Không chỉ dừng lại ở việc trồng các sản phẩm theo hướng hữu cơ, nâng cao giá trị nông sản theo chuỗi sản phẩm, những người nông dân Quảng Trị đang sử dụng các công nghệ hiện đại để có thể quảng bá, giới thiệu với bạn bè khắp nơi trên thế giới về nguồn gốc, xuất xứ của các sản phẩm mình làm ra thông qua các ứng dụng mạng xã hội. Khi nông dân làm thương mại điện tử, phóng sự được phóng viên Đài PTTH Quảng Trị ghi nhận tại hợp tác xã Chân Mây, xã Hướng Phùng huyện Hướng Hóa (Quảng Trị).
Với 1 chiếc điện thoại thông minh cùng đường truyền mạnh, sau khi được Dự án EMEE đào tạo các kiến thức và kỹ năng về thương mại điện tử, thực hiện các hoạt động marketing và bán hàng trên các trang: Facebook, Zalo, YouTube, Google Ads, Shopee, Chợ Tốt… em Hồ Thị Vương, Hồ Thị Lý và các xã viên khác của HTX Chân Mây ở thôn Chênh Vênh, xã Hướng Phùng huyện Hướng Hóa trong trang phục truyền thống của người Vân Kiều đã có thể quảng bá sản phẩm cà phê Chân Mây của hợp tác xã mình với bạn bè gần xa. Từ chỗ chưa hề có khái niệm về thương mại điện tử, nhưng chỉ sau 5 ngày được đào tạo kiến thức và hỗ trợ thực hành về thương mại điện tử, số số lượt truy cập, tương tác và đặt hàng qua các kênh thương mại điện tử của HTX đã vượt xa kỳ vọng của mọi người.
Chỉ trong 2 ngày mùng 4 và 5 tháng 05 năm 2020 thực hành và chạy thử về thương mại điện tử, HTX đã chốt thành công 30 đơn hàng của khách hàng từ các thành phố lớn như: Hà Nội, Sài Gòn, Nha Trang, Đà Nẵng và thu về được gần 10 triệu đồng. Thành công này nếu được duy trì tốt là một ví dụ đíển hình về sự hỗ trợ của Dự án EMEE về ứng dụng công nghệ 4.0 cho đồng bào dân tộc thiểu số trong tham gia thị trường và phát triển kinh tế.
Em Hồ Thị Vương, thành viên hợp tác xã Chân Mây chia sẻ: “Lần đầu livestream các sản phẩm của hợp tác xã, em cũng rất run, thế nhưng qua lần 1, lần 2, em được có cơ hội quảng bá các sản phẩm của mình tới với bạn bè gần xa, nhiều người ở tận Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh cũng nhắn tin hỏi thông tin các sản phẩm của hợp tác xã, em rất vui vì đã góp phần đưa các sản phẩm của hợp tác xã mình đi xa hơn”.
Quảng bá thương hiệu qua các kênh thương mại điện tử không chỉ giúp giới thiệu về nguồn gốc, xuất xứ, quy trình hoàn thiện các mặt hàng của hợp tác xã cho khách hàng, mà còn giúp HTX nhận được những phản hồi của khách hàng về sản phẩm và dịch vụ, để từ đó, HTX sẽ cải thiện chất lượng sản phẩm và dịch vụ, phát triển và duy trì quan hệ khách hàng gần xa, không những trong nước mà còn khách hàng trên thế giới. Qua đó, nâng cao được đời sống kinh tế cho xã viên theo cách bền vững.
Ông Trần Thanh Giang phụ trách kinh doanh HTX Chân Mây cho biết thêm: “Thời đại 4.0 cái gì cũng kết nối rất nhanh chóng, xu hướng mua hàng trên mạng ngày càng phát triển, chúng tôi nghĩ rằng nông dân cũng cần phải thích nghi nhanh chóng để đưa sản phẩm của mình tới với khách hàng trên thế giới. Thông qua các sàn giao dịch điện tử, chỉ trong 2 ngày chúng tôi đã ký được nhiều đơn hàng với các đối tác, cách thức ngày rất khả quan và chúng tôi sẽ duy trì trong thời gian tới.
Xu hướng thương mại điện tử là xu hướng phát triển tất yếu, việc bà con xã viên của Hợp tác xã Cà phê Hữu cơ Chân Mây Bắc Hướng Hóa sớm chủ động tiếp cận với các cách bán hàng mới sẽ giúp bà con chủ động về đầu ra của sản phẩm, chủ động liên lạc kết nối với thị trường khách hàng tiềm năng, để từ đó, đưa sản phẩm cà phê hữu cơ nói riêng cũng như các sản phẩm nông sản sạch khác của Quảng Trị, tới với nhiều thị trường tiềm năng.
(Nguồn: QRTV)