Thầy cô giáo của chúng tôi ở những ngôi trường làng giờ đã già lắm. Họ đã lên chức ông bà còn chúng tôi đã làm cha, làm mẹ.
Hơn ba mươi năm, tôi rời xa những ngôi trường làng. Đi khắp chốn bốn phương mà vẫn nhớ những năm học mầm non rồi tiểu học. Dường như những tháng năm khốn khó đã in sâu vào máu thịt của tôi. Và hình ảnh về bạn bè, về thầy cô, về mái trường, về chính bản thân tôi vẫn còn nhớ.
Tôi ngày ấy đen nhẻm, ốm nhom, cái áo trắng duy nhất chạy trong cơn mưa bị mực thấm vào túi áo. Tối về bỏ vào chỗ có mực thêm ít xà phòng hơn thường lệ và vắt nước cốt chanh lên, cố mà chải, cố mà giặt, cố để làm sao giữ được chiếc áo trắng tinh để ngày mai còn đến trường.Sáng hôm sau, tôi đến trường mà không có áo trắng. Trận mưa đêm qua không đủ hong khô chiếc áo mỏng. Đứng trước thầy, tôi bối rối. Thầy chỉ nhìn tôi cười rồi xoa tay lên đầu tôi. Tôi bước vào lớp mà lòng vẫn không thôi lo lắng.
Năm đó tôi học lớp bốn, năm đó trường cách nhà tới bảy cây số đường rừng. Hồi đó tôi không hiểu, vì sao trường lại nằm sâu hun hút giữa rừng thông. Sau này tôi mới biết, đó là cái kho của hợp tác xã còn tận dụng được cho học sinh làm trường học.
Ở xã tôi có gần chục cái kho như thế. Và khi cái kho này bị hỏng vách hoặc bị mưa dột, trường lại chuyển đến những nơi khác để tiếp tục cho việc dạy và học. Trên chiếc xe đạp lọc cọc, các thầy cô sáng lên lớp với học trò, chiều về làm nông nghiệp. Hồi đó mỗi thôn đều có ruộng thầy. Cứ chia đất là để riêng cho thầy cô mỗi người một sào ruộng để tăng gia. Đồng lương giáo viên thời ấy không đủ để nuôi sống giáo viên nói gì đến chăm lo cho gia đình. Các thầy cô giáo của tôi, người thì xuống ruộng, người tranh thủ đi buôn, người chăn nuôi, cũng có thầy đến chiều lên rừng đặt bẫy... bao nhiêu nghề như thế để cứu lấy từng con chữ. Lớp người ấy đã về hưu, có thầy cô đã nằm lặng im dưới ba tấc đất. Nghĩ đến sự khốn khó đó, lòng không khỏi ngậm ngùi.Ngày đó, tôi còn nhớ rõ. Khi cái nhà Hợp tác tận dụng để làm trường ở trong rừng bị dột nát, chúng tôi được về học cạnh nhà. Đó cũng là cái nhà kho có tới 5 ngăn. Đây là nơi chứa lương thực, phân bón và cả thuốc trừ sâu! Khu tập thể giáo viên ở gần nơi chúng tôi học, cạnh nhà tập thể là khu ruộng thầy cô.
Năm tôi học lớp năm, khu nhà tập thể bị cháy. Cô Thông ngồi khóc bên hai con lợn bị lửa hun cho rám vàng, cô Huyền đứng lau nước mắt khi nhìn đống quần áo khói bốc lên màu đen kịt, thầy Công đi hót lại những hạt đậu còn sót lại của một mùa làm.
Lũ học trò chúng tôi ngày ấy còn quá bé, chúng tôi chỉ đứng nhìn, tuyệt nhiên chúng tôi lặng im. Thường ngày chúng tôi hay quậy phá nhưng hôm ấy chúng tôi đã khác đi hơn nhiều so với thường lệ. Ngày sau thì thầy cô chuyển về ở tạm gian phòng chỗ nhà kho. Khu tập thể cũ được phụ huynh tập trung dựng cột bạch đàn rồi buộc đòn tay tre, lợp mái tranh. Sự cố gắng của cả làng trong một tuần cuối cùng thầy cô cũng có được chỗ ở tạm bợ.
