Năm 2019, Hà Tĩnh hướng đến một tỉnh khá cả nước. Các chỉ tiêu kinh tế Hà Tĩnh đặt mục tiêu phấn đấu trong năm nay: GRDP tăng 11,5 - 12%; GRDP bình quân đầu người đạt 55 triệu đồng. Sản lượng lương thực duy trì ổn định trên 51 vạn tấn; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt trên 38 nghìn tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt 1,1 tỷ USD; thu ngân sách trên địa bàn đạt 13.200 tỷ đồng.
Công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn dắt đà tăng trưởng
Theo thông tin từ Sở KH&ĐT Hà Tĩnh, trong quý I/2019, toàn tỉnh cấp đăng ký thành lập mới cho 152 doanh nghiệp (DN), tăng 30% so với cùng kỳ năm 2018; có 96 DN hoạt động trở lại (tăng 71% so với cùng kỳ). 6 tháng đầu năm 2019, Hà Tĩnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 23 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký 585 tỷ đồng. Đặc biệt, trong những tháng đầu năm, tiến độ thi công các dự án, công trình trọng điểm được tập trung chỉ đạo để đưa vào hoạt động như: Khánh thành Dự án nhà máy Sản xuất gỗ MDF, HDF Thanh Thành Đạt; Đồng hành cùng Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh hoàn thành chuyển đổi công nghệ làm nguội cốc vào quý II/2019 theo lộ trình; phối hợp chặt chẽ với các Cục, Vụ của Bộ Công Thương đẩy nhanh tiến độ dự án Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng II…
Cơ cấu nội ngành tiếp tục có nhiều chuyển biến theo hướng tích cực, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đang dẫn dắt đà tăng trưởng chung của toàn ngành. Theo đó, quý I/2019, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 43,03%; ngành công nghiệp khai khoáng tăng 14,55%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt và điều hòa không khí tăng 3,57%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 19,99% so với cùng kỳ.
Với năng lực sản xuất 2,8 vạn cọc sợi/năm, Nhà máy Sợi Vinatex Hồng Lĩnh là đơn vị sản xuất công nghiệp mạnh; Hoạt động sản xuất sợi duy trì ổn định nhờ giữ được các thị trường xuất khẩu chủ lực như: Hàn Quốc, Đài Loan. Nhà máy Bia Sài Gòn - Hà Tĩnh đầu tư dây chuyền hiện đại để cho ra đời các sản phẩm chất lượng, được thị trường ưa chuộng. UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa tổ chức thành công hội thảo “Kết nối DN đầu tư, cung cấp, sử dụng nguyên vật liệu, sản phẩm của công nghiệp gang thép” với sự tham dự của 200 DN trong và ngoài nước.
Tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư
Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Dương Tất Thắng cho biết: Để tiếp tục thu hút đầu tư có hiệu quả, cải thiện môi trường kinh doanh, UBND tỉnh đã xây dựng kế hoạch, chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành, thị tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm, hành động thiết thực, hỗ trợ, động viên cộng đồng DN trên địa bàn tỉnh. Hà Tĩnh đã, đang và sẽ tích cực phối hợp với các bộ, ngành trong việc đề xuất các cơ chế, chính sách phát triển các ngành công nghiệp chế biến và công nghiệp hỗ trợ. Đặc biệt là kết nối Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh với các nhà đầu tư trong và ngoài nước để thu hút các dự án sản xuất, cung cấp các vật tư, thiết bị thay thế định kỳ, thường xuyên và sản xuất, chế biến sản phẩm từ nguyên liệu thép. “Công ty Formosa Hà Tĩnh đã có nhiều cách giới thiệu về nhu cầu nguyên vật liệu và sản phẩm gang thép đến các DN trong và ngoại tỉnh. Các DN, nhà đầu tư trong và ngoài nước đang quan tâm để nắm bắt các cơ chế, chính sách, nhất là ưu đãi đầu tư, cơ hội đầu tư, danh mục các dự án kêu gọi đầu tư… vào địa bàn tỉnh Hà Tĩnh; - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Dương Tất Thắng nói.
Năm 2019, tỉnh Hà Tĩnh phấn đấu thu hút khoảng 150 dự án đầu tư với tổng mức khoảng 2.500 triệu USD, trong đó vốn FDI khoảng 2.250 triệu USD .Những dự án có khả năng quyết định chủ trương đầu tư, đăng ký đầu tư gồm: Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng II; Tổ hợp Sân gold, du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí và đô thị biển FLC Thiên Cầm, Dự án Khu đô thị sinh thái, du lịch, vui chơi giải trí Đảo Xuân Giang 2 và Dự án Khu đô thị thương mại dịch vụ biệt thự sinh thái Nam cầu Phủ của Tập đoàn T&T...
Đồng thời, tỉnh tập trung kêu gọi các nhà đầu tư chiến lược như: Tập đoàn Vingroup, Tập đoàn T&T, Tập đoàn FLC, Tập đoàn Nguyễn Hoàng, Công ty German Asean Power - Đức, Tập đoàn Intersack - Hàn Quốc.. Nhà máy May HAIVINA Hồng Lĩnh của Công ty TNHH HAIVINA Hàn Quốc, công suất 12 triệu SP/năm, tổng số vốn đăng ký 15 triệu USD (khoảng 337,5 tỷ đồng), sử dụng khoảng 4.000 - 5.000 lao động; 2 dự án nhà máy điện mặt trời tại xã Sơn Quang (Hương Sơn) và xã cẩm Hưng (Cẩm Xuyên) của Công ty GA. Power LTE. LDT - CHLB Đức, tổng công suất 58MW, tổng vốn đầu tư 46,6 triệu USD (khoảng 1.048 tỷ đồng)...
(Nguồn: Lao Động)