Hạt gạo chia đôi giữa mùa dịch

Lâm Sơn |

Tháng ba, đường biên giới Việt - Lào “đóng băng” bởi công tác phòng, chống dịch COVID-19. Hàng loạt khó khăn xuất hiện theo đó là điều hiển nhiên, dễ hiểu. Điều ấm áp chính là những hạt gạo nghĩa tình được nâng niu trao gửi giữa hai miền biên giới.

 
Hỗ trợ gạo cho đồng bào biên giới ở Đồn Biên phòng Hướng Lập 

1. Như lời hẹn cuối chiều để bớt nắng nóng, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, đại úy Nguyễn Xuân Thế dẫn chúng tôi lên chốt Ka Tăng ở khu vực cánh gà cửa khẩu.

Với số lượng đường mòn, lối mở phức tạp ở trên đất liền và đường sông, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Lao Bảo đã lập 23 chốt để ngày đêm canh trực, đảm bảo an toàn trong mùa dịch. Theo đại úy Thế, chốt Ka Tăng là chốt phức tạp vì nằm giữa hai bản của Lào và Việt nên việc đi lại, thăm nhau, giao thương trao đổi hàng hoá diễn ra thường xuyên. Giờ cấm đường mòn cũng là một thách thức lớn bởi thói quen ấy của người dân biên giới rất khó thay đổi. Đại uý Thế kể: “Có hôm thấy một người Vân Kiều ở bản Ka Tăng đi lên rẫy, đường lên rẫy cũng là đường biên giới. Hỏi đi đâu thì bảo đi làm rẫy. Nhưng có lúc cũng trốn đi sang biên giới để thăm nhau là chuyện khó tránh khỏi”.

Có đến chốt canh trực giữa đường biên mới biết nỗi cực khổ của các chiến sỹ biên phòng. Lúc chúng tôi đến, nắng dù đã dịu lại nhưng trong căn lều bằng tăng, bạt vẫn còn ngột ngạt, oi bức lắm. Lán bằng tre đơn sơ dưới gốc cây thưa thớt lá. Từ lán ngó ra chỉ là mênh mông đồi trọc. Xa hơn nữa là những dãy núi thâm u, vắng lặng. Chốt trưởng, đại uý Hoàng Thế Anh cho biết: “Trưa nay đang ăn cơm thì bốn bề lửa nổi. Khói mịt mù. Mùa này người dân các bản ở phía Lào và Việt đều đốt rẫy chuẩn bị cho mùa vụ mới. Ban ngày nắng nóng nhưng ban đêm thì hơi đá, sương lạnh. Hơn một tháng nay, để đảm bảo an toàn tuyến đường biên, các chiến sỹ phải mắc võng giữa đường mòn để ngủ”.

Đường mòn ở khu vực biên giới rất nhiều. Các chiến sỹ phải “căng mình” để trực bởi có nhiều đối tượng sợ đi đường chính ngạch sẽ bị cách ly 14 ngày nên liều lĩnh vượt biên trái phép. Đơn cử trong thời gian lệnh cấm cửa khẩu, cấm đường biên, lực lượng chức năng đã bắt sáu đối tượng nhập cảnh trái phép người Nghệ An, Thanh Hóa với lý do đơn giản là sợ cách ly.

 

Dọc tuyến biên giới Việt - Lào đoạn qua huyện Hướng Hóa luôn là địa bàn nóng khi mùa này nước sông Sê Pôn cạn trơ đáy. Chỉ cần lội qua sông là biên giới nên rất khó quản lý. Nhưng không vì thế mà các chiến sỹ biên phòng nao núng. Họ vẫn luôn là người tiên phong trong cuộc chiến chống dịch như chống giặc . 

