Từ vùng chiến địa năm xưa đến miền quê đáng sống

Đan Tâm |

Những ngày này cách đây 48 năm về trước, quân và dân Cam Lộ (Quảng Trị) đã phối hợp với bộ đội chủ lực liên tiếp tấn công địch và thu được thắng lợi to lớn từ phong trào đồng khởi, diệt ác, phá kềm, tấn công nổi dậy, giành quyền làm chủ, khiến cho Mỹ- ngụy từ hoang mang giao động đến suy sụp toàn diện, mà đỉnh cao là chiến dịch mùa xuân lịch sử, giải phóng hoàn toàn quê hương Cam Lộ vào ngày 2/4/1972.

Gian hàng nông sản xã Cam Thủy tham gia hội chợ triển lãm hàng nông sản huyện Cam Lộ. Ảnh: ĐT
Gian hàng nông sản xã Cam Thủy tham gia hội chợ triển lãm hàng nông sản huyện Cam Lộ. Ảnh: ĐT

Gần nửa thế kỷ trôi qua, bước ra từ hoang tàn, đổ nát, phát huy truyền thống anh hùng cách mạng, bằng tinh thần đoàn kết, sáng tạo, ý chí và khí phách quật cường, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Cam Lộ đã thu được những thành tựu đáng tự hào trong tiến trình xây dựng quê hương đổi mới.

Địa bàn chiến lược quan trọng

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, địa bàn huyện Cam Lộ có vị trí chiến lược về chính trị và quân sự. Đây là nơi tập trung nhiều đầu mối giao thông quan trọng như Quốc lộ 1, đường sắt Bắc- Nam, Quốc lộ 9, có sông Hiếu nối liền cảng Đông Hà và Cửa Việt. Với địa hình bán sơn địa, Cam Lộ có vành đai đồi núi bao bọc với nhiều cứ điểm trọng yếu nằm dọc theo Quốc lộ 9 như Đầu Mầu, cao điểm 544, 241, Đồi Tròn, Động Toàn, căn cứ Phu Lơ của địch tạo thành hệ thống liên hoàn nối liền với dãy Trường Sơn qua đất bạn Lào. Toàn bộ địa bàn Cam Lộ nằm trọn trên tuyến phòng thủ vòng ngoài mà Mỹ- ngụy đã xây dựng ở bờ Nam sông Bến Hải. Đối với ta, Cam Lộ là địa bàn chiến lược, nơi đứng chân của các lực lượng kháng chiến, là cầu nối với miền Bắc xã hội chủ nghĩa, là gọng kìm uy hiếp địch ở mặt trận phía Tây của tỉnh Quảng Trị.

Trong đợt tiến công chiến lược lần thứ nhất trên chiến trường Quảng Trị năm 1972, Cam Lộ được xác định là địa bàn trực tiếp tác chiến và chiến đấu. Vì vậy, ngay sau khi nhận được lệnh, quân và dân Cam Lộ dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Huyện ủy đã tích cực chuẩn bị nhân lực, vật lực, bố trí lực lượng, phối hợp với bộ đội chủ lực sẵn sàng chiến đấu. Đúng 11 giờ 30 phút ngày 30/3/1972, khi pháo binh của ta đồng loạt nổ súng vào các căn cứ phòng ngự của địch, bộ đội địa phương và du kích Cam Lộ đã tích cực phối hợp với bộ đội chủ lực tấn công dồn dập vào các cứ điểm quan trọng của địch. Bị đánh bất ngờ, quân ngụy đồn trú ở các căn cứ này vô cùng hoang mang, toàn bộ tuyến phòng thủ bị tê liệt.

Trên đà chiến thắng, lực lượng vũ trang địa phương, đặc biệt là các đội du kích Cam Giang, Cam Thanh, Cam Thủy, Cam Mỹ… đã chủ động, phối hợp phát động quần chúng nhân dân nổi dậy đánh địch từ bên trong. Bị đánh bất ngờ từ hai phía, địch tìm cách tháo chạy về Đông Hà. Tại trục Quốc lộ 9, du kích Cam Hiếu, Cam Thủy phối hợp với an ninh huyện tiến hành giải phóng khu tập trung Vĩnh Đại, chia cắt tuyến giao thông quan trọng, không cho địch tiếp ứng với mặt trận phía Tây và ngăn không cho địch rút chạy về Đông Hà. Trên hướng tấn công, du kích Cam Mỹ phối hợp với Trung đoàn 48, Sư đoàn 320B đánh tiêu diệt các vị trí của địch ở Quật Xá, cầu Đuồi, An Mỹ và nhanh chóng chuyển sang bao vây Chi khu Cam Lộ. Bên trong, quần chúng nhân dân đồng loạt nổi dậy. Trước sức ép tấn công mạnh mẽ của quân và dân ta, từ bên trong và bên ngoài, ngụy quyền ở Cam Lộ buộc phải đầu hàng. Đúng 16 giờ ngày 2/4/1972, cờ cách mạng tung bay trên bầu trời Cam Lộ, đánh dấu thời khắc quê hương Cam Lộ hoàn toàn giải phóng.

