“Em đang cho bà con vay không lãi suất từ 5 -10 triệu đồng/nhà để mua gạo chống đói, nhiều nhà hết gạo rồi anh, thấy khổ lắm”. Đó là tin nhắn điện thoại của anh Hồ Xuân Hiếu, Tổng Giám đốc Công ty CP Tổng công ty Thương mại Quảng Trị khi trao đổi với tôi về chuyện của doanh nghiệp thời buổi đại dịch hoành hành. Anh Hiếu cho biết, hiện nay nhiều gia đình ở các xã vùng Lìa đang thiếu đói, chạy ăn từng bữa khi mùa vụ thì chưa đến, lại phải thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống COVID-19 nên người dân không đi làm được, không có thu nhập.
Trước tình cảnh đó, mặc dù công ty cũng đang khó khăn khi hàng hóa ứ đọng hàng chục nghìn tấn sắn sản phẩm do ảnh hưởng của dịch bệnh không bán được, nhưng vẫn dành một phần nguồn vốn để cho bà con vay với lãi suất bằng 0 (không tính lãi suất). Với mức hỗ trợ mỗi hộ gia đình từ 5 - 10 triệu đồng, hiện công ty đã giải ngân cho khoảng 100 hộ với tổng số tiền hơn 500 triệu đồng. Theo anh Hiếu, nhu cầu cần tiền cứu đói trong dân ở đây còn lớn, thêm khoảng 3 tỉ đồng nhưng công ty đã hết sạch nguồn. Nếu được hỗ trợ từ phía Nhà nước, công ty sẽ chịu trách nhiệm vay tiền rồi cho bà con vay lại không lấy lãi, đến tháng 9/2020, khi mùa sắn đến thì thu hồi và trả lại đầy đủ cho Nhà nước. Khi được hỏi đây có phải là khoản đầu tư trước cho nông dân như các doanh nghiệp vẫn thường làm, anh Hiếu chia sẻ: “Công ty cho vay, hay nói chính xác là cho dân mượn tiền không lấy lãi để cứu đói, không liên quan đến hoạt động kinh doanh”.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh làm hàng hóa không tiêu thụ được, ứ đọng nhiều. Riêng tinh bột sắn, toàn tỉnh tồn kho khoảng 37.500 tấn, trong đó nhiều nhất là Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa, thuộc Công ty CP Tổng công ty Thương mại Quảng Trị tồn kho đến 25.000 tấn. Cùng với do ảnh hưởng của dịch bệnh, đối tác không nhập hàng, thì nguyên nhân chính là để giúp nông dân giải quyết đầu ra nông sản, có thu nhập trang trải cuộc sống trong giai đoạn khó khăn này, lãnh đạo công ty quyết định vẫn duy trì hoạt động sản xuất của nhà máy để thu mua sắn cho dân (với giá ổn định như trước), dẫn đến lượng tinh bột sắn tồn kho càng nhiều hơn. Trao đổi về vấn đề này, anh Hiếu tâm sự: “Ở góc độ kinh doanh không ai làm thế vì rủi ro quá cao. Nhưng trên địa bàn có 3 nhà máy chế biến tinh bột sắn, trước khó khăn chung, 2 nhà máy đã tạm ngừng thu mua sắn, nếu công ty cũng làm vậy thì ai mua sắn cho bà con?”.
Doanh nghiệp được thành lập với mục đích tìm kiếm lợi nhuận. Bất kỳ doanh nghiệp nào vay tiền ngân hàng đều để kinh doanh, sinh ra khoản lợi nhuận lớn hơn lãi vay phải trả. Tuy nhiên, trong trường hợp này, doanh nghiệp vay tiền, trả lãi cho ngân hàng nhưng không để kinh doanh mà để “cứu đói”, giúp bà con nông dân vượt qua khó khăn lúc giáp hạt, dịch bệnh xảy ra.
Còn việc thứ hai, tiếp tục mua sắn trong lúc không giải quyết được đầu ra sản phẩm, gây tồn kho lớn. Vẫn biết trong đầu tư kinh doanh lợi nhuận luôn đi kèm với rủi ro, rủi ro cao - lợi nhuận cao. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, sản xuất kinh doanh ngưng trệ, kinh tế sa sút chưa biết đến khi nào phục hồi, thì việc đầu tư bằng tiền vay ngân hàng, mua sắn cho dân là quá mạo hiểm, vì khả năng “thua” nhiều hơn “thắng”. Điều đó, người đứng đầu cùng bộ máy lãnh đạo doanh nghiệp nhiều kinh nghiệm thương trường của Công ty CP Tổng công ty Thương mại Quảng Trị quá biết, nhưng vẫn lựa chọn. Có lẽ vì, nếu thất bại về mặt kinh tế, thì cũng “thắng” ở chỗ giúp được dân trong hoàn cảnh khó khăn này. Chúng ta thử hình dung, giả sử Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa cũng không thu mua sắn nữa, thì hàng nghìn héc ta sắn với bao công sức, tiền của, nguồn thu nhập chủ yếu của người dân xem như bỏ đi, đời sống của hàng chục nghìn gia đình ở đây sẽ ra sao?
Vẫn biết kinh doanh là tính toán lãi lỗ, nhưng đôi lúc doanh nghiệp cũng biết hy sinh lợi ích của mình, vì người dân, vì xã hội. Cho dân mượn tiền không lãi và mua sắn trong trường hợp này là một ví dụ - thật đáng trân trọng.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)