3 ngày liên tiếp, mưa rơi trên đỉnh Sa Mù. Địa điểm km37+7 đặc sương, đặc gió, đặc mây. Trụ sở Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) lấp ló trong sương. Tầm 20 mét đã không thấy mặt người. Mọi người nhận diện bằng tiếng nói, chúng tôi thì mịt mù trong khu rừng ủ sương, cứ âm âm u u cả một mảng, đôi lúc rợn người khi đi qua một đoạn dốc. Nhìn xuống dưới thung sâu cứ nghĩ mình rớt trong tưởng tượng.
Thế giới “ba vắt”
Chưa ai đi cân, đo, đong, đếm loài vắt, loài vật hút máu mà những người dạn dày với rừng cũng sởn gai ốc khi thấy chúng bò nhung nhúc trên thảm mục. Người có 14 năm ở rừng như anh Bùi Công Thừa khi nghe con số do tôi làm toán “500 mét vuông thảm mục ở đây có 1kg vắt” này cũng phải so vai, nhíu mày. Như thế mỗi người gánh bao nhiêu kg vắt?
Tôi bảo anh Thừa đừng tính, đừng chia, cứ để nguyên khối thế và tập thể nhấc lên một lúc, vừa thể hiện tinh thần đoàn kết, vừa tổng hòa được sức mạnh của cả 11 người. Anh Thừa cười, còn ông Hà Văn Hoan - Phó Giám đốc Khu Bảo tồn cởi chiếc áo mưa và nhìn mấy con vắt hút no máu vừa thả khỏi chân mình. Ông bảo, mỗi ngày nhu cầu của con người đối với những sản vật ở rừng càng trở nên đa dạng nên chúng tôi phải ra sức canh giữ rừng. Trong đặc hà sa số những thứ người ta trấn lột từ rừng thì họ loại trừ vắt ra. Nói mà cười chứ chẳng thấy ai mua vắt cho cái, hoặc chúng tôi cho không.
Vừa dứt lời thì “đại đội vắt” ngửi được mùi máu ở chân ông Hoan tiến tới nhịp nhàng, chúng ngẩng đầu như trái ớt chỉ thiên đang độ ửng đỏ. Ông Hoan bỏ mặc chúng, 22 năm lăn lộn với rừng, ông Hoan coi vắt rừng là loại “tép riu”. Còn với tôi, những gì đáng sợ thì cứ tiếp tục mà sợ.
Trong chừng 200 mét vuông đất xây dựng trụ sở và nhà ở tập thể của khu bảo tồn cũng là nơi ngự trị của vắt. Vắt leo lên giường, vắt chui vào nhà vệ sinh và vắt trèo lên máy tính. Thêm chút nữa, chuyện đùa nhưng thật, mỗi năm 365 ngày thì chí ít mỗi người (trong tổng số 11 cán bộ, công nhân viên chức của Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa) bị ít nhất 365 con vắt đeo, hút máu.
Thực tế đó đã được chứng minh trên hành trình 40km đường chim bay chúng tôi đến tận bản Cuôi (thuộc xã Hướng Lập). Trên gập ghềnh đá núi, lãng đãng sương giăng, mây phủ là thảm mục và lổn nhổn vắt rừng. Kéo theo nó là máu đỏ từ những đôi chân của nhóm tuần tra, có người vắt đến “thăm” tận vùng kín. Vậy mà trong 11 cán bộ, công nhân viên chức của Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa, vẫn có đến 3 nữ “chiến binh”. Thấy tôi cười khi ý nghĩ ấy len vào đầu thì Phương, “nữ chiến binh” trẻ tuổi ở khu bảo tồn cũng cười theo: “Em mới vừa lên đây vài tháng thôi, làm văn phòng nhưng cũng được vắt rừng thăm đến nơi đến chốn. Nghe mấy anh trong đội nói, tới mùa mưa, vắt lộn lên mới kinh hoàng”.
