Hằng năm, cứ đến ngày Giỗ Tổ Hùng Vương 10/3 âm lịch, triệu triệu người con trên khắp mọi miền Tổ quốc Việt Nam và kiều bào đang sinh sống ở nước ngoài lại một lòng hướng về đất Tổ với tất cả thành kính để tri ân công đức tổ tiên. Người dân Quảng Trị cũng luôn hướng về đất Tổ với những việc làm ý nghĩa.
Lễ hội Đền Hùng ở thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ còn được gọi là Giỗ Tổ Hùng Vương mồng 10/3 âm lịch, là một lễ hội lớn nhằm tưởng nhớ và tỏ lòng biết ơn công lao lập nước của các Vua Hùng, những vị vua đầu tiên của dân tộc. Người Việt Nam ai cũng tự hào mình là con Lạc cháu Hồng, cũng muốn một lần trong đời hành hương về đất Tổ vào những ngày này.
Ông Lê Hữu Thăng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, là người may mắn được 2 lần về dự lễ giỗ các Vua Hùng vào dịp chính lễ cho biết, lần đầu cũng như lần sau, mỗi khi đặt chân đến Đền Hùng, hòa vào dòng người hành hương tấp nập, ông đều có cảm giác bồi hồi, xúc động của đứa con xa về với đất Tổ. Lòng thành dâng nén nhang thơm tưởng nhớ công đức tổ tiên, ông cầu mong đất nước mãi trường tồn, phồn thịnh, người dân hạnh phúc, an vui. Giỗ Tổ Hùng Vương là sự kiện trọng đại, là ngày giỗ tổ tiên chung của dân tộc, là niềm tự hào dân tộc mà không phải đất nước nào cũng có. Ngày Giỗ Tổ cũng là dịp để giáo dục, hình thành trong các thế hệ tinh thần yêu nước và tinh thần dân tộc.
Ông Thăng nhớ lại phần lễ giỗ rất linh thiêng và trang trọng, được cử hành theo nghi thức truyền thống có từ nghìn đời nay. Phần hội là ngày hội để người dân thể hiện lòng tôn kính, sự biết ơn, dâng lên các Vua Hùng những sản vật đặc sắc nhất, ý nghĩa nhất của các địa phương. Với nhận thức “chim có tổ, người có tông”, ông luôn khuyên thế hệ trẻ hôm nay cần sắp xếp thời điểm hợp lý, ít nhất trong đời có được một lần về đất Tổ để ý thức sâu sắc hơn về cội nguồn. Năm nay đã gần bảy mươi tuổi nhưng trong tâm thức của mình, ông Thăng vẫn mong được về lại đất Tổ thêm nhiều lần nữa.
Không có nhiều sức khỏe và điều kiện để được về đất Tổ giỗ các Vua Hùng, vợ chồng ông Trần Đức Toàn ở Phường 1, TP.Đông Hà, mỗi năm đến dịp này, cùng các con làm mâm cơm dâng cúng trời đất bái vọng tiên tổ. Theo ông Toàn, việc làm của gia đình mình là để dạy con cháu biết ơn nguồn cội, biết sống đoàn kết yêu thương, đùm bọc lẫn nhau. Sau khi lễ xong, cả gia đình quây quần bên nhau, ông bà kể câu chuyện Âu Cơ- Lạc Long Quân, sự tích dưa hấu, bánh chưng bánh dày… cho các cháu cùng nghe. Câu chuyện về ngày Giỗ Tổ Hùng Vương lại dày thêm trong ký ức con cháu ông mỗi lần như thế.
Trong truyền thống văn hóa Việt Nam, khi nhà có giỗ , mỗi người con đều cố gắng về quê hương, cội nguồn để góp giỗ, nhưng có người ở xa không về được cũng sẽ làm mâm cơm dâng lên ông bà, tổ tiên tại nơi mình đang sinh sống. Với Giỗ Tổ Hùng Vương, nhiều người không về được với đất Tổ, cũng tổ chức giỗ nơi chính mảnh đất của mình đang sinh sống. Tại ngôi làng nhỏ Đức Xá, xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị), kể từ năm 2006 các dòng họ trong làng đều ấn định ngày 10/ 3 âm lịch hằng năm làm ngày giỗ và chạp mộ của dòng họ, như một cách để con cháu tưởng nhớ công đức ông bà, tổ tiên, và cũng là cách mà người dân nơi đây nhắc nhớ các thế hệ con cháu của mình về ngày Giỗ Tổ Hùng Vương.
Trao đổi với chúng tôi, nhà nghiên cứu lịch sử-văn hóa Lê Đức Thọ cho biết, ngày Quốc giỗ là dịp để cháu con ý thức về truyền thống cha ông, tự hào về sức mạnh cội nguồn, sức mạnh đoàn kết toàn dân, về sự trường tồn của dân tộc Việt Nam. Tín ngưỡng thờ cúng các Vua Hùng ở Phú Thọ của dân tộc ta đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2012. Giỗ Tổ Hùng Vương-Lễ hội Đền Hùng còn là dịp để giáo dục truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, lòng biết ơn sâu sắc các Vua Hùng đã có công dựng nước và thế hệ cha ông giữ nước, là ngày để toàn dân ta nguyện một lòng mãi thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.
Ông Trần Đình Tùng, một người cao niên làng Đức Xá cho biết, làng gồm hơn 450 hộ, có các họ Trần, Lê, Nguyễn, Phan… Vào ngày này, con cháu của làng đang làm ăn xa trên khắp mọi miền đất nước thường trở về quê hương, thắp nhang, chạp mộ, tưởng nhớ nguồn cội của mình và cùng hướng về ngày Giỗ Tổ trọng đại của dân tộc. Vì vậy, ngày 10/3 ở Đức Xá luôn rộn ràng, đông vui như ngày tết của các dòng họ. Tuy nhiên, năm nay do tình hình COVID-19 đang diễn biến phức tạp, người dân cần chấp hành nghiêm túc các quy định và khuyến cáo của các ngành chức năng để phòng, chống dịch bệnh, không tụ tập đông người nên chỉ đại diện các họ đến dâng lễ tại nhà thờ, cầu mong tổ tiên cho con cháu sức khỏe, đoàn kết, ấm no; quê hương, đất nước được bình an.
Trong tình hình COVID-19 diễn biến phức tạp nên năm 2020, Lễ Giỗ Tổ chỉ tổ chức phần lễ, không tổ chức phần hội. Theo đó, kỳ lễ tổ chức 3 hoạt động lễ chính, gồm: Lễ Giỗ Đức Quốc Tổ Lạc Long Quân và Lễ dâng hương Tổ Mẫu Âu Cơ tổ chức vào mùng 6/3 năm Canh Tý. Lễ dâng hương Giỗ Tổ Hùng Vương bắt đầu lúc 9 giờ ngày mùng 10/3 năm Canh Tý. Nhằm tránh việc tập trung đông người, lễ dâng hương sẽ không tổ chức nghi thức đoàn rước kiệu từ sân hành lễ và không truyền hình trực tiếp trên sóng truyền hình.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)