Người về trên đồi Cù Bốc

Nguyễn Khiêm |

Đã nhiều buổi chiều tôi cùng những người bạn lang thang trên đồi Cù Bốc (thị trấn Khe Sanh, Hướng Hóa, Quảng Trị), nơi đặt hàng ngàn ngôi mộ của các anh hùng liệt sỹ để tìm về với cội nguồn của những ngày tháng hào hùng của dân tộc.

Nơi đây, một trung tâm văn hóa tâm linh vừa được hình thành giữa điệp trùng của núi rừng để những thân nhân, đồng đội của các liệt sỹ, khách viếng thắp nén tâm hương cho người ngã xuống vì độc lập dân tộc. Họ ra đi từ nhiều tỉnh phía Bắc khi còn rất trẻ. Họ bỏ dở dang con đường học tập, những ước mơ bình dị như mọi chàng trai, cô gái để dấn thân vào một hoài bão lớn – chiến đấu vì sự độc lập dân tộc, nước nhà thống nhất.

Dưới cái nắng chang chang của miền gió Lào Quảng Trị mà cỏ lá nơi này vẫn xanh tươi, hoa vẫn khoe sắc. Cũng giống như cỏ xanh miên man của Thành Cổ Quảng Trị, đất trời có khắc nghiệt thế nào cũng khó làm mờ nhạt những miền đất thiêng.

Trung tâm văn hóa tâm linh huyện Hướng Hóa được thành lập năm 2013, trước đây gọi là Nghĩa trang liệt sỹ huyện Hướng Hóa. Nghĩa trang được xây dựng năm 1980, trên đồi Cù Bốc, có diện tích 5ha, tính đến thời điểm này có 2.138 mộ chí các liệt sỹ của 32 tỉnh thành trên cả nước, trong đó có người Kinh, đồng bào Vân Kiều, Pa Cô. Trong đó, có 689 liệt sĩ đã xác định được tên, đến từ các sư đoàn 304, 308, 325, pháo binh, pháo cao xạ, công binh, thông tin, bộ đội địa phương... và phần lớn hy sinh trong chiến dịch năm 1968. Hàng năm, trung tâm văn hóa tâm linh đón nhận hàng chục hài cốt liệt sỹ được phát hiện trên địa bàn huyện.

 
 Bảo tháp Khe Sanh, nằm trong Trung tâm văn hóa tâm linh huyện Hướng Hóa
 Đây được gọi là nghĩa trang “quốc tế”, vì là nơi chôn cất các liệt sỹ hi sinh trong công cuộc chiến tranh vệ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế tại Lào. Với sự đóng góp của 21 xã và các đơn vị cơ quan, quân đội, doanh nghiệp một rừng cây cổ thụ được trồng quanh nghĩa trang, có cây xanh gần 100 tuổi.

Nằm trên ngọn đồi cao nhất Khe Sanh, đứng ở khu văn hóa tâm linh có thể nhìn bao quát vùng đất lịch sử này: xa tít về hướng Đông Bắc là đỉnh Voi Mẹp – Tá Linh Sơn đỉnh núi cao nhất tỉnh Quảng Trị, trên 1.700m so với mực nước biển; gần hơn là đồi Động Tri đã đi vào nhạc của Huy Thục như một huyền thoại. Và hướng tây, căn cứ Làng Vây chập chùng mây phủ, dưới kia là suối La La, con suối chảy ngược từ Khe Sanh lên sườn tây Trường Sơn hòa vào sông Sê Pôn để qua Lào.

Giữa những địa danh lịch sử ấy là trùng trùng cà phê và hồ tiêu. Mùa này hoa cà phê nở trắng, màu trắng điểm giữa màu xanh cây lá lớp lớp từ thung lũng Khe Sanh cho đến Hướng Tân, Hướng Phùng. Nếu nhạy cảm một tý, dường như có thể nhận thấy mùi hương của loài hoa này trong gió nhẹ! Bởi thế, con người ở xứ được mệnh danh là Đà Lạt của miền Trung này, quanh năm hòa nhập với thiên nhiên, với rừng xanh dù cách đó không xa, đồ thị Lao Bảo với nhịp sống năng động, xô bồ vẫn không lấn át và mai một những nét “duyên” của Khe Sanh!

