Để người yếu thế không bị bỏ lại phía sau

Tây Long |

So với người khỏe mạnh, khó khăn, thử thách mà COVID-19 gây ra đối với người khuyết tật, nạn nhân da cam, trẻ em nghèo lớn hơn gấp nhiều lần. Trước thực tế ấy, Hội Người Khuyết tật, Nạn nhân da cam, Bảo trợ người khuyết tật và Bảo vệ quyền trẻ em (NKT, NNDC, BTNKT&BVQTE) tỉnh đã vào cuộc với quyết tâm không để người yếu thế bị bỏ lại phía sau.

Những ngày diễn ra COVID-19, cửa hàng tạp hóa của chị Lê Thị Hoa, trú tại xã Thanh An, huyện Cam Lộ (Quảng Trị) vắng hoe. Chiếc máy ép nước mía gia đình chị mới vay ngân hàng mua về phủ kín tấm màn, chờ đợi khách. Ngồi ở thềm nhà, chị Hoa thở dài không biết xoay chạy vào đâu để cả gia đình vượt qua “trận bão” COVID-19.

Trao quà cho người khuyết tật gặp khó khăn do COVID-19. Ảnh: Q.H
Trao quà cho người khuyết tật gặp khó khăn do COVID-19. Ảnh: Q.H

Từ lúc sinh ra, chị Hoa và người chị gái đang sống với vợ chồng chị là Lê Thị Hoài Nhơn đã lâm vào cảnh tật nguyền. Hai chị lớn lên, đổi thay gương mặt, suy nghĩ nhưng vóc dáng, chân tay vẫn cứ ngắn ngủn. Đổ nhiều mồ hôi, nước mắt, chị Hoa mới có chút an yên ngày hôm nay. Thế nhưng, cuộc sống gia đình chị bị xáo trộn từ ngày COVID-19 xuất hiện. “Trước đây, thương hai chị em, bà con trong làng ngày nào cũng ghé quán mua cái này, cái kia. Nhờ thế mà gia đình tôi có ngày dăm ba chục ngàn. Giờ thì quán vắng ngắt, hai chị em không biết phải làm sao”, chị Hoa giọng buồn buồn chia sẻ.

Trong thời điểm có COVID-19, căn nhà nhỏ của bà Lê Thị Huệ (73 tuổi) ở Khu phố 7, phường Đông Thanh, thành phố Đông Hà vắng lặng thêm. Bà Huệ là người khuyết tật, sống neo đơn. Bình thường, họ hàng, láng giềng năng tới nhà mang theo thuốc thang, đồ ăn, thức uống cho bà. Thỉnh thoảng, các bạn học sinh cũng ghé giúp việc này, việc nọ. Đó chính là niềm vui sống của người phụ nữ gần đất xa trời. Niềm vui ấy vơi giảm từ ngày tình hình COVID-19 diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, bà Huệ chỉ dám trách phận không may mắn. Bà hiểu, trong dịch bệnh, ai cũng gặp khó khăn, còn quá nhiều việc phải lo lắng, cân nhắc. Vì thế, chỉ khi rất cần giúp gì đó, bà Huệ mới cậy nhờ họ hàng. “Tôi chỉ trông mau qua dịch để căn nhà có thêm bóng người. Ở tuổi tôi, ăn uống, ngủ nghỉ không còn quá quan trọng nữa, chỉ mong có người bầu bạn”, bà Huệ tâm sự.

Nằm ở địa bàn chịu ảnh hưởng nặng nề của chiến tranh và thiên tai, so với nhiều địa phương trong cả nước, Quảng Trị có số lượng người khuyết tật, nạn nhân da cam khá lớn. Theo số liệu khảo sát mới đây, toàn tỉnh có 26.955 người khuyết tật, nạn nhân da cam đã được thu thập thông tin và đưa vào phần mềm quản lý. Trong đó, số người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng là 19.960 trường hợp. Phần lớn họ gặp vấn đề về vận động, nghe, nói, nhìn, trí tuệ… Một bộ phận không nhỏ trong số đó luôn mang nặng sự mặc cảm, tự ti. Việc vươn lên để có cuộc sống tốt đẹp hơn không phải là chuyện đơn giản đối với người khuyết tật, nạn nhân da cam. Trong khi đó, hầu hết gia đình có con em không khỏe mạnh, lành lặn đều thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo. Vì thế, cả đời sống vật chất lẫn tinh thần của người khuyết tật, nạn nhân da cam đều thiếu thốn.

Là đối tượng yếu thế nên người khuyết tật, nạn nhân da cam, trẻ em nghèo trên địa bàn bị tác động nặng nề trước diễn biến phức tạp của COVID-19. Nhiều người trong số họ mất đi việc làm mà mình vất vả tìm kiếm, tạo dựng được. Cuộc sống gia đình người yếu thế ít nhiều bị xáo trộn vì nhiều lý do khác nhau. Trong khi đó, trước khó khăn chung do COVID-19 gây ra, sự “tiếp sức” của các tổ chức, cá nhân hảo tâm đối với người khuyết tật, nạn nhân da cam, trẻ em nghèo… vơi giảm. Từ đây, thách thức đặt ra đối với những người yếu thế nhân lên nhiều lần. Nếu tình hình COVID-19 còn diễn biến phức tạp, nguy cơ “thiếu cơm, nhạt muối” có thể xảy ra đối với họ.

