Các hãng đánh giá tín dụng và cố vấn kinh tế cho Chính phủ Lào cảnh báo nợ công của Vientiane đã vượt ngưỡng nguy hiểm và có nguy cơ vỡ nợ. Lào được cho là đang nhờ sự giúp đỡ từ Trung Quốc, theo Financial Times.
Theo báo Financial Times, tính đến thời điểm cuối dữ liệu được công bố hồi tháng 6, dự trữ ngoại hối của Lào đã giảm xuống chỉ còn 864 triệu USD, trong khi nợ phải trả của nước này từ nay đến cuối năm 2024 là hơn 1 tỉ USD/năm. Nguy cơ vỡ nợ cao nếu không có sự can thiệp.
Tháng trước, tổ chức đánh giá tín nhiệm Moody’s Investors Service đã hạ triển vọng tín nhiệm của Lào từ mức B3 xuống Caa2, tức rủi ro rất cao, cùng với đánh giá "tiêu cực".
Moody's nhận định Lào đối mặt "căng thẳng thanh khoản nghiêm trọng do các khoản nợ lớn đến hạn trả năm nay và kéo dài đến tận năm 2025".
Cũng trong tháng 8, Bộ trưởng Tài chính kiêm Phó thủ tướng Lào Somdy Douangdy báo cáo trước quốc hội rằng nợ công của nước này có thể tăng lên 65 - 68% GDP trong năm 2020 do nguồn thu quốc gia giảm (khoảng 696 triệu USD), cộng với nợ vay tăng do đại dịch COVID-19.
Financial Times cho biết giới phân tích đặc biệt quan ngại về các khoản vay thương mại của Lào ở thị trường trái phiếu Thái Lan, vốn được huy động thường xuyên những năm gần đây.
"Trong hoàn cảnh này Lào sẽ khó tiếp cận thị trường trái phiếu quốc tế, trong khi triển vọng gia hạn nợ ở thị trường trái phiếu Thái Lan mỗi lúc thêm khó khăn. Vientiane đã cầu viện đến ngân hàng thương mại và các khoản vay song phương để trám vào lỗ trống", ông Jeremy Zook, giám đốc châu Á của hãng đánh giá tín nhiệm Fitch, nhận xét.
Fitch cho Lào mức đánh giá B - cùng triển vọng "tiêu cực" hồi tháng 5.
Ông Toshiro Nishizawa, giáo sư Đại học Tokyo, thành viên tổ tư vấn kinh tế cho Chính phủ Lào, cảnh báo về nguy cơ "tình trạng khẩn cấp kinh tế quốc gia" ở Lào trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hoành hành khắp thế giới.
"Nguy cơ vỡ nợ là mối đe dọa tiềm tàng đối với hoạt động tài chính ở Lào, dẫn đến hậu quả là bao nỗi nhọc nhằn cho người dân. Hiện nợ nước ngoài đã đủ lớn để gây áp lực lên nguồn dự trữ ngoại hối cạn kiệt trong bối cảnh đại dịch COVID-19", giáo sư Nishizawa giải thích.
Thậm chí trước COVID-19, các hãng đánh giá tín nhiệm và giới ngoại giao phương Tây đã gióng lên cảnh báo về mức nợ công của Lào, vốn bị đội lên nhanh do các dự án thủy điện khổng lồ trên sông Mekong, và một dự án đường sắt cao tốc do Trung Quốc chống lưng.
Hai nguồn tin tiết lộ với Financial Times rằng các quan chức Bộ Tài chính Lào đang tiến hành thương thảo với phía Trung Quốc về khả năng giãn nợ.
Fitch ước tính Chính phủ Lào nợ nước ngoài khoảng 12,6 tỉ USD - tương đương 65% GDP, còn công ty điện lực nhà nước Ėlectricité du Laos (EDL) nợ thêm 8 tỉ USD nữa.
Năm 2018, EDL ký với công ty Trung Quốc China Southern Power Grid hợp đồng xây dựng lưới điện mới do không đủ khả năng truyền tải lượng điện năng khổng lồ từ các đập trên sông Mekong.
Tương tự các nước đang phát triển khác ở châu Á có dự án hạ tầng Trung Quốc, giới quan sát quốc tế lo ngại Lào sẽ chịu sự ảnh hưởng ngày càng lớn từ Bắc Kinh nếu họ không đủ khả năng trả nợ trong các dự án liên doanh, hoặc sẽ bị ép chuyển nợ thành tài sản.
Sri Lanka mất quyền kiểm soát một cảng biển quan trọng vào tay công ty Trung Quốc hồi năm 2017 là một ví dụ điển hình.
(Nguồn: Báo Tuổi Trẻ)