Tạo vốn cho người dân phát triển kinh tế trong mùa dịch COVID-19.

Bá Thuần |

Cũng như nhiều nơi khác, từ khi dịch COVID-19 xảy ra, cuộc sống của người dân tại huyện Hải Lăng (Quảng Trị) bị ảnh hưởng về nhiều mặt, nhất là khó khăn trong sản xuất, chăn nuôi, kinh doanh, dịch vụ. Trước tình hình đó, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Hải Lăng đã huy động lực lượng về tận cơ sở, khảo sát thực tế và tiến hành cho các hộ gia đình vay vốn làm ăn.

Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Hải Lăng về tận hộ gia đình kiểm tra cho vay vốn
Cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Hải Lăng về tận hộ gia đình kiểm tra cho vay vốn

Anh Phạm Văn Việt ở xã Hải Hưng, huyện Hải Lăng tâm sự với chúng tôi rằng: Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, năm 2016 vào miền nam học nghề cơ khí và làm ăn tại đó, cuộc sống cơ bản ổn định. Thế nhưng, vừa rồi về quê nghỉ Tết, nghe thông tin dịch COVID-19 xảy ra ở thành phố Hồ Chí Minh, anh quyết định ở lại quê hương. Thông qua Hội Cựu chiến binh của xã, anh đã làm đơn vay vốn, mở cơ sở nhôm kính, chuyên gia công sản xuất các loại dụng cụ, thiết bị trang trí nội thất, phục vụ cho người dân trong vùng. Trong lúc đang khó khăn, chưa biết vay mượn ở đâu thì số tiền 50 triệu đồng Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho vay thật quý giá. Anh đã sử dụng đồng vốn này mua sắm thêm máy móc, dụng cụ, nguyên vật liệu, trong 3 tháng qua lúc nào cũng có người đến đặt hàng, việc làm ổn định và thu nhập cao hơn so với ở miền nam vì các loại chi phí lớn. Với tình hình như thế này khả năng anh sẽ ở lại quê hương, vay thêm vốn, lập nghiệp lâu dài.

Cựu chiến binh vay vốn nuôi gà thả vườn
Cựu chiến binh vay vốn nuôi gà thả vườn

 Không chỉ anh Việt, từ đầu năm 2020 đến nay, trên địa bàn Hải Lăng đã có 1054 hộ gia đình được vay tín dụng với lãi suất ưu đãi. Các tổ chức đoàn thể đã chủ động làm việc với Ngân hàng, làm tốt công tác nhận ủy thác, tín chấp, đưa vốn về cho hội viên, đoàn viên. Chị Lê Thị Thu Hòa, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện cho hay: Chúng tôi đã tập trung chỉ đạo các cấp Hội duy trì và phát triển mô hình nhóm tiết kiệm tín dụng, vừa hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống vừa làm cầu nối, tạo vốn cho cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Bên cạnh đó, phối hợp với các ngành chức năng, thường xuyên mở các lớp tập huấn kỹ thuật, dạy nghề. Điều rất phấn khởi là chị em  đã sử dụng vốn đúng mục đích và áp dụng những kiến thức được học vào thực tế, xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình mang lại giá trị kinh tế cao. Đặc biệt, toàn huyện đã thành lập được 44 tổ hợp tác và hợp tác xã nghề nghiệp với gần 750 thành viên tham gia. Các chị có cùng sở thích liên kết với nhau, chia sẻ kinh nghiệm, giúp nhau vốn, giống, giúp nhau làm nón lá, làm bánh đa, làm chổi đót, chế biến nước mắm, trồng ném, nuôi gà tahr vườn, may mặc, không chỉ năng suất, sản lượng cao hơn mà còn thuận lợi trong việc tìm kiếm thị trường, tiêu thụ sản phẩm, mang lại thu nhập ngày càng cao. Trong 3 tháng qua cũng như hiện nay, đứng trước những khó khăn do dịch COVID-19 gây ra, các cấp Hội đã và đang triển khai nhiều hoạt động thiết thực. Trên cơ sở rà soát thực tế, nắm bắt tình hình, tiếp tục làm tốt công tác nhận ủy thác, kịp thời đưa vốn về cho những hộ gia đình đang có nhu cầu, sản xuất, chăn nuôi, mở mang ngành nghề, vượt qua giai đoạn khó khăn trước mắt.