2. Bến đò Tân Kim trên sông Sê Pôn ngày thường tấp nập chuối, sắn, người buôn bán qua lại giờ yên ắng lạ thường.

Gặp anh Nguyễn Năm (khóm Xuân Phước, thị trấn Lao Bảo, Hướng Hóa, Quảng Trị) ở bến sông. Với bộ áo quần nông dân đầy mủ chuối, đồ đạc lỉnh kỉnh móc quanh xe. Anh cho biết là chủ vườn chuối ở bản Cốc Cu (Mường Noong, Lào), bên kia sông Sê Pôn, cách nơi này chừng 5 cây số. “Định hôm nay làm chuyến cuối để về bán vớt vát. Chuối già, chín bói rồi mà dịch thế này thì mất trắng”, anh Năm nói. Nhiều người cũng đến bến đò này rồi quay về bởi lệnh cấm. Hàng trăm hecta chuối của người dân các xã Tân Long, Tân Thành và thị trấn Lao Bảo ở bên kia sông không hẹn ngày về. Và điều đó đồng nghĩa với hàng chục, hành trăm triệu đồng có nguy cơ mất vì dịch. “Không những chuối mà cả sắn, lúa của dân mình, thuê đất bên kia canh tác đến ngày thu hoạch thì không mang về được mới nghiệt ngã. Đặc biệt người đồng bào sống dọc biên giới ngày thường vốn đã khó khăn, nay không còn nguồn thu. Đói kém sẽ xảy ra vì mọi thứ của cải đều phía bên kia sông”, anh Năm buồn bã nói trước khi quay xe ra về.

Ngược vùng Lìa. Nắng như rang. Những ngọn đồi trọc cháy sém bởi mùa đốt rẫy đang đến. Mùa giáp hạt, mùa dịch làm cho những bản làng nơi này hiu hắt thêm. Những đứa trẻ không đến trường quấn lấy chân bố mẹ dưới nếp nhà sàn khô khốc. Trông qua, những bản làng này nông nhàn như ở dưới xuôi. Nhưng không. Đó là hệ quả của việc phải thực hiện cấm vận do dịch bệnh.

Nông dân Hồ Văn Thanh ở thôn Ra Man (xã Xy, huyện Hướng Hóa) có hai người con. Lập gia đình rồi ở riêng, gia đình anh chỉ có được một sào đất để trồng sắn, không đủ cho bốn miệng ăn, nên anh sang Lào hợp tác với bà con ở bản bạn trồng chuối từ hai năm trước. Sau hai năm trồng và chăm sóc, 800 cây chuối trồng trên đất bạn xanh mơn mởn. Đầu năm 2020, vườn chuối bắt đầu cho thu hoạch. Hằng ngày, anh Thanh chạy xe 4 cây số sang rẫy, rồi chuyến trở về chất đầy chuối. “Chuối đẹp, nên có chuyến bán được 1 triệu đồng, cả nhà mừng lắm” - anh Thanh kể. Nhưng mới bỏ túi được hơn 5 triệu đồng từ chuối, thì dịch COVID-19 xuất hiện, biên giới thắt chặt khiến anh Thanh không sang rẫy thu hoạch chuối được. Hơn hai tháng nay, anh và vợ cứ đi ra đi vào chăm sào sắn mới trồng mà không có một đồng thu nhập. Hỏi nếu dịch cứ kéo dài, không đi rẫy được thì lấy gì sống? Anh Thanh lắc đầu, nói “không biết”.

Đi dọc biên giới hỏi thăm mới biết nhiều gia đình hợp tác trồng rẫy chuối, nương lúa với bạn Lào ở bên kia. Và cái họ đang ngóng chờ theo từng ngày là nối lại con đường trên sông Sê Pôn, để chuối, sắn, lúa có thể tìm đường về nhà. Nhưng dịch bệnh đến bao giờ dứt thì không ai biết. Biên giới bao giờ giao thương trở lại thì không ai biết. Chỉ biết rằng ngày mai, ngày kia gạo sẽ hết…

3. Dịch bệnh đã làm thay đổi mọi thứ. Vùng biên ải vốn đã khó khăn, nay dịch bệnh càng thêm khắc khổ.

Đa phần đồng bào dân tộc thiểu số sống ven vùng biên với kế sinh nhai là lúa rẫy, sắn và chuối. Trong đó phần lớn đều thuê hay mượn đất phía bên kia sông Sê Pôn để canh tác. Họ vốn có chung huyết thống với nhau, mối thâm tình từ ngàn xưa cho đến khi có chủ trương kết nghĩa bản - bản đối diện hai bên bờ sông thì mối quan hệ ngày càng khăng khít hơn. Một tiếng gà gáy hai bản đều thức dậy. Nghĩa tình keo sơn là thế. 