Cuộc chiến giữ rừng
Không có họ, 11 cán bộ, viên chức của Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa thì sẽ có những người khác! Tôi nói như thế, chắc như thế và nó sẽ diễn ra như thế. Nhưng sao lại là họ mà không phải là ai khác? Đó mới là điều đáng để thắc thỏm. Rừng chọn họ hay họ chọn rừng? Chỉ cần nói gãy gọn rằng “rừng nó ngấm vào xương” và họ đã chọn rừng là nơi sinh sống, làm việc, bám trụ. Mỗi người có một cơ duyên khác nhau nhưng cuối cùng họ về đây hội tụ ở rừng, chung một mục tiêu là giữ gần 24ha rừng xanh đến rợp người.
Từ cái thời ngồi trên ghế nhà trường, Bùi Công Thừa đã mê rừng và giờ đây đâm ra nhớ rừng khi ở ngay trên đỉnh Sa Mù chót vót. “Hồi đi học, tôi đã thích chui vào rừng. Cái cảm giác được đi dưới tán lá, được ngắm cây rừng, được nhìn thú rừng, hoa rừng... cứ như mê. Chừ một vài ngày không vô rừng là nhớ lắm”, Bùi Công Thừa nói. Tốt nghiệp Đại học Nông lâm Huế, Thừa “chui” vào rừng làm cán bộ kiểm lâm. Sau ngày Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa được thành lập (năm 2010), Thừa chuyển sang đây.
14 năm sống với rừng với những đam mê cháy bỏng. Những đúc kết với những triết lí nhân sinh của Thừa trên độ cao hơn 1.500m này nó rất “đời”. Thừa tâm sự, rằng nếu người trồng rừng mà giàu lên thì bền vững, còn người lấy của rừng, phá rừng mà giàu lên thì bị rừng phạt rất thỏa đáng. Nhớ câu “ăn của rừng rưng rưng nước mắt”, không dửng dưng mà ông cha ta đã đúc kết như thế. Và cũng không dửng dưng mà 11 cán bộ, công nhân viên chức (phần lớn có trình độ đại học và trên đại học) chọn cái nơi khỉ ho cò gáy này để làm việc với mức lương bình quân chung 6 triệu đồng/tháng và không có phụ cấp đặc thù. Họ, những chiến sĩ bảo vệ rừng ngày đêm thầm lặng lấy cành cây xanh, con thú khỏe làm động lực sống và làm việc của mình.
Trong núi thẳm rừng xanh của gần 24 ngàn ha của dãy Trường Sơn Bắc, là khu vực duy nhất của Việt Nam có cả Đông và Tây Trường Sơn với dãy núi cao trên 1.000 m chạy theo hướng Tây Bắc – Đông Nam, dọc ranh giới hai tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị. Hỏi, anh Hà Văn Hoan - Phó Giám đốc Khu bảo tồn, rằng vì sao anh vẫn xem việc giữ rừng như một cuộc chiến? Anh Hoan cho hay: “Nếu không giành giật, không bảo vệ, không gìn giữ, không cướp phá thì không phải là cuộc chiến. Nhìn rừng bình lặng rứa chứ đó là một cuộc chiến đúng nghĩa. Có quá nhiều người và bội số nhu cầu đánh cắp của rừng, lột của rừng vì lợi ích của riêng mình”.
Anh Hoan chia sẻ thêm, chúng tôi rất “neo” người. Theo Quyết định 186/2006/QĐ-TTg, ngày 14.8.2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy chế quản lý rừng, nếu khu Bảo tồn chưa có hạt Kiểm lâm thì thành lập lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách, cứ 500ha rừng thì có 1 người bảo vệ, tương ứng với diện tích gần 24 ngàn ha của Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa cần có 46 người bảo vệ. Tuy nhiên, trong 11 cán bộ công nhân viên chức ở đây thì lực lượng bảo vệ rừng chỉ có 4 người! So với quy định còn thiếu tới 42 bảo vệ.
