Tiếp tục tập trung các nguồn lực đầu tư cho miền núi

Đan Tâm |

Trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, đợt mưa lũ kéo dài trong tháng 10 vừa qua đã gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản, công trình hạ tầng giao thông, thủy lợi, thông tin liên lạc, hệ thống điện... Chỉ tính riêng sản xuất nông nghiệp và hạ tầng nông nghiệp, tổn thất ước tính gần 3.000 tỉ đồng. Đặc biệt, khu vực miền núi của tỉnh là nơi chịu thiệt hại hết sức lớn trong đợt mưa lũ, sạt lở đất mà việc triển khai khắc phục sẽ còn kéo dài nhiều năm và cần đến nguồn kinh phí rất lớn. Do vậy, việc tiếp tục tập trung các nguồn lực đầu tư cho các huyện miền núi của tỉnh đang đặt ra rất cấp thiết.

Trong đợt lũ lụt liên tiếp vừa qua, huyện Hướng Hóa là địa phương bị thiệt hại nặng nề về người, tài sản. Tính đến ngày 30/10/2020, trên địa bàn huyện có nhiều người chết và bị thương, mất tích, 63 nhà bị nước cuốn trôi, cuốn sập, 782 nhà bị hư hỏng, nhiều điểm trường, trạm y tế bị ngập lụt, nhiều trang thiết bị hư hỏng hoàn toàn, các tuyến đường nhánh Tây đường Hồ Chí Minh, tuyến tỉnh lộ Tân Long - Lìa, tỉnh lộ 587 có nhiều điểm sạt lở và ngập lụt gây chia cắt, 608 ha lúa bị vùi lấp, 1.480 ha hoa màu, 241 ha cây trồng lâu năm bị hư hại, 377 con gia súc, 3.437 con gia cầm bị chết. Uớc tính thiệt hại hơn 700 tỉ đồng.

Hai bờ sông Ra Lây, xã Ba Nang, huyện Đakrông bị xói lở nặng do lũ lớn - Ảnh: Văn Tiến​
Hai bờ sông Ra Lây, xã Ba Nang, huyện Đakrông bị xói lở nặng do lũ lớn - Ảnh: Văn Tiến​

Cũng trong đợt mưa lũ này, huyện Đakrông có 2 người chết, hàng trăm nhà dân bị ngập sâu trong nước lũ, tốc mái, đổ sập. Các loại gia súc, gia cầm, cá nuôi ở các xã trọng điểm của lũ lụt hầu như bị cuốn trôi. Nhiều diện tích hoa màu, lúa, cây ăn quả bị vùi lấp. Đặc biệt, hệ thống giao thông từ quốc lộ, tỉnh lộ, huyện lộ đến đường liên thôn, nội thôn của các xã trên địa bàn bị hư hại rất lớn, ước thiệt hại trên 320 tỉ đồng. Các công trình thủy lợi, nước sinh hoạt, trường học, hệ thống điện và viễn thông, các thiết chế về văn hóa… cũng bị lũ lụt tàn phá hết sức nghiêm trọng.

Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh được xác định là địa bàn có vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế, quốc phòng - an ninh tuyến biên giới Việt - Lào, có diện tích tự nhiên trên 313.000 ha, chiếm 68% diện tích tự nhiên của tỉnh. Toàn vùng có 44 xã, thị trấn, trong đó có 38 xã là nơi sinh sống của cộng đồng 2 dân tộc Vân Kiều và Pa Kô với 19.263 hộ, 87.218 khẩu (chiếm tỉ lệ 14% dân số toàn tỉnh). Phân định theo khu vực phát triển, vùng dân tộc thiểu số có 1 xã khu vực I, 13 xã khu vực II, 24 xã khu vực III; 28 xã, 27 thôn bản đặc biệt khó khăn và huyện Đakrông là địa bàn được hỗ trợ đầu tư của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020. Tỉ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số hằng năm luôn ở mức cao (năm 2019 là 43,97%, tỉ lệ hộ nghèo toàn tỉnh là 8,08%); 45% số xã có tỉ lệ hộ nghèo trên 40%; thu nhập bình quân đầu người cuối năm 2019 là 20,5 triệu đồng (chỉ bằng 1/2 thu nhập bình quân chung của cả tỉnh).

