Nhịp cầu nối những yêu thương

Thúy An |

Mỗi năm, cứ đến dịp kỷ niệm ngày “giỗ nghề” 21/6, những người làm báo lại có dịp ngồi lại cùng nhau, ôn lại những chặng đường đã qua, những miền đất đã đến, những bài báo đã viết và cả những nỗi ám ảnh đeo đẳng trước bao phận người. 

Trong những kỷ niệm làm nghề lúc trà dư tửu hậu, câu chuyện về những phận đời cùng cực được cứu rỗi thông qua trang viết luôn được nhiều người nhắc nhớ bởi bài viết hay giải thưởng rồi cũng sẽ khuất lấp theo thời gian, chỉ có tình người là còn mãi. “Tâm pháp” nghề nghiệp mà mỗi người làm báo hẳn luôn ghi nhớ trong lòng: “Mắt sáng, lòng trong, bút sắc” nay được nối dài thêm một vế, đó là một trái tim hòa ái. Chúng tôi gọi đó là nhịp cầu nối những yêu thương.

Phóng viên tác nghiệp tại một sự kiện.Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Phóng viên tác nghiệp tại một sự kiện.Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Trong suốt hành trình 95 năm của nền báo chí cách mạng Việt Nam, ngoài làm tốt nhiệm vụ chính trị, công tác chuyên môn, những người làm báo còn là cầu nối những tấm lòng nhân ái đến với những hoàn cảnh khó khăn trong xã hội. Từ đó góp phần đưa hoạt động từ thiện, an sinh xã hội ngày càng lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng. Chính họ đã chung tay bắc một nhịp cầu nhân ái, từ việc phát hiện, lắng nghe và chia sẻ với những cảnh đời nghèo khó, bất hạnh, tạo nhịp cầu để mọi người đến với nhau bằng tình yêu thương. Thông qua các chương trình từ thiện xã hội, những ước mơ về tương lai tươi sáng đã không bị mai một; con đường đến trường của những học sinh, sinh viên nghèo, khuyết tật, mồ côi đỡ gập ghềnh hơn. Và những phận đời hiu hắt tưởng chừng lặng lẽ trôi qua trong túng quẫn và nghèo đói đã được thắp lên ngọn lửa của tình yêu thương và hy vọng.

Một đồng nghiệp kể cho chúng tôi nghe câu chuyện: Một lần nghe tin một gia đình nghèo khó người Vân Kiều ở thị trấn Krông Klang, huyện Đakrông vừa bị lốc xoáy cuốn bay mái nhà, chị tức tốc tìm đến, tưởng cũng chỉ đưa một bản tin như bao bản tin về thiên tai khác. Nhưng mọi thứ vượt ngoài sức tưởng tượng bởi dưới cái nắng oi bức, trước mắt chị là một ngôi nhà (nếu có thể gọi đó là nhà) với vài thanh gỗ ghép hờ và ít bao ni lông không đủ che chắn xung quanh, mái nhà vừa bị lốc xoáy cuốn bay mấy hôm trước, ngoảnh mặt nhìn bốn phía cũng không thể tìm ra một chỗ râm mát đủ để kê ghế mời khách. Trong ngôi nhà ấy là một người đàn ông bị tai biến nằm một chỗ, hai đứa trẻ, một đang học lớp 12, một đang học lớp 8 và một người phụ nữ Vân Kiều khắc khổ nhặt củi, bẻ măng đắp đổi miếng ăn qua ngày cho 4 con người. Những phận người cũng u uất như chính ngôi nhà họ đang sống.

Bài báo ấy chị đã viết trong nước mắt. Rất may, sau khi báo đăng, và thông qua các mối quan hệ ngoài xã hội, chị đã vận động lợp lại mái nhà và tặng một đàn gà cho gia đình phát triển kinh tế để ổn định cuộc sống trước mắt. Ngoài ra, một doanh nghiệp cũng cho biết sẽ xây tặng gia đình một ngôi nhà kiên cố, đồng thời tài trợ toàn bộ chi phí học tập cho con gái của người phụ nữ Vân Kiều ấy nếu em thi đỗ đại học. Hôm chị lên báo tin cho gia đình, hai người phụ nữ đã ôm nhau khóc, những giọt nước mắt của sự sẻ chia và tình yêu thương.

