Theo truyền thông Trung Quốc, ngày 21/7 vừa qua tại tỉnh Viêng Chăn đã diễn ra lễ ra mắt gắn biển hiệu Cơ sở đào tạo Học viện Khổng Tử đối với Trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Văng Viêng, tỉnh Viêng Chăn. Tham dự buổi lễ nói trên có hơn 100 quan trong đó có Giám đốc sở Giáo dục và Thể thao tỉnh Viêng Chăn, Phó Bí thư huyện Văng Viêng, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú huyện Văng Viêng, lãnh đạo Công ty Khai thác phát triển cao tốc liên hợp Lào Trung, Giám đốc Học viện Khổng Tử Đại học Quốc gia Lào.
Học viện Khổng Tử Trường Phổ thông dân tộc nội trú Văng Viêng là cơ sở đào tạo thứ 3 của Học viện Khổng Tử tại Lào sau Học viện Khổng Tử Đại học Quốc gia Lào, Học viện Khổng Tử Đại học Souphanouvong Luong Prabang. Cơ sở thứ ba này thực chất được xem như trực thuộc và chịu sự quản lý của Học viện Khổng Tử Đại học Quốc gia Lào.
Phát biểu tại buổi lễ nói trên, Giám đốc phía Lào của Học viện Khổng Tử Đại học Quốc gia Lào cho biết, Học viện Khổng Tử được thành lập tại Lào từ tháng 3/2010 đến nay đã trở thành tổ chức quan trọng trong việc đào tạo nhân lực tiếng Hán cho Lào với hơn 20.000 học viên tốt nghiệp các chương trình đào tạo tiếng Hán khác nhau, ngoài ra cũng là đầu mối quan trọng để tổ chức hoạt động giao lưu văn hóa giữa Lào – Trung Quốc. Từ năm 2014, Học viện Khổng Tử Đại học Quốc gia Lào đã triển khai giáo viên để mở môn học tiếng Hán tại trường Phổ thông dân tộc nội trú Văng Viêng. Từ tháng 2/2019, trên cơ sở chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết, tổng bộ Học viện Khổng Tử đã phê duyệt để Học viện Khổng Tử Đại học Quốc gia Lào triển khai hoạt động tại 4 trường phổ thông của Lào, phát triển trở thành cơ sở trực thuộc. Trong đó trường Phổ thông dân tộc nội trú Văng Viêng với tính chất quan trọng của mình đã trở thành cơ sở đầu tiên được lựa chọn để ra mắt chính thức. Cơ sở này sẽ có 6 giáo viên do Học viện Khổng Tử cử tới, trong đó 5 người là giáo viên tình nguyện.
Được biết, Trường Dân tộc nội trú huyện Văng Viêng, tỉnh Viêng Chăn, là trường dân tộc nội trú hàng đầu của Lào, có vai trò rất lớn trong đào tạo cán bộ là người dân tộc cho Lào. Trường nằm cách trung tâm tỉnh lỵ Viêng Chăn gần 100 km. Toàn trường hiện có 21 lớp học, 60 giáo viên và hơn 800 học sinh, phần lớn đến từ hai tỉnh là Xaysomboun và Viêng Chăn, 50% số học sinh là người Lào sủng. Trong những năm qua, nhà trường luôn được tỉnh Viêng Chăn quan tâm, đầu tư cơ sở vật chất trường lớp, đồng thời chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và giáo dục mũi nhọn cho học sinh. Trường từng nhận được nhiều sự quan tâm hỗ trợ từ phía Chính phủ Việt Nam đặc biệt là thông quan mối quan hệ hữu nghị giữa tỉnh Văng Viêng với tỉnh Yên Bái của Việt Nam, năm 2015 tỉnh Yên Bái hỗ trợ đầu tư cùng với tỉnh Viêng Chăn xây dựng một phòng khám và nhà điều trị ban đầu cho nhà trường trị giá gần 3 tỷ đồng. Trong đó, phía tỉnh Yên Bái hỗ trợ 1 tỷ đồng và toàn bộ hệ thống trang thiết bị y tế và cơ số thuốc phục vụ công tác khám chữa bệnh, tỉnh Yên Bái sau đó cam kết tiếp tục hỗ trợ 2 tỷ đồng, đầu tư xây dựng một phòng thí nghiệm Sinh hóa – Vật lý cho trường.
Hoạt động trên diễn ra trong bối cảnh thế giới đang nổi lên làn sóng tẩy chay các Học viện Khổng Tử của Trung Quốc, điển hình theo Hiệp hội học giả quốc gia (NAS) – một tổ chức giáo dục của Mỹ gần đây cho biết, tính đến tháng 5/2020, có 38 trường đại học ở Mỹ đã và đang đóng cửa Viện Khổng Tử tại trường của họ. Trường Vrije Universiteit Brussel (VUB) – đại học nghiên cứu nổi tiếng tại Brussels, Bỉ – cuối năm 2019 cho biết sẽ đóng cửa Viện Khổng Tử bên trong khuôn viên đại học này kể từ năm 2020.
Tháng 8/2019, Canada cũng đã công bố kế hoạch đóng cửa các học viện Khổng Tử của Trung Quốc tại các trường học của mình, theo đó việc đóng cửa các học viện này sẽ được thực hiện trong 2 giai đoạn, giai đoạn 1 là đóng cửa các học viện Khổng Tử tại 18 trường trong năm 2019 và giai đoạn 2 là đóng cửa các học viện Khổng Tử tại các trường còn lại vào năm 2022. Trước làn sóng tẩy chay nói trên khiến, theo The Epoch Times, Trung Quốc đang tiến hành đổi tên Viện Khổng Tử tại một số nước thành Trung tâm Trao đổi và Hợp tác Ngôn ngữ.
(Nguồn: Tạp chí Việt Lào)