Tiếp sức để người dân vùng khó thoát nghèo bền vững

Kô Kăn Sương |

Thời gian qua, huyện Đakrông (Quảng Trị) đã tận dụng tối đa nguồn lực từ Chương trình 30a của Chính phủ, tích cực lồng ghép các nguồn vốn khác để đầu tư xây dựng nhiều công trình thiết yếu, thực hiện phong phú các mô hình thoát nghèo bền vững… 

Bên cạnh đó, người nghèo trên địa bàn nhận thức được trách nhiệm của mình và chủ động trong tiếp cận các chính sách, nguồn lực hỗ trợ của nhà nước, của cộng đồng để vươn lên thoát nghèo. Nhờ vậy, đời sống của người dân nơi đây từng bước được nâng cao, bộ mặt nông thôn miền núi không ngừng khởi sắc.

Nhiều người dân ở Đakrông được hỗ trợ phát triển sản xuất để giảm nghèo bền vững. Ảnh: KKS
Nhiều người dân ở Đakrông được hỗ trợ phát triển sản xuất để giảm nghèo bền vững. Ảnh: KKS

Để giúp người dân có điều kiện thoát nghèo, huyện Đakrông hỗ trợ sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững theo hướng sản xuất hàng hóa; triển khai thực hiện các mô hình phát triển sản xuất phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, góp phần làm thay đổi dần tập quán sản xuất lạc hậu của đồng bào dân tộc thiểu số, đồng thời hình thành các vùng sản xuất tập trung cây, con chủ lực của huyện. Trong đó, có nhiều mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao như trồng rừng sản xuất, trồng cao su tiểu điền, nuôi lợn bản, thâm canh lúa nước, thâm canh cây chuối, lâm sản ngoài gỗ, trồng thí điểm cây mắc ca…

Điển hình, để thực hiện mô hình trồng rừng sản xuất theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, từ năm 2009 đến nay huyện đã tiến hành hỗ trợ đầu tư 3.707,9 ha trên địa bàn các xã với tổng vốn hơn 17.160 triệu đồng. Qua đó, tạo vùng rừng nguyên liệu theo quy hoạch phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp và chuyển đổi cơ cấu sản xuất gắn với xây dựng nông thôn mới; góp phần tăng độ che phủ và cải thiện đời sống của người dân trên địa bàn. Được chương trình giảm nghèo ở địa phương hỗ trợ về vốn, kỹ thuật trồng rừng, gần 5 năm trước anh Hồ Văn Thịnh ở thôn A La, xã Ba Nang quyết định khai hoang 9 ha để trồng rừng sản xuất. Đến nay, diện tích rừng của gia đình anh phát triển tốt, chỉ trong thời gian ngắn nữa sẽ mang lại nguồn thu nhập khá.

Anh Thịnh chia sẻ: “Trước đây gia đình tôi chủ yếu trồng lúa rẫy nên năng suất thấp, nhiều năm mất mùa không đủ ăn. Được Đảng, Nhà nước quan tâm có nhiều chính sách hỗ trợ sản xuất, chúng tôi nhận thấy việc trồng rừng là rất phù hợp nên đã triển khai thực hiện mô hình này. Tôi hy vọng sắp tới khi số rừng trồng đưa vào khai thác sẽ giúp gia đình tôi thoát nghèo bền vững, có vốn để tiếp tục nhân rộng mô hình trồng rừng sản xuất, phát triển kinh tế hiệu quả”.

Từ Chương trình 30a, Chương trình 134, 135 của Chính phủ và các chương trình, dự án khác, huyện Đakrông đã hỗ trợ người dân giống cây trồng, vật nuôi, tham gia các lớp tập huấn về kiến thức chăn nuôi và trồng trọt, làm chuồng trại chăn nuôi, máy móc, dụng cụ sản xuất (máy tuốt lúa đạp chân có gắn động cơ xăng, máy xay xát lúa và nghiền ngô, máy gieo lạc, lưỡi cuốc, xẻng…), giúp người có điều kiện chuyển từ hình thức sản xuất quảng canh sang sản xuất bán thâm canh và thâm canh. Nhờ vậy, năng suất cây trồng ở các vùng hưởng lợi đều tăng lên qua các năm. Chăn nuôi có chuồng trại và chủ động được nguồn thức ăn nên hạn chế tình trạng gia súc bị gầy yếu và chết trong những đợt rét đậm, rét hại. Máy móc hỗ trợ kịp thời để nâng cao hiệu quả sản xuất, giải phóng dần sức lao động cho người dân.

