Rác là một trong những tác nhân gây ô nhiễm môi trường, một vấn nạn được toàn xã hội quan tâm nhưng không phải ai cũng có ý thức để nhặt từng mãnh rác, túi ni lon như ông Vỗ Bun ở thôn Kỳ Tăng xã Lìa huyện Hướng Hóa (Quảng Trị). Hành động ý nghĩa của ông đang dần lan tỏa, nhận được sự hưởng ứng, đồng hành của những bạn trẻ tại địa phương.
Đã 3 năm nay, người dân tại thôn Kỳ Tăng, xã Lìa, huyện Hướng Hóa đã quá quen thuộc với hình ảnh của ông Vỗ Bun dù đã 77 tuổi nhưng vẫn tích cực nhặt từng mảnh rác để làm đẹp bản làng của mình. Bất kể nắng hay mưa ông vẫn âm thầm làm công việc của mình một cách kiên trì. Điều đáng trân quý ở ông Vỗ Bun là dù gia đình khó khăn, bản thân lại hay đau ốm nhưng ông vẫn tự nguyện nhặt rác dù không nhận một khoản lương nào.
Ông Vỗ Bun, thôn Kỳ Nơi, xã Lìa chia sẻ: “Trước đây tôi thấy bà con mình vứt rác rất nhiều, làm môi trường ô nhiễm, rác thải bay lung tung. Con bò ăn vào là chết; người lớn, trẻ nhỏ không có chỗ để chơi. Vì thế, tôi đã quyết định đi gom nhặt rác đóng góp một chút sức lực của mình để góp phần bảo vệ môi trường, thay đổi suy nghĩ của bà con mình”.
Thấy được việc làm ý nghĩa của ông Vỗ Bun nên người dân dần dần thay đổi nhận thức bằng cách hạn chế vứt rác bừa bãi, thay đổi thói quen chăn nuôi dưới sàn nhà. Đồng thời, tự dọn rác sạch sẽ trước nhà, trong vườn. Bên cạnh đó, nhiều bạn trẻ đã cùng ông chung tay làm vệ sinh tại các nơi công cộng như nhà văn hóa, đường liên thôn. Qua đó, đã góp sức làm nên một bản làng sạch đẹp, giúp cho người lớn có không gian sinh sống văn minh, trẻ con có chỗ nô đùa.
Ông Hồ Văn Phở, thôn Kỳ Nơi xã Lìa cho biết: “Chúng tôi rất ngại vì mình là thanh niên nhưng không làm được việc vì cộng đồng như ông Vỗ Bun dù ông đã nhiều tuổi và sức lực cũng không còn mạnh. Chính sự gương mẫu của ông mà chúng tôi đã thay đổi chính mình, không còn thói quen vứt rác bừa bãi nữa và còn giúp sức cùng ông làm sạch môi trường”.
Câu chuyện mộc mạc về ông Vỗ Bun tự nguyện nhặt rác thải nhựa là câu chuyện đẹp giữa đời thường, được viết lên bằng những hành động và việc làm tốt đẹp. Phần thưởng lớn nhất dành cho ông chính là sự kính trọng của người dân trong thôn về việc làm tử tế, thầm lặng góp sức vì cuộc sống cộng đồng.
(Nguồn: QRTV)