Thực trạng trên chính là nỗi trăn trở của cán bộ các cấp Hội NKT, NNDC, BTNKT&BVQTE tỉnh. Để người yếu thế không bị bỏ lại phía sau, họ đã đến tận nhà để thăm hỏi, động viên, tìm hiểu các hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Cùng với đó, cán bộ hội tập trung tuyên truyền, giúp những người yếu thế trang bị kiến thức, kỹ năng phòng, chống COVID-19. Họ cũng đóng vai trò “chủ công” trong vận động gia đình, xóm làng, chính quyền địa phương… quan tâm, chăm sóc, hỗ trợ người khuyết tật, nạn nhân da cam, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt, cán bộ Hội NKT, NNDC, BTNKT&BVQTE tỉnh còn tích cực vận động sự quan tâm, hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân có tấm lòng hảo tâm.

Vượt nhiều khó khăn, đến nay, Hội NKT, NNDC, BTNKT&BVQTE tỉnh đã huy động được nhiều nhu yếu phẩm, nước rửa tay sát khuẩn, xà phòng, khẩu trang… với trị giá khoảng 150 triệu đồng để hỗ trợ người khuyết tật, nạn nhân da cam, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và lực lượng chức năng làm nhiệm vụ phòng, chống COVID-19 ở khu cách ly tập trung. Qua ghi nhận, món quà mà hội huy động được từ các mạnh thường quân đến kịp thời, đúng đối tượng, thiết thực giúp người khuyết tật, nạn nhân da cam, trẻ em nghèo vượt qua khó khăn trước mắt. Mới đây nhất, Hội NKT, NNDC, BTNKT&BVQTE tỉnh đã chuyển 320 suất quà, mỗi suất gồm 20 kg gạo cho những người yếu thế bị ảnh hưởng bởi COVID-19.

Chị Hồ Thị Minh, trú tại phường Đông Thanh, thành phố Đông Hà chia sẻ: “Gia đình tôi rất vui mừng khi nhận được những món quà từ Hội NKT, NNDC, BTNKT&BVQTE tỉnh. Không chỉ có ý nghĩa về mặt vật chất, món quà của hội còn giúp tôi và gia đình cảm nhận rõ sự quan tâm, chia sẻ dành cho mình trong bối cảnh cả hệ thống chính trị, người người, nhà nhà dồn sức phòng, chống COVID-19”.

Theo ông Thái Vĩnh Liệu, Chủ tịch Hội NKT, NNDC, BTNKT&BVQTE tỉnh, lâu nay, việc nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người khuyết tật, nạn nhân da cam, trẻ em nghèo luôn nhận được sự quan tâm của hội. Vì thế, cán bộ hội rất lo lắng trước tác động tiêu cực của COVID-19 đến hội viên, những người yếu thế. Chính sự quan tâm, hỗ trợ kịp thời của các tổ chức, cá nhân hảo tâm đã giúp xua tan phần nào nỗi lo lắng ấy. “Vừa qua, Chính phủ đã ban hành nghị quyết về các biện pháp hỗ trợ người dân, trong đó có người khuyết tật, nạn nhân da cam, trẻ em nghèo… gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, sự quan tâm, hỗ trợ ấy chỉ mới làm vơi giảm phần nào khó khăn, vất vả của những người yếu thế trên địa bàn. Chúng tôi rất mong muốn các tổ chức, cá nhân hảo tâm tiếp tục đồng hành với hội, kịp thời tiếp sức cho người khuyết tật, nạn nhân da cam, trẻ em nghèo… để không ai bị bỏ lại phía sau”, ông Thái Vĩnh Liệu bày tỏ.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Đồng hành cùng doanh nghiệp vượt khó

Minh Hiển |

Chịu nhiều ảnh hưởng trong đợt dịch COVID-19, các doanh nghiệp trên cả nước cũng như trên địa bàn tỉnh gặp rất nhiều khó khăn, nhất là ở các lĩnh vực sản xuất, xuất nhập khẩu, kéo theo đó là người lao động bị mất việc làm, giảm thu nhập.

Hành động đẹp của Vỗ Bun

Nguyễn Loan - Hoàng Hùng |

Rác là một trong những tác nhân gây ô nhiễm môi trường, một vấn nạn được toàn xã hội quan tâm nhưng không phải ai cũng có ý thức để nhặt từng mãnh rác, túi ni lon như ông Vỗ Bun ở thôn Kỳ Tăng xã Lìa huyện Hướng Hóa (Quảng Trị). Hành động ý nghĩa của ông đang dần lan tỏa, nhận được sự hưởng ứng, đồng hành của những bạn trẻ tại địa phương.

Hành trình lan tỏa yêu thương

Thế An – Khắc Sang |

Đều đặn 3 năm nay, chị Lê Thị Mỹ Nhung, khu phố 8, phường 1, thành phố Đông Hà (Quảng Trị) đã thực hiện hàng trăm chuyến hành trình đến với những vùng quê nghèo khó, những gia đình, hoàn cảnh cần giúp đỡ. Với chị, được hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn, đồng hành cùng các em nhỏ đến trường là điều hạnh phúc.

Đến tận bản làng trang bị kỹ năng phòng COVID-19 cho học sinh

Hưng Thơ |

Trước ngày học sinh trở lại trường, các giáo viên ở huyện Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị) đã đến tận bản làng để truyền thông kỹ năng phòng chống dịch COVID-19 cho học sinh.