Cơ hội thúc đẩy phát triển nông nghiệp, nông thôn ở Hướng Hóa

Ngọc Trang |

Thời gian qua, huyện Hướng Hóa tích cực triển khai chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP). Bước đầu, chương trình đã góp phần phát huy tiềm năng, lợi thế các sản phẩm đặc trưng của từng vùng, miền, tạo điều kiện xây dựng thương hiệu sản phẩm bài bản và bền vững. Qua đó, giúp người dân nâng cao thu nhập, tạo đà để địa phương thực hiện mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững, đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Khai thác vùng đất đồi màu mỡ, hơn 10 năm trước, gia đình chị Nông Thị Hạnh ở thôn Tân Xuyên, xã Tân Hợp (Hướng Hóa, Quảng Trị) đầu tư trồng 2 ha cà phê. Nhờ loại cây này 7 năm nay, trừ chi phí gia đình chị lãi hơn 100 triệu đồng/năm. Bên cạnh đó, gia đình chị còn thu mua cà phê của người dân các xã lân cận để bán lại cho doanh nghiệp. Khi kinh tế phát triển khá ổn định, năm 2018 gia đình chị Hạnh đầu tư máy móc, thiết bị sản xuất cà phê sạch cung cấp cho một doanh nghiệp ở Hà Nội.

Quy trình sản xuất, đóng gói sản phẩm được Công ty TNHH Hoàng Tuấn Tùng đầu tư bài bản. Ảnh: KKS
Quy trình sản xuất, đóng gói sản phẩm được Công ty TNHH Hoàng Tuấn Tùng đầu tư bài bản. Ảnh: KKS

Sau một thời gian vừa sản xuất vừa kinh doanh, nhận thấy đủ khả năng để tự sản xuất, cung cấp sản phẩm và tìm kiếm thị trường tiêu thụ, gia đình chị Hạnh tìm hiểu, làm thủ tục để đăng ký nhãn hiệu và hướng đến xây dựng thương hiệu cà phê. Một năm sau đó, sản phẩm cà phê sạch của gia đình chị chính thức mang tên Ta Lư coffee. Với sản phẩm này, chị đã tham gia chương trình OCOP của tỉnh và được cấp giấy chứng nhận. Đây là động lực để gia đình chị Hạnh đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần tạo chỗ đứng cho các sản phẩm chủ lực của địa phương ở thị trường trong nước.

Chị Hạnh chia sẻ: “Quá trình sản xuất, kinh doanh gia đình tôi luôn đảm bảo tiêu chí chất lượng, an toàn thực phẩm để tạo uy tín, niềm tin đối với khách hàng. Chúng tôi rất vinh dự khi sản phẩm Ta Lư coffee được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP của tỉnh. Đây là điều kiện để chúng tôi duy trì, phát triển sản phẩm cà phê Hướng Hóa, tham gia cạnh tranh lành mạnh, chủ động liên kết với doanh nghiệp để tìm chỗ đứng ổn định cho sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ”.

Cũng như gia đình chị Hạnh, gia đình chị Phạm Thị Hương ở khối 3B, thị trấn Khe Sanh có nhiều đột phá trong suy nghĩ để phát triển kinh tế hiệu quả, góp phần làm phong phú các mặt hàng nông sản qua chế biến. Nhận thấy Hướng Hóa là địa phương có nguồn măng tre phong phú, các món ăn được chế biến từ măng được nhiều gia đình ưa thích, năm 2012 chị Hương quyết định thu mua măng tươi của người dân về sơ chế, làm măng chua cung cấp cho các tiểu thương ở chợ, các điểm bán thức ăn nhỏ lẻ. Tuy nhiên, việc làm măng chua hiện nay khá phổ biến, khó cạnh tranh với nhiều hộ sản xuất khác nên chị Hương chuyển hướng sang chuyên chế biến măng thành 2 loại mà thị trường đang ưa chuộng đó là măng muối chua và măng dầm tỏi ớt với hình thức đóng gói sản phẩm và có nhãn mác xuất xứ. Để tạo thương hiệu cho các sản phẩm từ măng, năm 2014 chị thành lập Công ty TNHH Hoàng Tuấn Tùng. Nhờ sản xuất sạch, chất lượng, tích cực tìm kiếm thị trường, sớm tạo được uy tín, đến nay các sản phẩm măng muối chua và măng dầm tỏi ớt của công ty chị đã có mặt tại 36 cửa hàng của hệ thống Big C trên toàn quốc. Trung bình mỗi năm, công ty chế biến khoảng 30 tấn măng, đem lại doanh thu 600 triệu đồng. Với 2 sản phẩm từ măng, năm 2019 công ty tham gia chương trình OCOP của tỉnh và được công nhận, tạo động lực lớn và lợi thế giúp nâng tầm cho các sản phẩm của công ty trên thị trường.