Cái thời ấy không hề có khoảng cách giữa giáo viên, phụ huynh với học sinh. Mọi người tôn thờ thầy cô bởi đức tính giản dị, chịu thương, chịu khó. Nghĩa cử của cô thầy như người thân trong gia đình. Sau này, lúc chúng tôi lên Trung học thầy cô giáo thời Tiểu học vẫn dõi theo việc học tập của chúng tôi. Học sinh nào có tiến bộ, học sinh nào học giảm sút đi các thầy cô giáo đều theo dõi được. Cái nghĩa cử ấy như người trồng loài cây quý, cứ chờ từ hạt mầm nứt ra, chồi cây vươn lên rồi trông cây lớn từng ngày cho đến khi cây đơm hoa kết trái. Cũng vì lẽ đó mà dù có đi khắp nơi, tôi vẫn nhớ về những ngôi trường làng với những bạn bè, thầy cô thuở đó. Đó là những kỷ niệm của tháng ngày khốn khó nhưng nó cũng rất đỗi thơm tho.
So với bây giờ, khi một lớp Tiểu học có thể có nhiều giáo viên bộ môn khác nhau đến nỗi học trò khi lên một vài lớp đã không nhớ nổi tên thì mỗi lớp học của chúng tôi ngày trước đều gắn liền với tên của một thầy hoặc cô giáo. Tôi vẫn nhớ tên thầy cô giáo theo thứ tự lớp học từ lớp một đến lớp năm. Cô Hà, cô Huyền, thầy Nin, cô Hồng, cô Xuân. Cũng theo đó những lớp tiểu học của chúng tôi không có giáo viên bộ môn. Ngày đó học trò thiếu thốn đủ bề còn giáo viên thì thiếu trước hụt sau. Sáng sớm học sinh đến trường nhịn đói, thầy cô lên lớp cũng không có gì để ăn. Những ngôi trường làng xác xơ cùng những đứa học trò gầy nhom, đen đúa. Bóng dáng thầy cô mỗi chiều bên mái tranh cạnh giàn bầu giàn bí, từ mái nhà tranh làn khói tỏa lên. Mùa mưa khói mang theo một ít hơi nước, màu xanh tím.
Buổi tối là thời khắc hay ho nhất, tôi thường gọi chuyện sắp kể ra sau đây là câu chuyện hy hữu trong đời mỗi học sinh thời học đèn dầu. Thỉnh thoảng mỗi tối, bất luận trời mưa hay nắng, cứ khoảng bảy tám giờ nghe tiếng chó sủa là một số thầy cô ghé nhà chơi. Việc ghé thăm này có chủ đích cả, giáo viên chia sẻ với phụ huynh về việc đồng áng, chuyện thời tiết, chuyện nước sông gạo chợ... nhưng cái quan trọng nhất là kiểm tra xem học sinh tối về có học bài cũ hay không.Có cả cách kiểm tra chéo để đảm bảo tính khách quan, cứ giáo viên này kiểm tra học trò của giáo viên kia và ngược lại. Trò nào không học bài ngày mai bị kiểm điểm ngay trước lớp. Chuyện kiểm tra việc học tập của học sinh ngay tại nhà là việc làm mang ý nghĩa cao cả của nghề giáo. Đến bây giờ tôi vẫn thán phục việc làm đó. Chỉ có thể là ngày xưa của thầy, của trò mới dệt nên câu chuyện đó. Chỉ có thể là tình yêu thương của thầy cô dành cho học trò mới có được việc làm như thế.
