Mặc dù là vùng quê thuần nông nhưng hơn 5 thế kỷ qua, làng Nại Cửu, xã Triệu Thành (trước đây thuộc xã Triệu Đông), huyện Triệu Phong (Quảng Trị) có rất nhiều thành tựu, nhất là trong lĩnh vực văn hóa - giáo dục. Nhiều con em trong làng nổi tiếng bởi tinh thần hiếu học, đỗ đạt cao, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng quê hương, đất nước. Trải qua nhiều thế hệ, người dân nơi đây luôn động viên nhau gìn giữ và bồi đắp truyền thống quý báu này.
Theo các bậc cao niên trong làng Nại Cửu, xưa làng có 6 dòng họ gồm: Lê, Nguyễn, Võ, Hoàng, Phan và Trần đã cùng nhau xây dựng, lưu lại bề dày lịch sử, tạo nên cộng đồng làng Nại Cửu hôm nay. Trong gia phả của các dòng họ, nhiều vị đỗ đạt và làm quan ở các triều đại phong kiến, trở thành niềm tự hào của hậu thế. Đó là tiến sĩ Trần Văn Thoại, tức Trần Gia Thụy, làm quan Thượng thư Bộ Lễ, đời vua Lê Hiển Tông; cử nhân Lê Trọng Điều làm quan phủ đời vua Minh Mạng; cử nhân Nguyễn Đức Nghi làm Tham tri Bộ Lễ thời vua Tự Đức; ông Võ Tử Văn, đỗ Phó bảng thời Tự Đức, được tôn “Bậc thơ thánh thổ thần”, là Thái tử Thiếu bảo văn minh điện học sĩ, một chủ khoa tài ba…
Thời hiện đại, nhiều người làng Nại Cửu cũng được cả nước biết đến nhờ nhiều người học hành đỗ đạt, thành tài. Tiêu biểu như nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Quỳnh; nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại thương Lê Lăng; ông Hoàng Hữu Bình, tiến sĩ Cục Hóa chất và nhiều vị có chức sắc, học hàm, học vị khác. Các bậc hiền tài ở mỗi dòng họ đều là gương sáng để hậu thế phấn đấu và noi theo.
Người làng Nại Cửu luôn có đức tính cần cù, ham học hỏi. Mỗi gia đình, mỗi dòng họ đều nêu cao tinh thần dù khó khăn, vất vả đến đâu cũng gắng cho con cái học hành đến nơi, đến chốn. Gia đình ông Võ Văn An ở Đội 6 là một trong rất nhiều gia đình hiếu học ở làng Nại Cửu. Ông An có 4 người con thì có đến 3 người lần lượt đỗ đại học. Con gái đầu của ông An vừa tốt nghiệp loại giỏi, ngành Chăn nuôi - Thú y, Trường Đại học Nông Lâm Huế; con gái thứ hai hiện là sinh viên Trường Đại học Nông Lâm Huế; con gái thứ ba là sinh viên Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng và con trai út hiện đang là học sinh lớp 11. Các con của ông nhiều năm liền đều có thành tích học tập tốt.
Theo thống kê, toàn làng Nại Cửu hiện có 14 tiến sĩ, 28 thạc sĩ và hơn 200 sinh viên đang theo học ở các trường đại học trong và ngoài nước. Ông Trần Nhân Sinh, một người hiểu biết về lịch sử và truyền thống của làng Nại Cửu cho biết: “Ngay từ thuở khai canh lập làng, các vị tiền nhân khai khẩn làng Nại Cửu đã rất coi trọng việc học. Khoán ước, hương ước của làng quy định hằng năm trích một phần ruộng và sản phẩm hoa màu để làm giải thưởng cho người đỗ đạt, thành tài. Và cứ như thế, từ đời này sang đời khác, người dân làng chúng tôi trọng việc học, khuyến khích việc học bằng nhiều hoạt động về vật chất lẫn tinh thần. Đặc biệt, hơn 15 năm nay, mỗi lần nhân dịp tết Nguyên đán, Hội Khuyến học của làng tổ chức lễ Xuân thủ truyền thống và trao giải thưởng cho con em có thành tích cao trong học tập, rèn luyện để động viên, khích lệ, nhân lên tinh thần hiếu học của các gia đình, dòng họ”.
Lễ tế Xuân thủ là một trong ba lễ hội dân gian được làng Nại Cửu gìn giữ cho đến ngày nay. Lễ được tổ chức trang trọng tại đình làng, ngoài việc cầu mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an còn là dịp để người dân trong làng biểu dương tinh thần hiếu học của con em. Vào ngày mồng 6 tết Nguyên đán hằng năm, người dân trong làng lại tề tựu về đình làng để dự lễ tế Xuân thủ truyền thống và vinh danh, trao thưởng cho con em đỗ đạt, thành tài. Dịp này, làng Nại Cửu trao giải thưởng Võ Tử Văn cho những người có thành tích xuất sắc trong học tập và rèn luyện. Đây là giải thưởng mang tên người con ưu tú của làng. Mỗi gia đình, dòng họ đều hết sức tự hào khi con em mình được xướng tên khen thưởng. Em Trần Như Quỳnh, sinh viên Trường Đại học Kinh tế Huế, chia sẻ: “Em đã nhiều lần được nhận giải thưởng Võ Tử Văn của Hội Khuyến học làng Nại Cửu trao tặng. Mỗi lần đứng ở đình làng nhận giải là mỗi lần em lại có một cảm xúc khác nhau, rất vinh dự và tự hào. Em luôn tự nhủ sẽ nỗ lực học tập, rèn luyện hơn nữa để đầu năm sau lại được đứng ở đình làng và nhận phần thưởng cao quý này”.
Tại đình làng Nại Cửu, ngoài bàn thờ thần hoàng và các vị tổ tiên có công gây dựng làng còn có một nơi trang trọng gọi là bàn học sĩ để vinh danh các vị có chức sắc, học vị dù còn sống hay đã mất, vinh danh các con em trong làng học hành đỗ đạt, thành tài. Nhiều người con của làng thành danh trên các lĩnh vực hằng năm lại tìm về đình làng để dâng hương cầu nguyện, bày tỏ lòng thành kính trước bàn thờ tổ tiên. Tinh thần khuyến học, khuyến tài của người dân làng Nại Cửu rất đáng biểu dương. Trong làng, gia đình nào có hoàn cảnh khó khăn sẽ được quỹ khuyến học của làng, dòng họ hỗ trợ, giúp đỡ. Ông Trần Nuôi, đại diện Ban Khuyến học làng Nại Cửu, cho biết: “Để có kinh phí trao thưởng cho con em trong làng, chúng tôi vận động từ các tổ chức, cá nhân hảo tâm, các doanh nhân thành đạt xuất thân từ làng Nại Cửu. Nhiều người thành tài, thành đạt cũng rất quan tâm đến hoạt động khuyến học, khuyến tài và muốn giữ gìn, phát huy truyền thống hiếu học của làng nên đã tự nguyện đóng góp. Chúng tôi quyết tâm phát huy những kết quả đạt được trong công tác khuyến học, khuyến tài để ngày càng có nhiều con em Nại Cửu vượt khó vươn lên trong học tập và rèn luyện, trở thành người có ích cho quê hương, đất nước”.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)