Thị trường tiêu thụ, giá bán nông sản không ổn định làm cho người dân không yên tâm đầu tư sản xuất và tạo nguồn sinh kế bền vững. Nhu cầu giải quyết lao động cao nhưng thiếu việc làm ổn định theo ngành nghề được đào tạo tại địa phương. Cơ sở hạ tầng được xây dựng khá đồng bộ từ các chương trình, dự án nhưng qua thời gian và tác động biến đổi khí hậu, môi trường đã làm giảm chất lượng và công năng phục vụ. Một số xã chưa hoàn thiện đường từ trung tâm về đến thôn bản (xã Hướng Sơn, huyện Hướng Hóa; xã Vĩnh Ô, huyện Vĩnh Linh).

Trong đợt lũ lụt kèm theo sạt lở đất vừa qua, hầu như các xã trên địa bàn miền núi của tỉnh đều bị ảnh hưởng, có nơi chịu hậu quả rất nghiêm trọng về người, tài sản, cơ sở hạ tầng. Trong điều kiện có đến 28 xã đặc biệt khó khăn, huyện Đakrông là một trong những huyện nghèo của cả nước thì khó khăn càng thêm chồng chất. Công tác xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống cho đồng bào các dân tộc thiểu số, đảm bảo an sinh xã hội ở một số địa phương thuộc địa bàn miền núi của tỉnh hầu như phải bắt tay triển khai lại từ đầu.

Để giúp các địa phương miền núi khắc phục khó khăn, ổn định đời sống trước mắt, tỉnh cần ưu tiên đầu tư ngân sách, tập trung nguồn lực để tái thiết hệ thống giao thông. Trong phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh, bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia, hệ thống giao thông đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Sau đợt lũ lụt, sạt lở đất vừa qua, tỉnh cần chỉ đạo ngành chức năng đẩy nhanh tiến độ, giải tỏa tình trạng ách tắc, nhanh chóng kết nối, thông thương với địa bàn vùng sâu, vùng xa, nhất là địa bàn từng bị chia cắt, cô lập để tạo thuận lợi trong công tác cứu trợ, hỗ trợ, khắc phục thiệt hại, từng bước tổ chức sản xuất, ổn định đời sống cho Nhân dân.

Cùng với đó là khôi phục hệ thống thủy lợi, cung cấp nước sạch, điện, các cơ sở hạ tầng thiết yếu khác. Hỗ trợ lương thực cho người dân ở những vùng chưa thể triển khai sinh kế do ảnh hưởng của lũ lụt, sạt lở đất. Có chính sách hỗ trợ vốn, phổ biến kiến thức, phương pháp tổ chức sản xuất, kinh doanh sản phẩm phù hợp với điều kiện tự nhiên, xã hội và phong tục, tập quán của đồng bào. Tiếp tục thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, chú trọng chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Bảo đảm cơ sở vật chất, trường học, đội ngũ giáo viên, nâng cao chất lượng giáo dục và dân trí cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Về lâu dài, đối với khu vực dân cư ở miền núi, tỉnh cần chỉ đạo các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện dự án di dời khẩn cấp dân cư tại các điểm có nguy cơ cao về lũ quét, sạt lở đất, phấn đấu đến năm 2025 cơ bản toàn bộ số hộ dân cần di dời khẩn cấp được bố trí đến nơi an toàn. Cùng với đó là tạo sinh kế bền vững, hiệu quả cho người dân tại nơi ở mới một cách đồng bộ, từ hỗ trợ xây dựng nhà ở, tư liệu sản xuất, giống cây trồng, vật nuôi đến đào tạo nghề, chuyển giao khoa học- kỹ thuật, ngành nghề sản xuất mới phù hợp với địa bàn và khả năng canh tác, áp dụng của người dân...

