Đẩy mạnh sản xuất theo hướng hữu cơ để nâng cao chất lượng sản phẩm, liên kết để tiêu thụ sản phẩm và năng cao giá trị trên một đơn vị diện tích, đồng thời đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng đang được xã Vĩnh Thủy (Vĩnh Linh, Quảng Trị) chú trọng thực hiện và thực tế đã mang lại hiệu quả đáng mong đợi.
Từ khi tham gia vào hợp tác xã Nông sản Tây Vĩnh Thủy, toàn bộ 750 gốc thanh long ruột đỏ của gia đình ông Trần Văn Phẩm được trồng và chăm sóc đều tuân theo tiêu chuẩn Vietgap.
Dù có những yêu cầu khắt khe hơn so với cách trồng trước đây nhưng khi tham gia vào mô hình này ông không phải lo về đầu ra và giá cả sản phẩm. “Trước kia trồng ra sợ không có ai mua nhưng giờ chỉ sợ không đủ hàng để bán. Không phải mang ra chợ mà thương lái đến tận vườn thu mua với giá dao động từ 20.000đ đến 30.000đ mỗi kg tùy loại. Trung bình mỗi vụ thu hoạch, mỗi gốc thanh long cho sản lượng từ 10 đến 20kg, cao gấp nhiều lần so với các loại cây khác”. Ông Phẩm cho biết như vậy.
Giám đốc HTX KD&DV Nông sản Tây Vĩnh Thủy Nguyễn Quang Hạnh cho biết: Đạt chuẩn VietGap chính là một trong những yếu tố quan trọng để khẳng định chất lượng cho sản phẩm thanh long ruột đỏ của địa phương và tạo nên thương hiệu trên thị trường. Mặt khác hướng tới sản xuất hữu cơ, an toàn không chỉ đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng, nâng cao chất lượng sản phẩm mà còn tăng năng suất cho chính các nhà vườn. Cũng từ đó sản phẩm được các doanh nghiệp, siêu thị lớn trong cả nước bao tiêu sản phẩm. Anh Nguyễn Quang Hạnh cho biết thêm: “Bây giờ thanh long ruột đỏ của Vĩnh Thủy đã được đăng ký mã vạch và đang chờ cấp chứng nhận thương hiệu. Sản phẩm cũng đã có mặt ở một số siêu thị lớn ở Hà Nội. Người dân chỉ cần có sản phẩn đạt tiêu chuẩn thì doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm”
Bên cạnh trái thanh long, hiện nay bưởi da xanh và cây chanh leo cũng là hai sản phẩm đã được công nhận đạt tiêu chuẩn Vietgap với hơn 106 ha. Để xây dựng thành công thương hiệu cho các sản phẩm này, đến nay HTX KD&DV Nông sản Tây Vĩnh Thủy cũng đã hoàn thành hồ sơ, các thủ tục đăng ký xây dựng nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm và trình cơ quan có thẩm quyền xét duyệt. Đây được xem là viên gạch quan trọng đặt nền móng cho bước phát triển tiếp theo của trái thanh long ruột đỏ, bưởi da xanh và chanh leo trên hành trình khẳng định thương hiệu; giúp người dân yên tâm mở rộng diện tích, tiếp tục đầu tư nâng cao năng suất, chất lượng để trở thành nông sản có giá trị cao, mang lại nguồn thu nhập ổn định và bền vững cho người nông dân. Nói về định hướng phát triển sản phẩm nông nghiệp sạch của địa phưng, ông Võ Đức Diện – Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thủy cho biết: “Thời gian tới chúng tôi chỉ đạo cho bà con tiếp tục sản xuất và mở rộng diện tích trồng thanh long ruột đỏ theo hướng hữu cơ, liên doanh liên kết để ổn định đầu ra sản phẩm cũng như giá cho người nông dân, tăng thêm thu nhập. Ngoài các loại cây được chứng nhận theo tiêu chuẩn thì các loại cây khác chúng tôi cũng sản xuất theo hương an toàn, nâng cao hiệu quả, ổn định đầu ra”.
Càng ngày đồi hỏi của người tiêu dùng về vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng sản phẩm càng cao, do đó việc phát triển nông nghiệp hữu cơ là bước đi cần thiết để đáp ứng với yêu cầu. Với sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương, sự đồng thuận cao của người nông dân Vĩnh Thủy, hy vọng rằng ngày càng có nhiều sản phẩm nông nghiệp sạch được hình thành và khẳng định được thương hiệu của mình.