Cuộc chiến bảo vệ rừng ở khu bảo tồn dựa vào lực lượng bảo vệ rừng cộng đồng các xã Hướng Lập, Hướng Phùng, Hướng Sơn, Hướng Việt và Hướng Linh. Mỗi xã có một tổ bảo vệ rừng cộng đồng chừng 10 người. Họ là lực lượng hỗ trợ đắc lực cho khu bảo tồn trong việc giữ rừng xanh như lá, nhất là những khu vực giáp ranh xa xôi.
Bảo vệ rừng bằng... rựa
Tôi hỏi anh Nguyễn Ngọc Truyền - người có gần 20 năm làm công tác bảo vệ rừng, hiện phụ trách địa bàn xã Hướng Lập - rằng, dụng cụ, vũ khí hỗ trợ cho anh bảo vệ rừng là gì thì anh Truyền lấy ngay một chiếc rựa bảo, nó đây. Chỉ bằng ấy thôi ư, tôi hỏi tiếp. anh Truyền gật đầu, chỉ bằng đó.
Không trang phục (hiện tại lực lượng bảo vệ rừng của khu bảo tồn vẫn kế thừa những phục trang kiểm lâm được cấp trước đây), không vũ khí, phương tiện đi lại chỉ vài chiếc xe máy rất “tàng” thì điều gì khiến những “chiến sĩ rừng” này làm nên lịch sử khi bảo vệ thành công gần chục năm nay 24 ngàn ha rừng với 1.371 loài động thực vật?, trong số đó, thực vật có 17 loài có tên trong Sách Đỏ Việt Nam và 23 loài – trong Sách Đỏ thế giới; động vật bao gồm quần thể các loài động quý hiếm như: Gà lôi lam mào trắng, Voọc Hà Tĩnh, Sao la, Mang lớn, Thỏ vằn, bò tót...
Những điều rất bình dị nhưng với người chưa nhận ra, nó trở thành sự nghi vấn. Anh Bùi Công Thừa tâm sự với tôi rằng, sáu năm tròn phụ trách địa bàn xã Hướng Lập, hầu như ngày nào anh cũng ở trong rừng. “Một mình canh giữ cả khu vực rộng lớn mênh mông lại không được trang bị vũ khí, tôi tự thân nhờ lực lượng Biên phòng, lực lượng bảo vệ rừng cộng đồng hỗ trợ khi giải quyết sự vụ hoặc tuần tra rừng khu vực. Còn thường ngày thì đi bằng đôi chân của mình, một mình một rựa đi coi sóc rừng. Công tác bảo tồn làm thay đổi ứng xử của mọi người đối với rừng. Giữ rừng là giữ cuộc sống, người dân am hiểu điều này nên cùng chung tay, góp sức với chúng tôi trong việc bảo tồn” – anh Thừa nói.
Mỗi người một cây rựa trên những nẻo rừng thênh thang rình rập những hiểm nguy nhưng họ không trù trừ, không do dự. Anh Hà Văn Hoan, Phó Giám đốc vừa đi tuần tra vừa lục lọi tận hốc cây, thảm mục để tìm những loài thực vật mới. Ban đầu, anh Hoan thực hiện việc này theo sự hứng thú, tiếp đó là đề tài nghiên cứu sinh trong vòng 3 năm (2014 - 2017) và giờ đây đã trở thành nỗi đam mê không thể nào từ bỏ.
Cũng như anh Hoan, anh Bùi Công Thừa đi tìm dấu chân những con thú nhỏ, thú to, đến cả dấu chân các loài mèo rừng anh Thừa cũng nhận ra mồn một. Nhận thấy mỗi dấu chân thú là trên môi Thừa nở một nụ cười, đó là niềm vui và hạnh phúc của anh; cũng như lúc trở về nhà, anh Thừa nhìn thấy nụ cười của vợ con chào đón mình ở cửa, đó là niềm hạnh phúc vô biên. Nhìn những nụ cười trên môi họ, những đôi mắt lấp lánh niềm vui của anh Hoan, của anh Thừa, của anh Truyền, của anh Phương chợt dấy lên niềm hạnh phúc. Chợt nghĩ, đó là “lộc rừng” chảy xuống đời họ, có lẽ thế.