Quảng Trị khơi dậy tiềm năng kinh tế vùng gò đồi

Đạo Thiện |

Thực hiện chủ trương chuyển dịch cơ cấu cây trồng trên vùng gò đồi, từng bước nâng cao giá trị sản xuất trên một đơn vị diên tích, thời gian qua, các địa phương trong tỉnh đã chú trọng phát triển các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao như: hồ tiêu, cam, ổi, cây dược liệu… Nhiều mô hình đã khẳng định được giá trị thương hiệu, sự thích ứng với điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng địa phương, qua đó tạo nguồn thu nhập đáng kể cho người dân.

Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện Hải Lăng (Quảng Trị), hiện nay trên địa bàn huyện đã có hàng trăm héc ta đất ở vùng gò đồi được chuyển đổi sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như hồ tiêu, cao su, chè xanh, cam, bưởi, quýt...

Phát triển cây thanh long ở vùng gò đồi huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị)
Phát triển cây thanh long ở vùng gò đồi huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị)

Tính đến thời điểm này toàn huyện Hải Lăng đã có hơn 70 ha trồng cam, 70 ha cây hồ tiêu, 66 ha quýt, bưởi; 50 ha chè xanh và 40 ha chuối các loại... Các loại cây trồng này đã góp phần quan trọng vào việc nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích. Trung bình mỗi ha cây trồng được chuyển đổi mang lại thu nhập từ 100 - 200 triệu đồng, riêng cây cam cho thu nhập trên 300 triệu đồng mỗi ha.

Đặc biệt, với hiệu quả đem lại của cây cam, huyện Hải Lăng đã có chủ trương khuyến khích hỗ trợ phát triển ở các xã vùng gò đồi, định hướng xây dựng vùng chuyên canh trồng cam như ở vùng đồi K4, xã Hải Phú. Bên cạnh đó, các địa phương cũng đang chú trọng vào việc canh tác theo hướng hữu cơ, tạo ra sản phẩm sạch đối với người tiêu dùng. Ông Lê Đình Lễ, Phó trưởng phòng NN- PTNT huyện Hải Lăng- cho biết thêm: “Hiện tại UBND huyện đang có chủ trương cho các xã tiếp tục thực hiện chuyển đổi cây trồng, trong đó cây cam được phát triển mạnh và đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đối với ngành Nông nghiệp, chúng tôi sẽ có kế hoạch tổ chức cho bà con nhân dân về tập huấn kiến thức trồng trọt và chăm sóc cây trồng, để mọi người chủ động hơn trong quá trình canh tác...”.

Với tổng diện tích tự nhiên gần 34.400 ha, vùng gò đồi miền núi phía Tây của huyện Gio Linh chiếm gần 78% diện tích toàn huyện. Nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của vùng gò đồi này, HĐND huyện Gio Linh đã ban hành Nghị quyết số 13/NQ-HĐND về chương trình phát triển kinh tế vùng gò đồi, miền núi giai đoạn 2018 – 2020, định hướng đến 2025. Theo đó, với lợi thế phần lớn là đồi núi, đất đỏ ba dan màu mỡ, huyện Gio Linh tập trung rà soát quỹ đất, quy hoạch vùng trồng, đồng thời tiến hành chuyển đổi những diện tích đất trồng kém hiệu quả sang trồng các loại cây công nghiệp dài ngày như cao su, hồ tiêu; cây ăn quả như chuối, bơ, dứa; các loại cây ngắn ngày và cây dược liệu như nghệ vàng, dong riềng, cà gai leo, sâm bố chính…

Ước tính đến nay, ngành nông nghiệp toàn vùng đã đem giá trị sản xuất đạt khoảng 1.327 tỷ đồng, chiếm 39,8% toàn huyện. Cơ cấu cây trồng chuyển đổi theo hướng sản xuất hàng hoá, từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung, đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với trước đây. Nhờ phát triển kinh tế vùng gò đồi, nhiều hộ gia đình không chỉ thoát được đói nghèo mà còn vươn lên giàu có. Ông Trần Văn Quảng, chủ tịch UBND huyện Gio Linh nói thêm: "Chúng tôi vẫn duy trì và phát triển các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, nhất là cây cao su và cây hồ tiêu. Đồng thời, cũng sẽ du nhập thêm các loại cây trồng mới phù hợp với khí hậu và đất đai miền tây của huyện...”.