Những bậc thềm đá đi lên đồi Cù Bốc đã bóng nhẵn bởi vô vàn bước chân người! Hàng ngày trung tâm đón bao lớp người: từ đoàn cựu chiến binh, thân nhân các liệt sỹ, bạn bè đồng đội… và người dân địa phương đủ mọi tầng lớp. Họ đến đây để thắp nén hương, họ đến vì cái cảnh quan đẹp, họ đến tìm sự yên tĩnh… dù họ đến đây với mục đích gì nhưng đều kính cẩn trước mỗi bông hoa, ngọn cỏ. Vì ở đó như có hình bóng, dáng dấp của những người ngã xuống đang nằm ở xứ này.

 
 
 Có những ngày chúng tôi ngạc nhiên vì có những đôi uyên ương vào đây chụp ảnh cưới. Trước khi chụp ảnh họ thắp hương lên mộ, cùng cầu nguyện. Ôi, ở giữa nghĩa trang, sự vĩnh hằng của cái chết, sự hi sinh bất tử lại là mầm mống của sự sống thời hiện đại. Phải chăng lớp trẻ bây giờ đã thấm nhuần đạo lý uống nước nhớ nguồn mà đôi lúc cứ tưởng chúng bị nền văn hóa thực dụng du nhập ngoại lai làm lu mờ?

Nằm ở vị trí trung tâm của khu văn hóa tâm linh là nhà thờ. Nhà thờ được làm bằng gỗ, lợp ngói âm dương, gồm 7 gian rộng 200m2, có kết cấu phù hợp kiến trúc đình, chùa miền Trung với các hoa văn tiền đường do các nghệ nhân của thành phố Huế chạm khắc, phù hợp với tâm linh vùng dân cư Khe Sanh. Gian giữa thờ Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp, các gian còn lại thờ các anh hùng liệt sĩ, bậc tiền bối có công với huyện Hướng Hóa. Ngôi nhà được Công ty TNHH Thương mại Sài Gòn tài trợ kinh phí đầu tư xây dựng. Nhà rường có kết cấu phù hợp kiến trúc đình, chùa miền Trung với các hoa văn tiền đường do các nghệ nhân của thành phố Huế chạm khắc, phù hợp với tâm linh vùng dân cư Khe Sanh. Chính giữa là chiếc chiêng đồng cao 1m, nặng 350kg.

Giữa khung cảnh hài hòa, từ các công trình thấp đến cao dần, Bảo tháp Khe Sanh như một cánh tay với lấy mây trời lồng lộng. Đó là ước muốn thoát tục sau khi hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mỗi con người. Cũng như Thánh Gióng sau khi phá tan giặc ngoại xâm bỏ lại tiếng thơm cho đời rồi bay về trời vậy!

Bảo tháp Khe Sanh toạ lạc trên đỉnh di tích lịch sử Đồi Cù Bốc, gồm 7 tầng, cao 26m, tổng diện tích sàn 585m2, với vốn đầu từ 12 tỷ đồng do Bộ Quốc phòng hỗ trợ. Đây là công trình tạo điểm nhấn cho khu văn hóa tâm linh và thị trấn Khe Sanh. Nó thâu tầm mắt của từng người mỗi lần đi qua tuyến hành lang kinh tế Đông Tây và như nhắc nhở mỗi con người biết đến nguồn cội, sự hi sinh.

Tháng tư, Hướng Hóa đầy nắng và cờ hoa. Nhìn những đoàn người áo lính hướng về trung tâm văn hóa tâm linh như một dòng chảy của những tâm hồn hướng về lịch sử. Ở đó, họ cúi mặt khóc nức nở mỗi khi bắt gặp tên đồng đội trong hàng hàng lớp lớp mộ phần.

