không ngừng được tăng lên, hầu hết các địa phương đều tích cực thực hiện trồng rừng trên cát và mang lại hiệu quả rất tốt. Một số xã có diện tích rừng phòng hộ ven biển lớn như: xã Vĩnh Thái, Vĩnh Trung ở huyện Vĩnh Linh; xã Trung Giang, Gio Mỹ huyện Gio Linh; xã Triệu Vân, xã Triệu Sơn, xã Triệu Trạch, huyện Triệu Phong. Bình quân, các xã ven biển mỗi năm trồng khoảng 100 - 200 ha rừng sản xuất và khoảng 205.000 cây phân tán. Có thể thấy việc phát triển lâm nghiệp vùng cát đem lại nhiều hiệu quả thiết thực. Trước hết là hiệu quả về môi trường, giải quyết nhu cầu lao động, tạo việc làm cho người dân địa phương. Bên cạnh đó là hiệu quả về mặt kinh tế - xã hội và an ninh- quốc phòng.
Ông Văn Ngọc Thắng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm Lâm - Sở NN&PTNT Quảng Trị nhấn mạnh: “ Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tham mưu cho Sở NN&PTNT và UBND tỉnh có chính sách phát triển rừng một cách phù hợp, mang lại hiệu quả cao. Trong đó việc giao đất giao rừng cho người dân và cộng đồng quản lý là hướng đi tích cực mà chúng tôi sẽ thực hiện cho các địa phương có rừng trên cát trong cả tỉnh".
Để phát triển lâm nghiệp trên vùng cát một cách bền vững và khoa học, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các ban, ngành liên quan cần quy hoạch hệ thống rừng phòng hộ ven biển để phát huy vai trò phòng hộ chắn sóng, lấn biển, chắn gió chống cát bay, phòng chống, giảm nhẹ thiên tai, an toàn cho hệ thống đê biển nhằm bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần ổn định phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng vùng ven biển. Có như thế rừng trên cát sẽ mãi trở thành lá phổi xanh cho cuộc sống của các địa phương vùng duyên hải và ven biển.
(Nguồn: QRTV)