Trường học ngày xưa tạm bợ, nhiều lúc thiếu hẳn bàn ghế, học sinh phải đặt vở giữa nền nhà để viết nhưng trên bàn giáo viên không thể thiếu khăn trải bàn và chiếc bình hoa. Có lẽ đó là nơi tôn vinh sự cao quý của nghề giáo để chúng tôi luôn ngước nhìn và làm cái đích vươn tới. Không hà cớ gì cứ mười học sinh ngày đó có đến chín người mơ trở thành giáo viên. Tôi nhớ nhất là chiếc bình hoa đặt trên lớp. bây giờ các trường hay đặt hoa giả lên bàn. Ngày đó mỗi ngày bình hoa được thay mỗi loại hoa khác nhau. Hoa từ vườn nhà học trò cắt lên, từ những ngôi nhà hàng xóm và cả hoa dại từ rừng. Mùa hoa dẻ là mùa thích nhất. Những cánh hoa dẻ thơm lừng được chúng tôi ép trong trang sách, cành hoa dẻ ngày ấy thay cho chiếc thẻ đánh dấu sách ngày nay. Cứ học đến trang nào, chúng tôi đặt hoa dẻ vào đó để đánh dấu. Đến hết năm học, màu vàng ấy vẫn còn giữ được và hương thơm còn phảng phất. Cô Hà thường gọi đó là mùi hương khô. Cô Hà cũng rất thích loài hoa đó. Năm cô mất vì ốm, tôi vẫn mong đặt lên bàn thờ cô cành hoa dẻ, nhưng cô ra đi vào mùa đông, rất lạnh.
Có những năm trời hạn không có hoa, chúng tôi thường hay lấy lá bạch đàn non cao chừng năm mươi centimet cắm vào lọ hoa có màu hồng rất ưa mắt. Đó là sáng kiến của Hoàng. Buổi sáng hôm ấy tổ chúng tôi không kiếm ra đâu được hoa tươi mà giờ học thì sắp đến. Đó là năm học lớp năm. Cô Xuân rất thương yêu học trò nhưng cực kỳ nghiêm khắc, cô lại thích ngắm hoa tươi trên bàn. Bí bách quá Hoàng chạy ra ngọn đồi cạnh trường vớ lấy hơn mười chồi bạch đàn còn non tơ, cậu ta cắm vào chiếc lọ. Cả lớp nhìn chiếc bình hoa vừa thán phục Hoàng vừa thích thú ngắm cái đẹp lạ lùng nhưng vẫn không thôi lo lắng. Hôm đó cô Xuân khen lọ hoa đẹp, mà nó đẹp thật, màu hồng phấn của lá và cây bạch đàn nổi lên trên chiếc lọ hoa màu trắng. Tinh dầu bạch đàn tỏa hương thơm nhè nhẹ, đấy là một bình hoa có đủ cả hương lẫn sắc mặc dù trên chiếc bình ấy không có lấy một bông hoa.Thầy cô giáo của chúng tôi ở những ngôi trường làng giờ đã già lắm. Họ đã lên chức ông bà còn chúng tôi đã làm cha, làm mẹ. Nhưng mỗi lần gặp chúng tôi dịp tụ về trường hay tình cờ trên đường qua lại, những ánh mắt trìu mến ấy của thầy cô vẫn dành cho chúng tôi. Với họ, chúng tôi không những là những đứa học trò, mà chúng tôi còn là đứa con... chữ do thầy cô uốn nắn, dạy bão, yêu thương, nâng niu, chăm sóc.
Thời đó người ta coi lễ nghĩa của học trò là chuẩn mực hàng đầu trong môi trường giáo dục. Trò ngoan được nhà trường biểu dương cùng với lóp học, cùng với tên thầy. Trò vi phạm bị nhà trường kiểm. Cũng vì thế tên chúng tôi thường gắn với tên cô thầy mỗi dịp về trường dự lễ. Học trò thầy Nin, học trò cô Xuân, trò của thầy Công... bao tên học trò gắn với tên thầy, gắn với những mái trường làng không hề vơi đi trong ký ức. Qua chừng đó thời gian, với rất nhiều hình ảnh chồng xếp lên nhau của những trang ký ức. Nhưng trường làng với thầy cô giáo làng là một cuốn sách đầy tình yêu thương và hình ảnh đẹp. Quanh đi quẩn lại chúng tôi vẫn thấy mình may mắn vì đã đi qua hết và lưu giữ được những ký ức rất ngọt ngào của tuổi thơ, của học trò, của thầy cô.