Theo Giám đốc Trung tâm văn hóa tâm linh, việc nâng cấp nghĩa trang thành một Trung tâm văn hóa tâm linh là có sự khác biệt về chất rất lớn. Bên cạnh việc thờ cúng, chăm sóc, bảo vệ các phần mộ liệt sĩ, phục vụ đón tiếp thân nhân liệt sĩ như vai trò nghĩa trang, trung tâm văn hóa tâm linh còn là điểm đến nằm trong chuỗi du lịch văn hóa tâm linh của tỉnh Quảng Trị. Trong tương lai sẽ hướng đến là một công viên nghĩa trang - một điểm thu hút khách du lịch tham quan trong tuyến Hành lang kinh tế Đông- Tây (EWEC). Ngoài ra, một đặc điểm khác biệt của trung tâm văn hóa tâm linh là hầu hết những công trình như bảo tháp, nhà thờ, nhà chờ, các thiết bị… đều được xã hội hóa, do các đơn vị, cơ quan trong và ngoài tỉnh tài trợ.

Sự lạc quan kỳ vọng về tương lai của đồng chí giám đốc Trung tâm có phần khả thi. Vì trong những đoàn khách viếng nghĩa trang có nhiều thành phần, không riêng gì những người lính cựu chiến binh, già có trẻ có. Khi đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh nhu cầu về du lịch, nghỉ dưỡng của con người ngày một phong phú. Trong đó du lịch hướng về cội nguồn dân tộc là một việc làm đầy nhân văn, thể hiện tâm hồn và bản sắc Việt Nam: ‘Uống nước nhớ nguồn”

TAGS

Lao Bảo, 25 năm xây dựng và phát triển

Nguyễn Khiêm |

Những ngày này, thị trấn biên giới Lao Bảo (Hướng Hóa, Quảng Trị) đang làm mọi công tác chuẩn bị cho 25 năm ngày thành lập.

Giao lưu thể thao hữu nghị Việt – Lào tại thị trấn biên giới Lao Bảo

Yên Mã Sơn |

Ngày 25.7 tại Nhà văn hóa khóm An Hà, thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, Quảng Trị đã khai mạc giải bóng đá và bóng chuyền nam với sự tham gia của các đội đến từ các đơn vị của Lào; các xã, thị trấn và các cửa khẩu quốc tế trên địa bàn

Khởi công xây dựng thêm nhà tình nghĩa Khe Sanh

Hưng Thơ |

Đây là ngôi nhà tình nghĩa Khe Sanh thứ 16 được khởi công xây dựng từ số tiền hỗ trợ của Quỹ Tấm lòng vàng (TLV) Lao Động.

Nông nghiệp Quảng Trị vươn ra thị trường thế giới

Tiến Nhất - Hưng Thơ |

“Với những bước đi hiện tại, Quảng Trị tự tin rằng trong tương lai gần, các sản phẩm nông nghiệp của quê hương có thể đứng vững và tự tin chinh phục các thị trường khó tính nhất trên thế giới”- ông Hà Sỹ Đồng phấn khởi nói.

Biến “cái nắng”, “cái gió” thành cơ hội phát triển

Hưng Thơ (thực hiện) |

Quảng Trị là mảnh đất mang nhiều dấu ấn đặc biệt trong lịch sử đấu tranh dân tộc. Nơi này là cầu nối hai miền Nam - Bắc, là nơi chịu nhiều đau thương, tang tóc. Trong chiến tranh người Quảng Trị anh dũng. Khi hòa bình lập lại, người Quảng Trị lại anh hùng lao vào “cuộc chiến” xây dựng quê hương.

1.7.2019 là tròn 30 năm từ ngày tái lập tỉnh Quảng Trị, Báo Lao Động có cuộc trò chuyện với ông Nguyễn Văn Hùng - Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Trị về những khởi sắc, kỳ vọng của nơi được mệnh danh là “đất lửa”. 

Có sân bay, Quảng Trị mới... cất cánh

YÊN MÃ SƠN |

Quảng Trị có hai cửa khẩu Quốc tế, có hệ thống giao thông thuận lợi, có cảng biển… nhưng sao xứ này không “cất cánh” lên nổi bởi… chưa có sân bay.

Quảng Trị sẽ trở thành một trung tâm năng lượng tái tạo của Việt Nam

HƯNG THƠ |

Ghi nhận và đánh giá cao những thành quả của tỉnh Quảng Trị đã đạt được trong 30 năm qua. Đảng và Nhà nước đã trao tặng Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Quảng Trị nhiều phần thưởng cao quý.