Để có được chiến thắng vinh quang này, 975 người con của Cam Lộ đã ngã xuống, được suy tôn liệt sĩ, 425 thương binh. Các thôn làng trù mật của Cam Lộ bị bom đạn tàn phá nặng nề. Không một mái nhà còn nguyên vẹn. Ruộng vườn hoang hóa, đất đai dày đặc bom mìn và dây kẽm gai. Vừa ra sức chiến đấu bảo vệ vùng giải phóng, quân dân Cam Lộ vừa tích cực tăng gia, sản xuất, bắt tay xây dựng lại quê hương từ xuất phát điểm bằng không, trong muôn vàn khó khăn, thách thức.

Đất trăm nghề

48 năm trôi qua kể từ ngày quê hương được giải phóng, gần 30 năm huyện được lập lại, nhất là từ khi Cam Lộ triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã mang lại sự đột phá toàn diện, khai phá những điểm mới, cả về nhận thức, cách thức triển khai, thực hiện. Nông thôn, nông nghiệp của huyện đã có sự dịch chuyển theo hướng bền vững, hiệu quả, đời sống người dân được cải thiện rõ rệt hơn so với trước. Với vị thế là địa phương đi đầu xây dựng huyện nông thôn mới ở tỉnh Quảng Trị, Cam Lộ đang có bước phát triển vượt bậc về nhiều mặt trên hành trình đổi mới.

Để từng bước thoát khỏi nền kinh tế chủ yếu là thuần nông, chậm phát triển như lâu nay, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XV về chiến lược phát triển kinh tế và chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2015 - 2020 có tính đến năm 2025 đã hướng đến mục tiêu là xây dựng một nền nông nghiệp bền vững, đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Từ một địa phương gặp khó khăn về nước tưới cho sản xuất, hiện Cam Lộ cơ bản đã có hệ thống tưới tiêu khá hoàn chỉnh. Năng suất lúa bình quân tăng từ 42,2 tạ/ha năm 2010 lên trên 58,4 tạ/ha; cơ cấu giống lúa chất lượng cao chiếm gần 90% tổng diện tích, đảm bảo an ninh lương thực và một phần làm hàng hóa. Huyện hiện có diện tích cao su đưa vào khai thác trên 3.000 ha, năng suất mủ DRC bình quân 12 tạ/ha, sản lượng đạt trên 3.600 tấn/năm. Năng suất cây hồ tiêu đưa vào phục hồi, năng suất cao hơn so với tập quán người dân sản xuất bình quân từ 4 - 6 tạ/ha, tăng 1,6 - 1,8 lần, tiêu điểm có mô hình thâm canh đạt trên 30 tạ/ha, góp phần đưa năng suất bình quân hằng năm trên toàn huyện 12,5tạ/ha. Năng suất lạc bình quân 17,5 tạ/ha; sản lượng lạc 2tăng bình quân hằng năm trên 4,3%; 300 - 500 ha luân canh và xen canh các cây trồng khác, nâng thu nhập bình quân từ 70 - 80 triệu đồng/ha. Tỉ lệ bò lai trong tổng đàn đạt gần 62,5%, đặc biệt một số vùng bãi bồi ven sông Hiếu, vùng đồng bằng, tỉ lệ bò lai lên đến 65 - 75%, có nơi lên đến 100%.