Đến nay, trên địa bàn huyện có 348 hộ và 2 cộng đồng tham gia các mô hình phát triển sản xuất, giúp người dân thay đổi cách làm cũng như tư duy sản xuất, tạo thu nhập, cải thiện đời sống. Các chính sách hỗ trợ xuất khẩu lao động cũng được triển khai thực hiện sâu rộng đến từng thôn, khóm. Tính đến cuối năm 2019, toàn huyện có 746 lao động được gửi đi đào tạo, trong đó có 589 người đồng bào dân tộc thiểu số, 149 lao động thuộc diện hộ nghèo; đã xuất cảnh được 594 lao động sang các thị trường Nhật Bản, Malaixia, Hàn Quốc, Đài Loan… Đa số người tham gia xuất khẩu lao động được đào tạo nghề, có thu nhập gửi về phụ giúp gia đình. Các chính sách về giáo dục, y tế, chăm sóc sức khỏe, nhà ở, trợ giúp pháp lý, tín dụng, ưu đãi, hỗ trợ người nghèo hưởng thụ văn hóa, thông tin… được cấp ủy, chính quyền quan tâm thực hiện. Nhờ vậy tỉ lệ thiếu hụt khả năng tiếp cận dịch vụ y tế ở huyện giảm từ 4,61% năm 2016 xuống còn 1,81% năm 2019 và không còn người thiếu hụt về bảo hiểm y tế; thiếu hụt về trình độ giáo dục của người lớn giảm từ 41,9% năm 2016 xuống còn 15,74% năm 2019, tình trạng bỏ học của trẻ em giảm từ 12,1% năm 2016 xuống còn 1,13% năm 2019.

Chất lượng về nhà ở được cải thiện, năm 2016 thiếu hụt về chất lượng nhà ở 58,3% đến cuối năm 2019 giảm còn 36,77%. Qua thực hiện chương trình giảm nghèo, cơ sở hạ tầng ở Đakrông được đầu tư khá đồng bộ, phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội và dân sinh. Trong giai đoạn 2009 - 2020, huyện đã đầu tư 143 công trình với tổng kinh phí 431.706 tỉ đồng. Ngoài ra, huyện còn bố trí vốn chuẩn bị đầu tư và lồng ghép các nguồn vốn khác 18 công trình với tổng kinh phí 18.674 tỉ đồng.

Nhờ tích cực hỗ trợ phát triển sản xuất, giải quyết lao động, đầu tư cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện về đất đai và các vấn đề an sinh xã hội nên đời sống người dân ở Đakrông được cải thiện đáng kể, tỉ lệ hộ nghèo giảm dần qua các năm. Riêng trong giai đoan 2011 - 2016, bình quân tỉ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm 5,43%/ năm, giai đoạn 2016 - 2020, giảm 5,7%/ năm; thu nhập bình quân đầu người tăng từ 2,5 triệu đồng/người/năm (2018) đạt 14,5 triệu đồng/người/năm (năm 2019).

Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Đakrông Hồ Thị Kim Cúc cho biết: “Thời gian tới, huyện Đakrông tiếp tục tập trung lồng ghép các nguồn lực của chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới để triển khai công tác xóa đói giảm nghèo ở cơ sở. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả một số hạng mục của Nghị quyết 30a và Chương trình 135, kết nối với các chương trình, dự án khác, trong đó chú trọng chính sách hỗ trợ phát triển rừng trồng; hỗ trợ các loại vật nuôi truyền thống phù hợp với bản địa để lấy ngắn nuôi dài; nhân rộng các mô hình trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả. Xây dựng các mô hình liên kết mang tính bền vững, có trọng tâm, trọng điểm. Hỗ trợ người dân xây dựng thương hiệu sản phẩm đặc trưng của vùng, miền; phát triển nghề truyền thống. Đồng thời phát huy sự tham gia của người dân và cộng đồng trong việc chung tay thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo ở địa phương”.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Những người trẻ “ươm yêu thương”

Lê Trung Tuấn |

Câu chuyện về những người trẻ, những người nỗ lực vì cuộc sống cộng đồng. Họ có một khát khao mảnh liệt, là cộng đồng yếu thế được giúp đỡ; những người khó khăn luôn được cộng động quan tâm. Họ, những người trẻ đầy nhiệt huyết của CLB Ươm nắng (tỉnh Quảng Trị) đã chắt chiu “từng giọt thời gian” lao động và tiết kiệm từng đồng tiền, vận động mọi nguồn lực ủng hộ để “Ươm yêu thương” đến với người nghèo ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn.

Hoàn cảnh đáng thương của cậu học sinh hiếu học

Trúc Phương |

Chúng tôi gặp em tại một buổi lễ trao học bổng cách đây không lâu do Hội Khuyến học tỉnh tổ chức và ấn tượng mãi về một cậu bé có dáng hình gầy gò, ốm yếu với đôi mắt thật buồn. Em là Hoàng Nguyễn Tuấn Anh (12 tuổi), học sinh lớp 6, Trường TH&THCS Vĩnh Trung (Vĩnh Linh, Quảng Trị).

Khánh thành công trình Nhà nhân ái cho hộ thanh niên dân tộc Vân Kiều

Nguyễn Trang - Kỉnh Ngọc |

Hướng tới chào mừng kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh 19/5 (1890-2020) và Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, ngày 15/5, tại xã Vĩnh Hà, Huyện đoàn Vĩnh Linh (Quảng Trị) tổ chức khánh thành công trình Nhà nhân ái cho hộ thanh niên Hồ Văn Chiến, thôn Xóm Mới.

Nỗi đau tận cùng của ông Võ Cháu

Kăn Sương |

Chỉ trong vòng 1 năm, ông Võ Cháu (72 tuổi) ở khóm 2, thị trấn Khe Sanh (Hướng Hóa, Quảng Trị) phải đớn đau chịu cảnh vợ và 2 người con lần lượt qua đời do bệnh hiểm nghèo. Thân già yếu, hoàn cảnh kinh tế khó khăn, nay ông phải gồng gánh nuôi 2 cháu ngoại mồ côi đang tuổi ăn, tuổi học.