Nhằm phát huy tiềm năng của vùng gò đồi, chủ trương của ngành Nông nghiệp là tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên vùng gò đồi theo hướng đa cây; trong đó, tập trung phát triển các loại cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao, bền vững và thích ứng được với biến đổi khí hậu, nhất là trong điều kiện khô hạn và bão. Để có hướng phát triển bền vững, hiện tại, bên cạnh các loại cây trồng đã khẳng định được hiệu quả, ngành Nông nghiệp đang đưa và trồng thử nghiệm một số loại cây trồng mới như sâm Bố Chính, cà gai leo, chanh leo, sachi…

Quá trình thực hiện cho thấy, các loại cây trồng mới này đều sinh trưởng và phát triển tốt, phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương, nhất là trên vùng gò đồi. Theo đánh giá của bà con nông dân, điều khiến họ yên tâm là ngoài sự thích ứng và sinh trưởng, phát triển tốt, thì đã có sự liên kết với các công ty, doanh nghiệp lớn để bao tiêu sản phẩm đầu ra. Đây cũng là mục tiêu của ngành Nông nghiệp trong việc tạo ra sản phẩm cây trồng chủ lực và mở ra hướng chuyển đổi cây trồng hiệu quả, góp phần đem lại giá trị kinh tế, môi trường bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu cho nông dân vùng gò đồi. Ông Nguyễn Hữu Tâm, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật – Sở NN&PTNT Quảng Trị nhấn mạnh: “ Đối với Chi cục, chúng tôi sẽ tham mưu cho UBND tỉnh có lịch trình chăm sóc cây trồng hiệu quả, trong đó khâu chọn giống là vấn đề quan trọng để cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao...”.

Nhiều năm qua, bên cạnh tập trung sản xuất thâm canh cây lúa, tỉnh Quảng Trị đã chú trọng đáng kể đến chương trình cải tạo và phát triển kinh tế vùng gò đồi, mà cụ thể là chuyển đổi nhiều cây trồng có giá trị kinh tế vào thay thế cây trồng truyền thống địa phương. Và đến nay, vùng gò đồi năm xưa nay đã thay da đổi thịt. Từ những vùng đất khô cằn sau chiến tranh nay phủ đầy màu xanh của rừng, của cây công nghiệp. Nguồn lợi từ rừng, cây cao su, hồ tiêu, cây ăn quả... đã góp phần quan trọng vào giá trị phát triển nông nghiệp hàng năm của tỉnh. Có thể nói, với sự hỗ trợ tích cực của địa phương và ngành Nông nghiệp, sự năng động, sáng tạo của người nông dân, kinh tế vùng gò đồi đã và đang góp phần quan trọng trong quá trình chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị cây trồng một cách bền vững.

(Nguồn: QRTV)

TAGS

Ưu tiên phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ

Mai Linh |

Những sản phẩm từ nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ đang là lựa chọn hàng đầu của người tiêu dùng trong thời gian trở lại đây và sản xuất theo hướng hữu cơ, chất lượng cao chính là yêu cầu của một nền nông nghiệp hiện đại. Trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, việc sản xuất hữu cơ đã xuất hiện và tạo ra được tiếng vang lớn với thị trường trong và ngoài nước, nhất là đối với sản phẩm lúa hữu cơ Quảng Trị.

11 gian hàng tham gia "Phiên chợ nông sản an toàn năm 2020”

Thanh Lê |

Thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025”; hướng tới Đại hội Đảng bộ TP. Đông Hà (Quảng Trị) lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2020 – 2025, hôm nay 19/6/2020, Hội LHPN TP. Đông Hà tổ chức "Phiên chợ nông sản an toàn năm 2020" với quy mô 11 gian hàng đến từ các đơn vị trên địa bàn thành phố.

Chinh phục vùng đất thấp trũng

Ngọc Trang |

Để biến khó khăn của vùng đất thấp trũng ở địa phương trở thành lợi thế, anh Trương Duy Trị ở thôn An Trung Đồng, xã Triệu Độ, huyện Triệu Phong (Quảng Trị) đã quyết tâm chuyển đổi cây trồng kết hợp chăn nuôi phù hợp bằng cách đầu tư trồng sen, thả cá và nuôi vịt đẻ trứng. Qua vài năm triển khai thực hiện, mô hình kinh tế của anh đã mang lại nguồn thu gấp nhiều lần so với trồng lúa, được chính quyền địa phương đánh giá cao, chọn làm điểm để nhân rộng.

Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp tại Quảng Trị

Thanh Vân - Minh Dương |

Ngày 16/6, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam, UBND tỉnh Quảng Trị đã có buổi làm việc với Liên danh các nhà đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp tại Quảng Trị.