Nhằm phát huy thế mạnh sẵn có của địa phương, tạo ra sản phẩm mang tính hàng hóa, nâng cao thu nhập cho người dân, năm 2019, Trạm Khuyến nông huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị đã triển khai thực hiện mô hình thâm canh bưởi da xanh áp dụng hệ thống tưới tiết kiệm tại xã Vĩnh Thủy.
Với quyết tâm thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, xã Vĩnh Thủy, huyện Vĩnh Linh (tỉnh Quảng Trị) đã tiến hành quy hoạch các vùng đất để phát triển các loại cây trồng, con nuôi phù hợp. Toàn xã hiện có 50 ha cây ăn quả. Cùng với lúa chất lượng cao và thanh long ruột đỏ, bưởi da xanh được xác định là một trong 3 cây trồng chủ lực của xã.
Mô hình bưởi da xanh được Trạm Khuyến nông huyện Vĩnh Linh triển khai tại thôn Tân Thủy, xã Vĩnh Thủy với diện tích 2 ha. Tham gia mô hình hộ dân được hỗ trợ 50% giống và vật tư phân bón. Trước khi triển khai thực hiện mô hình Trạm Khuyến nông huyện đã tiến hành tập huấn kỹ thuật trồng thâm canh bưởi da xanh đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, hướng dẫn cho bà con về kỹ thuật trồng mới, chăm sóc, bón phân, phòng trừ sâu bệnh an toàn sinh học.
Đến nay, sau gần 3 tháng trồng, 800 cây giống bưởi da xanh đưa vào đã thể hiện rõ khả năng thích ứng cao, từ tỉ lệ sống cũng như khả năng sinh trưởng phát triển. Chiều cao cây đạt 60-80cm, đường kích gốc 2 cm, tỷ lệ sống đạt 99%. Hiện nay các cây trồng đang đâm chồi ra lộc, chiều dài của các chồi, lọc 10-15cm. Hộ dân tham gia mô hình rất tâm huyết, tích cực, thường xuyên có những trao đổi để mô hình đạt hiệu quả cao. Qua theo dõi, kiểm tra chưa phát hiện đối tượng sâu, bệnh phát sinh gây hại đáng kể.
Thời gian tới, Trạm Khuyến nông huyện Gio Linh tiếp tục triển khai theo dõi và hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật để các hộ dân áp dụng vào khu vườn. Phối hợp với các địa phương theo dõi tình hình sinh trưởng, phát triển của các cây trồng, các đối tượng sâu bệnh phát sinh gây hại để có biện pháp chỉ đạo chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh kịp thời.
Thông qua việc triển khai mô hình đã giúp cho chính quyền địa phương và đặc biệt là đông đảo bà con nông dân trên vùng đất gò đồi xã Vĩnh Thủy nhìn nhận và khẳng định được hiệu quả bước đầu của mô hình cây trồng mới. Mô hình triển khai sẽ tạo công ăn việc làm, thu hút lao động và hướng tới tạo thu nhập ổn định cho hộ nông dân. Đây là cơ sở để người dân áp dụng và là nơi để bà con nông dân trong vùng đến tham quan và học tập nhân rộng.
(Nguồn: QRTV)