Câu chuyện về những người trẻ, những người nỗ lực vì cuộc sống cộng đồng. Họ có một khát khao mảnh liệt, là cộng đồng yếu thế được giúp đỡ; những người khó khăn luôn được cộng động quan tâm. Họ, những người trẻ đầy nhiệt huyết của CLB Ươm nắng (tỉnh Quảng Trị) đã chắt chiu “từng giọt thời gian” lao động và tiết kiệm từng đồng tiền, vận động mọi nguồn lực ủng hộ để “Ươm yêu thương” đến với người nghèo ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn.
Hành trình của những người trẻ
Còn nhớ, mùa đông năm 2012, giữa tiết trời giá lạnh, Trần Quỳnh Anh (hồi đó là Nhóm trưởng nhóm Ươm nắng) tâm sự với tôi về chương trình mang chút ấm tới vùng cao. “Phải bằng cách nào đó giúp trẻ em vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Quảng Trị vượt qua những khó khăn ban đầu để các em được sống hạnh phúc, được đến trường, được có vở trắng, bút xanh”. Rồi hơn hai tuần sau đó, nhóm Ươm nắng được thành lập với 14 thành viên đầu tiên. Đó là mốc đánh dấu cho hành trình ba năm của nhóm khi mang hơi ấm tới vùng cao.
Hành trình 8 năm với rất nhiều chuyến đi đến với bản làng heo hút nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống thuộc các huyện Hướng Hóa, Đakrông, Vĩnh Linh... những địa bàn cách trung tâm Thành phố Đông Hà tới gần 100km. Những cái tên như Bản Mít, Bản Mới (thuộc xã Vĩnh Ô, huyện Vĩnh Linh) rồi Bản Chai, Sa Ta (Tà Long, Đakrông) hay bản Hoong, Bản Cooc (Hướng Linh, Hướng Hóa) đều để lại cho những thành viên của nhóm Ươm nắng những kỷ niệm đẹp. Anh Trần Quốc Khánh, thành viên của nhóm tâm sự với chúng tôi “trong 8 năm làm công tác thiện nguyện, chúng tôi đã được sự đồng tình của đông đảo những người nơi chúng tôi từng đi qua, từng tổ chức các hoạt động. Ngoài số tiền mà các thành viên của nhóm đóng góp, nhóm còn huy động được tấm lòng hảo tâm của các cá nhân, tổ chức. Hoạt động chủ yêu của nhóm là tổ chức đêm nhạc gây quỹ ủng hộ các xã đặc biệt khó khăn; huy động các nguồn hỗ trợ từ bên ngoài, đặc biệt học bổng Golden Hearts cho trẻ em nghèo vượt khó trên địa bàn tỉnh”
Ươm yêu thương, nhận nụ cười
8 năm cho hành trình đi “ươm yêu thương, nhận nụ cười”. Trong hành trình ấy vẫn thấp thoáng nụ cười của trẻ em vùng khó. Khi nó lọt thỏm vào giấc mơ của những thành viên trong CLB, khi trong giờ làm việc chợt nghe cái rét đi ngang lại nhớ trẻ em vùng cao chưa có áo ấm để mặc. Với bộn bề lo toan của cuộc sống, bởi phần lớn thành viên của Ươm nắng có việc làm và xuất thân khác nhau, từ một chiến sỹ biên phòng như anh Trần Quốc Khánh cho đến giáo viên như chị Trần Thị Tuyết Thanh, từ một sinh viên trên giảng đường đại học Trần Thị Tuyết Nhung cho đến cán bộ công chức như anh Nguyễn Quốc Huy... nhưng tất cả mọi người nhiệt tình, hăng hái trong mọi hoạt động, họ đều nhìn về một hướng, có cùng trăn trở và chung mục đích khi bước đi trên cùng một con đường.