Vay vốn trồng mướp đắng trên vùng cát
Vay vốn trồng mướp đắng trên vùng cát

  Ông Ngô Thanh Hải, Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Hải Lăng cho biết: Với mục tiêu đảm bảo 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo có đủ điều kiện được vay vốn tín dụng ưu đãi, việc đầu tiên và quan trọng nhất là huy động vốn. Trong năm 2019 vừa qua, thông qua nhiều nguồn đã huy động được gần 348 tỷ đồng, tăng hơn 23,7 tỷ so với năm 2018, trong đó đáng chú ý là huy động tiền gửi tiết kiệm gần 52,6 tỷ đồng. Trên cơ sở đó, chúng tôi đã về trực tiếp tại cơ sở, phối hợp với chính quyền và các tổ chức đoàn thể, triển khai các hoạt động, giải ngân kịp thời, giúp cho hộ nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện sản xuất, chăn nuôi, mở mang ngành nghề, dịch vụ, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, xây dựng công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, kết quả toàn huyện có 4.041 hộ vay, nâng tổng dư nợ đến cuối năm 2019 đạt gần 347,3 tỷ đồng. Quá trình cho vay, chúng tôi đã cùng với các tổ chức đoàn thể khảo sát, đánh giá, ưu tiên bố trí vốn để nhân rộng 86 mô hình làm ăn kinh tế điển hình và có hiệu quả tại các địa phương. Bước sang năm 2020, chúng tôi chủ động tham mưu cho HĐND, UBND các cấp bố trí nguồn ngân sách địa phương ủy thác cho Ngân hàng chính sách xã hội và thực hiện đa dạng các hình thức huy động tiền gửi từ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn để tăng  nguồn vốn cho vay. Đồng thời giải ngân cho 1.054 hộ vay với doanh số gần 43 tỷ đồng, nâng tổng dư nợ đến hết tháng 3 hơn 361,3 tỷ đồng. Mặt khác, phối hợp với các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể nắm bắt tình hình thiệt hại, rủi ro của các đối tượng bị ảnh hưởng do dịch COVID-19 để có kế hoạch hướng dẫn làm các thủ tục, đề nghị xử lý nợ bị rủi ro theo quy định.

Vay vốn mở rộng mô hình nuôi thỏ
Vay vốn mở rộng mô hình nuôi thỏ

Hiện nay, dịch COVID-19 đang có những diễn biến phức tạp, ảnh hưởng rất lớn đến tình hình phát triển kinh tế xã hội và cuộc sống của mọi người dân. Hơn lúc nào hết, thấy rõ trách nhiệm của mình, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Hải Lăng đã và đang tìm mọi cách hỗ trợ, giúp đỡ cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách bằng nhiều việc làm thiết thực, nhất là tạo vốn để người dân phát triển kinh tế, có nguồn thu nhập ổn định.

(Nguồn: QRTV)

TAGS

Thủ tướng: Bảo đảm lương thực dư dả cho 100 triệu dân

Đức Tuân |

Ngày 31/3, chủ trì họp Thường trực Chính phủ về an ninh lương thực, Thủ tướng nêu rõ xuất khẩu là cần thiết, là thế mạnh của nước ta nhưng trong bối cảnh hiện nay thì xuất khẩu phải có kiểm soát để bảo đảm an ninh lương thực trên tinh thần thực hiện tốt Nghị định 107 của Chính phủ.

Đề nghị miễn phí qua trạm BOT Quảng Trị đối với xe vận chuyển công dân đến khu cách ly tập trung

Tiến Nhất |

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, ngày 31/3, UBND tỉnh Quảng Trị đã có công văn hỏa tốc gửi Công ty cổ phần Tập đoàn Trường Thịnh, Công ty TNHH BOT Quảng Trị về việc đề nghị miễn phí qua trạm BOT Quảng Trị đối với xe vận chuyển công dân đến khu cách ly tập trung.

Phòng chống tai nạn thương tích đặc biệt là tai nạn đuối nước cho trẻ em

Nguyễn Loan |

Do diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID - 19, thời gian này, học sinh trên cả nước nói chung và học sinh tại Quảng Trị nói riêng đang tạm nghỉ học để phòng tránh dịch bệnh, tuy nhiên thời tiết bắt đầu chuyển sang mùa hè, tại một số địa phương đã xảy ra các vụ tai nạn thương tích, đặc biệt là tai nạn đuối nước, gây nên những cái chết thương tâm của nhiều trẻ em. Đây là nỗi đau và mối lo không chỉ của riêng gia đình mà còn là của toàn xã hội.

Hỗ trợ nước uống đóng chai cho các lực lượng chống dịch COVID-19

Hưng Thơ |

Hơn 15.000 chai nước lọc đã được trao cho các địa điểm cách ly tập trung và các chốt canh dọc biên giới tỉnh Quảng Trị để phục vụ cho sinh hoạt của cán bộ, chiến sĩ, nhân viên y tế làm công tác phòng dịch COVID-19.