Nhờ kiên trì chủ trương phát triển nông nghiệp gắn với chế biến, kêu gọi thu hút các doanh nghiệp đầu tư liên kết chế biến tiêu thụ một số nông sản chủ lực, quan tâm khuyến khích hỗ trợ công nhận làng nghề truyền thống và xây dựng làng nghề mới đã góp phần hình thành, phát triển một số nông sản đặc sản trên địa bàn. Đó là tinh bột sắn An Thái, mủ cao su chế biến ở Nhà máy chế biến cao su Cam Lộ, tinh dầu lạc Từ Phong. Hình thành làng nghề nấu cao dược liệu Định Sơn, phát triển làng nghề truyền thống bún Cẩm Thạch, nghề chế biến tinh bột nghệ ở vùng Cùa, làng ươm giống cây lâm nghiệp An Mỹ. Thu hút 20 doanh nghiệp chế biến gỗ rừng trồng hoạt động thường xuyên tại 3 cụm công nghiệp của huyện. Đến nay, những sản phẩm tiêu biểu của huyện như tinh dầu lạc SUPER GREEN của Công ty TNHH MTV Từ Phong; cao dược liệu của Công ty TNHH Cao dược liệu Định Sơn Mai Thị Thủy; tiêu Cùa của HTX Nông nghiệp dịch vụ Hồ tiêu Cùa, cà gai leo An Xuân cùng hơn 24 sản phẩm đặc sản nông sản khác đã có mặt trên thị trường, được các trung tâm thương mại lớn của cả nước nhận tiêu thụ, được người tiêu dùng đón nhận.

Đặc biệt, từ khi đề án “Nâng cao hiệu quả sản xuất các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa có thế mạnh của địa phương giai đoạn 2016-2020” được triển khai, gắn với chương trình “Mỗi xã một sản phẩm (OCOP)”, UBND huyện đã tập trung hỗ trợ nhiều mặt để các sản phẩm có thế mạnh của huyện phát triển. Đó là sản phẩm tinh bột sắn dây của nhóm hộ xã Cam Chính; ổi Tân Trúc của nhóm hộ xã Cam Hiếu, gạo sạch Cam An của HTX Nông nghiệp Cam An, sản phẩm gà Cùa của nhóm hộ xã Cam Nghĩa; sản phẩm hồ tiêu của HTX Hồ tiêu Cùa; chế biến miến gạo của nhóm hộ thị trấn Cam Lộ

Có thể thấy, lộ trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới ở Cam Lộ đã góp phần hình thành những miền quê xanh, sạch, đẹp, tình làng nghĩa xóm được thắt chặt, môi trường sống trong lành, an ninh chính trị bảo đảm. Từng hộ dân đã nhẫn nại vượt qua nghèo khó, vươn tới khá giả nhờ khai thác thế mạnh của từng gia đình, địa phương. Màu xanh sự sống đã khỏa lấp dấu tích chiến tranh thuở nào. Nhờ những quyết sách thích ứng và hiệu quả trong phát triển kinh tế- xã hội, cùng với sự đồng lòng, chung sức của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân, Cam Lộ đang ngày càng có những bước tiến vững chắc trên hành trình đổi mới, phát triển, xứng danh là vùng đất anh hùng.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Mưu sinh trong thời điểm khó khăn

Huy Nam |

Đại dịch COVID - 19 đang tác động tiêu cực đến mọi mặt của đời sống xã hội, trong đó có nhiều người thu nhập bị sụt giảm hoặc mất việc khiến sinh hoạt hằng ngày của họ gặp không ít khó khăn. Để thích ứng với hoàn cảnh, họ phải tìm công việc khác để mưu sinh.

200 tỉ đồng đầu tư khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp ven biển

Tiến Nhất |

Ngày 30.3.2020, UBND tỉnh Quảng Trị ban hành Quyết định số 860/QĐ-UBND về việc cấp quyết định chủ trương đầu tư cho Công ty TNHH Mạnh Cường thực hiện dự án Khu Du lịch sinh thái nghỉ dưỡng cao cấp Giang Hải với tổng vốn đầu tư 200 tỉ đồng.

Nhân rộng mô hình “Bơ sáp Quảng Trị”

Mai Trang – Minh Dương |

Quảng Trị vốn có giống cây bơ sáp tại các vùng đồng bằng Gio Linh, Vĩnh Linh (Quảng Trị) nổi tiếng về độ dẻo, ngon, tuy nhiên chất lượng chưa đồng đều, năng suất còn thấp và chưa có thương hiệu riêng. 

Sẽ có nhà máy nhiệt điện khí trị giá gần 300 triệu USD ở Quảng Trị

Nguyễn Đức Tân |

Thủ tướng Chính phủ vừa có văn bản đồng ý giao Công ty Gazprom International (công ty con của Tập đoàn Gazprom – Liên bang Nga) làm chủ đầu tư dự án nhà máy nhiệt điện khí Quảng Trị theo hình thức Hợp đồng Xây dựng – Kinh doanh- Chuyển giao (Hợp đồng BOT) tại Khu Kinh tế Đông Nam Quảng Trị.