Chị Trần Thị Tuyết Thanh chia sẽ “còn nhớ tháng 8 năm 2015, khi 25 thành viên của nhóm bắt đầu hành trình từ Thành phố Đông Hà tới Ba Lin (A Vao – ĐaKrông) để tặng quà cho trẻ em nghèo. Tới xã A Vao, trời đổ mưa không ngớt, các thành viên trong nhóm phải chịu cảnh ướt át để lấy áo mưa che cho quà khỏi bị ướt và những đêm nhạc rộn ràng trên địa bàn các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Hải Lăng, Cam Lộ... các thành viên đều lao động hăng say, không quản nhọc nhằn với mục đích huy động tối đa nguồn kinh phí để duy trì chương trình Ươm nắng tới vùng cao”. Nói về những khó khăn của trẻ em miền núi, chị Thanh ngậm ngùi “là giáo viên, tôi thấm hiểu những khó khăn của học trò. Đối với học trò miền núi, vùng đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Cô lại khó khăn gấp bội nên tôi tham gia nhóm Ươm nắng, tôi muốn chung sức cùng nhóm nỗ lực vì cuộc sống cộng đồng”. Lặng im một lúc, với nụ cười trên môi nhưng xem chừng đôi mắt có chút buồn vương vấn, Trần Quốc Khánh cho biết thêm “trước khi đi đến Pa Ngày bộ đội biên phòng Phùng Thế Hiếu (hồi đó ở Đồn biên phòng Sa Trầm) nói đùa với chúng tôi rằng: “Bản em không mặc áo, bản em không mặc quần”. Khi nghe chúng tôi chỉ nghĩ rằng anh nói đùa. Nhưng khi đặt chân đến đây khi chứng kiến tận cùng sự vất vả nghèo khó của lũ trẻ nơi đây chúng tôi mới hiểu hết lời anh. Hiện lên trước mắt chúng tôi là ngôi nhà sàn xiêu vẹo. Rồi những đứa trẻ…nhứng đứa trẻ trong những bộ áo quần rách nát, tả tơi…
Chị Trần Quỳnh Anh kể về kỉ niệm ngày ấy “đêm giữa đại ngàn, không gian tĩnh mịch là cảm giác mà có lẽ chúng tôi chưa bao giờ được trải qua. Sáng sớm chúng tôi tranh thủ sắp xếp đồ đạc, phân chia quà để kịp tổ chức vui chơi cho các em. Những món quà của chúng tôi thật nhỏ bé trước sự khó khăn vất vả của các em.
“Ươm yêu thương để nhận lấy nụ cười”, đó là hạnh phúc, là phương châm hoạt động của các thành viên của nhóm “chúng tôi thấy việc làm của nhóm rất đổi bình thường, nơi chúng tôi từng tổ chức các hoạt động ở huyện hay ở bản làng vùng đặc biệt khó khăn, chính quyền địa phương đều ủng hộ chúng tôi rất nhiệt tình. Nhiều người trẻ không có điều kiện trở thành thành viên chính thức của nhóm đã bằng nhiều cách ủng hộ chúng tôi về vật chất và tinh thần, đó là động lực để chúng tôi bước tiếp.” – anh Lê Quốc Tuấn tâm sự.
Cũng không mấy khó khăn bạn có thể nhận ra họ, bởi logo trên áo, bởi những nụ cười ấm áp tới vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn. Họ, những người trẻ mang trong mình nhiều ước mơ và hoài bảo. Trong đó có giấc mơ đôi khi chật kín, ngập tràn hạnh phúc khi nhìn trẻ em miền núi cười. Anh Thắng, Chủ nhiệm CLB tâm sự “mỗi lần phát áo ấm cho các em vùng bản là chúng tôi thấy mình thật hạnh phúc, chúng tôi nghe ấm. Và tôi nhớ mãi một ngày ở bản... khi chiếc áo cuối cùng được phát cho em nhỏ thì bên cạnh đó còn khá nhiều em nhỏ không có áo ấm để mặc...” Những con đường lắm dốc, những núi đá gập ghềnh, lởm chởm, những sáng sớm vùng biên cương lạnh ngắt, mây trôi ngang trời hay cơn mưa vần vũ trong ngày cuối đông giá lạnh. Họ vẫn bước đi trên đôi chân của chính mình để đến với bản làng heo hút…