 

Những người lính biên phòng quanh năm bám dân, bám bản hiểu rõ “từng bữa cơm của dân” nên khi nghe dân bản sắp “đứt bữa” thì vội vàng tìm đường giải cứu. Bên cạnh đó, hay tin từ sự chia sẻ của những chiến sỹ biên phòng, dường như cả xã hội đã vào cuộc…

“Vận động được ít tiền, nên mua gì để hỗ trợ cho các lực lượng phòng dịch COVID-19?” - ông Lâm Chí Công - Trưởng Văn phòng đại diện Báo Lao Động khu vực Bắc Trung Bộ nhắn hỏi sau vài ngày gõ cửa các đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân để kêu gọi hỗ trợ. Tôi trả lời ngay: “Gạo”. Hai giờ sau câu trả lời ấy, chiếc xe tải chở 1 tấn gạo lên đường đến biên giới Việt - Lào. Xe dừng trước Đồn Biên phòng Thanh, cán bộ chiến sĩ tiếp nhận gạo, rồi phối hợp với chính quyền địa phương lên danh sách những người khó khăn nhất bị ảnh hưởng bởi dịch để hỗ trợ ngay.

Và những ngày sau, cụ thể là mười ngày sau. Hàng chục tấn gạo, nhu yếu phẩm từ các nhà hảo tâm khắp cả nước đổ về đây để rồi cùng các tình nguyện viên tản đi các đồn biên phòng để đến với đồng bào. Từ đồn biên phòng Lao Bảo và vùng Lìa như Thuận, Thanh, Pa Tầng, Hướng Phùng, Cù Bai ở huyện Hướng Hoá đến Pa Nang, A Vao, La Lay ở huyện Đakrông…, gạo của các mạnh thường quân đã đến tay người nghèo khó thông qua các chiến sỹ biên phòng. Tất cả vì nhân dân, không để người dân bị “bỏ rơi” trong cuộc chiến chống COVID-19 dù là nơi xa xôi nhất. Vì thế, nên khi chúng tôi có nhã ý đề xuất hỗ trợ ít kinh phí cho các chốt biên giới ở Đồn Biên phòng Thanh thì đại úy Nguyễn Văn Anh - Chính trị viên đồn đã từ chối, và gợi ý nên quy ra gạo cho bà con. “Giúp đỡ được cho bà con, là coi như giúp đỡ chúng tôi” - đại úy Nguyễn Văn Anh nói.

 

Hôm chúng tôi cùng thiếu tướng Trần Đình Dũng, nguyên Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Bộ đội Biên phòng Việt Nam đến khu vực giáp biên tại xã Ba Tầng để trao quà là vật tư y tế và nhu yếu phẩm phòng dịch COVID-19 cho cơ quan chức năng nước bạn Lào, hỏi mới hay ở các bản bên kia còn khó khăn hơn so với bản bên mình. Ông Ba Lê - Phó trưởng huyện Sa Muồi tỉnh Salavan nói rằng: Lâu nay người dân dọc biên giới của Lào mua bán, trao đổi hàng hóa qua cửa khẩu với Việt Nam. Nay cửa khẩu đóng, sắn và chuối không bán được, có tiền cũng khó mua được gạo và nhu yếu phẩm.

Là “cha đẻ” của mô hình kết nghĩa bản - bản hai bên biên giới Việt - Lào, thiếu tướng Dũng rớm nước mắt khi biết tình hình khó khăn hiện không gói gọn ở bên mình hay bên bạn. “Trong giai đoạn khó khăn này, phải tìm cách giúp bạn, bởi giúp bạn cũng như giúp mình” - thiếu tướng Dũng nói với lãnh đạo Biên phòng Quảng Trị.