Chị Hương chia sẻ: “Từ khi tham gia các sản phẩm và được chương trình OCOP tỉnh công nhận, quá trình kinh doanh chúng tôi thấy tự tin hơn vì trên sản phẩm sử dụng nhãn hiệu chứng nhận sản phẩm OCOP giúp khách hàng yên tâm khi lựa chọn mua và sử dụng sản phẩm. Để chủ động nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất, chế biến trong thời gian tới, đầu năm 2020 công ty đã triển khai trồng mới 3 ha tre lấy măng. Công ty sẽ tiếp tục đầu tư, mở rộng sản xuất, phát triển sản phẩm theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, đủ sức cạnh tranh với các dòng sản phẩm cùng loại trên thị trường”.

Để triển khai thực hiện chương trình OCOP có hiệu quả, căn cứ vào thế mạnh của mỗi địa phương, Hướng Hóa đã có kế hoạch cụ thể để khuyến khích người dân tích cực tham gia sản xuất và quảng bá sản phẩm. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng các nội dung của chương trình. Đồng thời tổ chức tập huấn cho các hộ sản xuất kinh doanh, hợp tác xã, doanh nghiệp trên địa bàn để giới thiệu, hướng dẫn xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh và đăng ký tham gia chương trình. Trong năm 2019 huyện đã có 4 chủ thể đăng ký tham gia với 5 sản phẩm, trong đó có 4 sản phẩm gồm măng muối chua, măng dầm tỏi ớt, Ta Lư coffee, Khe Sanh coffee đã đạt giấy chứng nhận 3 sao cấp tỉnh. Qua việc tham gia thực hiện chương trình OCOP các chủ thể sẽ xây dựng dữ liệu sản phẩm, được hỗ trợ quảng bá, xúc tiến thương mại, hoàn thiện hồ sơ, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí cho chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh về thương mại, tạo thế mạnh cho hợp tác xã, doanh nghiệp, đáp ứng những yêu cầu chương trình đưa ra. Khi đã xây dựng được được nhãn hiệu OCOP cho sản phẩm, hộ sản xuất kinh doanh, hợp tác xã, doanh nghiệp sẽ chú tâm vào xây dựng thương hiệu, ngày càng mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm để có thu nhập ổn định, nâng cao đời sống, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh của gia đình, đơn vị.

Chương trình OCOP đã tạo cơ hội để người sản xuất ở huyện Hướng Hóa nắm bắt thị hiếu khách hàng, phát triển sản phẩm bền vững; giúp các xã giải quyết những vấn đề quan trọng như giảm nghèo, tạo việc làm, góp phần phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng bền vững. Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hướng Hóa Hoàng Đình Bình cho biết: “Ngay từ đầu năm 2020, phòng đã tham mưu UBND huyện thành lập Ban chỉ đạo chương trình OCOP cấp huyện; triển khai tuyên truyền, phát tờ rơi, vận động các chủ thể có sản phẩm đăng ký để tham gia dự thi cấp tỉnh. Đến thời điểm này, toàn huyện có 7 sản phẩm đăng ký dự thi chương trình OCOP tỉnh năm 2020. Để việc tham gia chương trình có hiệu quả, phòng tham mưu UBND huyện tổ chức tập huấn, thuê đơn vị tư vấn để tổ chức đánh giá sản phẩm từ cấp huyện đến cấp tỉnh. Phấn đấu trong năm 2020, huyện có 4 - 5 sản phẩm đạt 3 - 4 sao cấp tỉnh và 1 - 2 sản phẩm đạt 5 sao cấp trung ương”.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Đà Nẵng nâng tầm các mục tiêu thành phố “5 không,” “3 có” và “4 an”

Võ Văn Dũng |

Theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng, sau 20 năm thực hiện chương trình thành phố "5 không," thành phố Đà Nẵng đã cơ bản đạt được những kết quả tích cực.

Tân Xuân 2- Miền quê trăm mến ngàn thương

Nguyễn Việt |

Nếu ai đã có lần ngược xuôi quốc lộ 9 của tỉnh Quảng Trị, khi qua địa phận xã Cam Thành, huyện Cam Lộ (Quảng Trị) chắc sẽ không hỏi ngỡ ngàng khi thấy hai bên đường muôn hoa khoe sắc hòa quyện với màu xanh của của cây trái vườn nhà. Đây chính là thôn Tân Xuân 2, một trong 16 thôn của xã Cam Thành, huyện Cam Lộ. Từ trong gian khó, Tân Xuân 2 hôm nay đã chuyển mình lớn mạnh để trở thành một miền quê đáng sống.

17 tác phẩm sẽ được vinh danh tại Giải báo chí Quảng Trị lần thứ III

Vĩnh Nhiên |

UBND tỉnh Quảng Trị vừa có Quyết định công nhận tác phẩm đạt Giải Báo chí tỉnh Quảng Trị lần thứ III năm 2019.

Vận hành hệ thống rà tìm bom chùm, vật liệu nổ mới

Q.H |

Sáng nay 28/5/2020, theo thông tin từ Tổ chức Viện trợ Nhân dân Na Uy/Dự án RENEW (NPA/RENEW), nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động khảo sát, rà phá bom chùm, vật liệu nổ tại hiện trường, NPA/RENEW vừa đưa vào vận hành hệ thống rà phá mới được gọi là Scorpion (Bọ cạp).