Để bảo vệ quyền và lợi ích của công dân Lào, chính phủ Lào đã ban hành một số bộ quy tắc về việc “giữ gìn” một số ngành nghề không cho phép người nước ngoài hoạt động.
Theo thông tin từ báo cáo mới đây của chính quyền thành phố Vientiane, quá trình triển khai Chỉ thị 62/TTg về quản lý người nước ngoài bất hợp pháp tại Lào và Danh mục ngành nghề chỉ cấp phép cho công dân Lào (2015) đính kèm Luật Lao động về góc độ vĩ mô là “chưa đủ tốt”. Doanh nghiệp, công dân Lào đang mất đi “cơ hội việc làm”.
Tờ Lao Phatthana cho biết việc thực thi pháp lý chưa đủ tốt có thể dẫn đến thua thiệt cho doanh nghiệp và công dân Lào trong việc “tiếp cận vốn, nguồn hàng hóa và cạnh tranh về giá”.
Danh mục 37 ngành nghề chỉ cấp phép cho công dân Lào, hiện nay được cho là tồn tại không ít người nước ngoài hoạt động.
Theo ILO, khoảng một nửa trong số các lao động Lào trở về từ nước ngoài trong khảo sát của tổ chức này cho biết sẽ không quay lại làm công việc cũ mà muốn “cải thiện tay nghề và tìm kiếm cơ hội việc làm trong nước”. Điều này có thể dẫn đến nhu cầu việc làm tại Lào tăng cao trong thời gian tới, nhất là những công việc có mặt bằng trình độ vừa phải, trong bối cảnh có khoảng 200 nghìn người Lào đã trở về nước trong giai đoạn đại dịch Covid-19 bùng phát, khiến tỷ lệ thất nghiệp trong nước tăng lên 25%, điều chưa từng có trong lịch sử.
Các ngành nghề mà chính quyền dành riêng cho công dân Lào thuộc 14 lĩnh vực, gồm có thu hái lâm sản làm thuốc cổ truyền, dệt vải, đan lát, thủ công mỹ nghệ, in ấn, làm gốm sứ, sản xuất đồ trang trí thủ công, dệt may truyền thống, sản xuất-truyền tải-cung cấp điện, lắp đặt điện dân dụng, lắp đặt hệ thống nước, bán buôn bán lẻ hàng hóa, vận tải đường bộ, nhà nghỉ dưới 3 sao, xuất bản và in ấn báo chí-sản phẩm âm nhạc, phát thanh đại chúng, truyền hình, tài chính vi mô, cầm đồ, tư vấn-khảo sát-thiết kế-lắp đặt công trình theo kiến trúc truyền thống, lắp đặt lưới điện trung thế, dịch thuật tiếng Lào, tư vấn việc làm, hướng dẫn du lịch, vệ sinh nhà cửa, trung tâm dạy nghề, dạy tiếng Lào cho người nước ngoài, mở phòng khám chữa bệnh, sửa chữa giày dép-đồ da, dịch vụ giặt là, cắt tóc và làm đẹp, tổ chức tang lễ-hỏa táng, dịch vụ trang trí và lắp đặt hệ thống đèn điện-âm thanh-ánh sáng.
(Nguồn: Tạp chí Lào Việt)