Giữa tháng tư là ngày Tết Bunpimay của nước bạn Lào. Những năm về trước, vào thời điểm này, chính quyền địa phương và lực lượng Biên phòng Quảng Trị đều sang thăm các lực lượng ở bạn, kèm theo đó là món quà chia vui. Năm nay, Tết Bunpimay đúng vào dịp “cuộc chiến” COVID-19 đang căng thẳng, hai bên chỉ gặp nhau ở biên giới, chào nhau bằng điều lệnh hoặc cử chỉ. “Món quà chúng tôi gửi đến bạn dịp này không phải chia vui, mà là chia sẻ khó khăn, động viên nhau cùng cố gắng”, thượng tá Nguyễn Xuân Toàn - Chính ủy Biên phòng tỉnh Quảng Trị nói với đại úy Somkieth Sathavisouk - Chính trị viên trưởng Đại đội 511 tại khu vực giáp biên ở Trạm kiểm soát Công an A Cha Lào (cụm 3, huyện Sa Muồi, tỉnh Salavan, Lào). Món quà trao cho bạn lúc đó, gồm gạo, nước giải khát và vật tư y tế. Đại úy Somkieth Sathavisouk chỉ nói được vài câu tiếng Việt, nhưng ông không cần phiên dịch: “Trong khó khăn chung, các bạn vẫn nhớ đến người dân và lực lượng bảo vệ biên giới Lào. Món quà là nguồn động viên quý giá trong thời điểm này. Chúng tôi sẽ cố gắng giữ vững đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển với các bạn. Trước mắt sẽ chung tay quyết tâm chiến thắng dịch COVID-19”.

Ngoài món quà do chính tay Chính ủy Biên phòng Quảng Trị trao tặng cho lực lượng bảo vệ biên giới và người dân nước Lào, các đồn biên phòng cũng đã tiến hành hỗ trợ gạo và vật tư y tế cho các lực lượng và người dân ở bên kia biên giới. Và góp vào món quà thắm tình hữu nghị đó, có 4 tấn gạo và 100 thùng nước giải khát của các mạnh thường quân xa gần. Đại tá Lê Văn Phương - Chỉ huy trưởng Biên phòng Quảng Trị nói rằng: “Ai cũng khó khăn trong thời điểm này. Nhưng chúng tôi vẫn quyết định trích một phần quà hỗ trợ để trao cho bạn Lào. Món quà từ các nhà hảo tâm đến rất kịp thời, và càng ý nghĩa hơn khi góp sức cùng lực lượng làm tốt công tác dân vận, phòng dịch nơi biên giới”.

Biên giới phía tây Quảng Trị đang nóng với mùa dịch phía trước không biết còn bao lâu. Những người lính biên cương sẽ còn thao thức, trăn trở về sự ấm no cho người dân xứ mình. Và không thể quên hạt gạo chia đôi cho xứ bạn Lào.

TAGS

Hiệu quả bước đầu của chương trình cai nghiện tập trung

Hà Trang |

Ngoài các giải pháp hỗ trợ về chuyên môn, Trung tâm Bảo trợ xã hội Tổng hợp 1 tỉnh Quảng Trị còn thường xuyên động viên, khích lệ học viên “tự cứu mình khi chưa muộn”. Nhờ đó, tuy mới tổ chức thực hiện việc chữa bệnh, cai nghiện cho người nghiện ma túy trong thời gian ngắn, nhưng nhiều học viên đã được tiếp thêm động lực, niềm tin để quyết tâm cai nghiện ma túy, làm lại cuộc đời.

Học sinh Đakrông hân hoan nhận quà của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình

Minh Hiển |

Ngày 20/5/2020, Hội khuyến học huyện Đakrông đã tổ chức lễ trao học bổng của Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho 50 em học sinh tiêu biểu trên địa bàn huyện.

Tiếp nhận 30 tấn gạo do Công ty cổ phần Đại Nam Ong Biển trao tặng

Tạ Hưng |

Ngày 18/5, Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh Quảng Trị đã tổ chức tiếp nhận 30 tấn gạo hữu cơ do Công ty cổ phần Đại Nam Ong Biển trao tặng.

Trao gần 1.800 suất quà cho học sinh mầm non huyện Đakrông

Minh Dương |

Nhằm hỗ trợ các hộ gia đình có con ở lứa tuổi mầm non sau dịch COVID - 19, từ ngày 14-19/5, Dự án Zhi-shan phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đakrông (Quảng Trị) trao gần 1.800 suất quà cho học sinh lứa tuổi mầm non trên địa bàn.