Tỉnh và cơ quan chức năng cần rà soát và xử lý tốt các điểm sạt lở, đồng thời có phương án gia cố tạm thời để không gây nguy hiểm cho người dân. Tập trung xây dựng các phương án ứng phó hiệu quả; nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo; lập bản đồ cảnh báo nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, ngập lụt. Rà soát quy hoạch dân cư, cơ sở hạ tầng bảo đảm giảm thiểu tác động do thiên tai gây ra. Quy hoạch bố trí dân cư phù hợp với từng địa bàn và tập quán sản xuất theo hướng thuận lợi, an toàn cho người dân. Kiện toàn bộ máy phòng, chống thiên tai tại các địa phương miền núi, trang bị thêm các phương tiện, thiết bị cần thiết. Lựa chọn một số dự án ưu tiên đầu tư để nâng cao năng lực chủ động phòng, chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tiến hành hướng dẫn, tuyên truyền đối với người dân địa phương về cách ứng phó, giảm thiểu thiệt hại của sạt lở đất đá khi có cảnh báo cũng như trong mỗi mùa mưa bão. Hưởng ứng sáng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trồng 1 tỉ cây xanh trong 5 năm tới, các địa phương miền núi của tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh trồng rừng phòng hộ, khôi phục rừng tự nhiên, hạn chế xây dựng, quy hoạch dân cư tại những khu vực được đánh giá có nguy cơ cao, mật độ sạt lở xảy ra nhiều. Đi kèm với đó là chú trọng công tác bảo vệ rừng, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm phá rừng, nâng cao chất lượng rừng, vận hành hiệu quả hồ chứa nước, bảo đảm an toàn cho sản xuất và đời sống của người dân.

Một điều quan trọng là để thúc đẩy kinh tế- xã hội vùng miền núi, biên giới của tỉnh phát triển, cần củng cố, kiện toàn, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là ở cơ sở. Thực hiện tốt công tác xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ, đảng viên ở khu vực biên giới, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số vững mạnh, làm nòng cốt, đi đầu trong bảo vệ an ninh biên giới, gương mẫu trong phát triển sản xuất, tạo dựng cuộc sống và là chỗ dựa vững chắc của Nhân dân khi có thiên tai, hoạn nạn. Có cơ chế chính sách đãi ngộ thỏa đáng để phát huy tốt vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng dân cư vận động Nhân dân tham gia bảo vệ biên giới quốc gia; nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện các phong trào thi đua phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, cải thiện cuộc sống, vì mục tiêu xây dựng khu vực miền núi, biên giới của tỉnh Quảng Trị ngày càng phát triển bền vững.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Vùng rốn lũ Ba Lòng khắc phục hậu quả lũ lụt

Trường Nhật |

Trong đợt mưa lũ vừa qua, Ba Lòng là một trong những xã miền núi của huyện Đakrông (Quảng Trị) bị thiệt hại đặc biệt nặng nề. Gần 400 ngôi nhà bị ngập nước nơi ngập sâu nhất hơn 5 mét, 400 héc ta đất màu bị vùi lấp và khoảng hơn một nửa bị bồi lấp nặng, nhiều tuyến đường bị chia cắt. Tuy vậy, chính quyền và Nhân dân xã Ba Lòng không trông chờ, ỷ lại sự giúp đỡ của Nhà nước mà chủ động, khắc phục hậu quả thiên tai, sớm ổn định cuộc sống.

Bộn bề công việc khôi phục sản xuất sau lũ lụt

Thanh Trúc |

Nhiều diện tích đất sản xuất bị bồi lấp, thay đổi hiện trạng; nguồn giống cây trồng, vật nuôi thiếu hụt; ô nhiễm môi trường; hạ tầng thiết yếu trong nông nghiệp bị thiệt hại nặng nề; hầu hết các hộ gia đình khu vực nông thôn không có thu nhập trong thời gian trước mắt... đó là hậu quả nghiêm trọng sau bốn trận lũ lịch sử vừa qua đối với sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Qua thiên tai, nông dân trong tỉnh đang chuẩn bị bước vào vụ mùa mới với nỗ lực vượt bậc giữa bộn bề khó khăn, thách thức...

Trao quà cho học sinh vùng lũ lụt

An Phong |

Hôm nay 20/11/2020, Hội Khuyến học tỉnh Quảng Trị tổ chức trao quà cho học sinh bị ảnh hưởng lũ lụt trên địa bàn huyện Triệu Phong, Cam Lộ.

Trao quà giúp lực lượng biên giới Lào khắc phục hậu quả bão lụt

Bích Liên |

Ngày 19/11/2020, tại Cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo, Cửa khẩu Quốc tế La Lay, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị tổ chức trao quà hỗ trợ khắc phục hậu quả bão lụt cho nhân dân, Bộ Chỉ huy Quân sự và Ty an ninh các tỉnh Savannakhet, Salavan, nước CHDCND Lào.