Đó chỉ là một trong hàng trăm, hàng ngàn câu chuyện cổ tích giữa đời thường mà những đồng nghiệp của chúng tôi trên khắp mọi miền đất nước đang hằng ngày, hằng giờ viết tiếp. Không biết từ bao giờ, trong chiến lược phát triển của mỗi tờ báo, bên cạnh thực hiện nhiệm vụ chính trị, công tác chuyên môn thì hoạt động từ thiện xã hội luôn được chú trọng, góp phần giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn trong xã hội. Và những người làm báo, với lợi thế đi nhiều biết nhiều, quan hệ rộng, có kỹ năng tuyên truyền và một diễn đàn báo chí rộng khắp, tin cậy, họ đã góp phần nối những nhịp cầu yêu thương đến những phận đời không may mắn. Không chỉ viết tin, bài kêu gọi trên trang báo, nhiều nhà báo còn thông qua các mối quan hệ cá nhân, tài khoản mạng xã hội để vận động các mạnh thường quân chung tay hỗ trợ. Sự chung tay, giúp đỡ kịp thời đã góp phần cứu rỗi nhiều phận người, nhen nhóm bao khát vọng, đó là niềm hạnh phúc vô bờ của những người cầm bút mà không một giải thưởng nào có thể đong đếm được.

Và với niềm tin vào tấm lòng của những người cầm bút, nhiều mạnh thường quân đã chủ động tìm đến cơ quan báo chí để ủng hộ cho các chương trình thiện nguyện, thậm chí ủng hộ sẵn để “lúc nào cần thì dùng”. Có doanh nhân không chỉ tài trợ tiền, hàng hóa mà còn giúp cả phương tiện vận chuyển để cùng những người làm báo trực tiếp về trao tặng cho người dân. Sau mỗi lần như vậy là một chuỗi hành trình thiện nguyện được tiếp tục mở ra bởi “đọc báo thấy thương quá, vậy mà đến tận nơi còn… thương hơn, về nhà không cầm lòng được”. Một doanh nhân thường xuyên tham gia các hoạt động thiện nguyện có lần tâm sự: “Có người mỉa mai chúng tôi làm từ thiện mà thông qua báo chí chẳng qua là một cách quảng cáo trá hình. Cũng buồn lắm nhưng trên tất cả chúng tôi tin ở những người làm báo. Một khi các bạn đã đến tận nơi, đã đồng cảm với từng thân phận và nhỏ những giọt nước mắt trên đầu ngọn bút, các bạn sẽ biết chuyển tấm lòng của chúng tôi đến nơi cần đến và quan trọng là làm cho nó lan tỏa nhiều hơn trong đời sống xã hội”.

Ngày “giỗ nghề”, những người làm báo cùng nhau nhìn lại một năm đồng hành với quê hương, với con người để thêm một lần chiêm nghiệm về nghề và nghiệp. Dẫu vẫn còn đó những đồng nghiệp không vượt qua nỗi cám dỗ vật chất tầm thường để rồi đánh mất mình, thậm chí vướng vòng lao lý; có những ẩn ức trong cuộc sống mà trong sự bất lực của ngòi bút không thể nói hết được, nhưng luôn luôn và lúc nào chúng tôi vẫn tự hào được là những người làm báo, luôn trăn trở cùng những thăng trầm của quê hương và buồn vui với đồng bào mình. Một nhà báo lão thành đã từng dặn dò chúng tôi những ngày đầu cầm bút: Cái gì xuất phát từ trái tim thì sẽ đi đến trái tim. Nghề báo cũng vậy, nếu mình viết bằng tất cả tấm lòng thì sẽ kết nối được ngàn vạn tấm lòng trong cuộc đời…

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Tặng quà cho ngư dân bám biển ở đảo Cồn Cỏ

Phan Vĩnh |

Ngày 18/6/2020, Hội Cựu chiến binh, Hội Liên hiệp Phụ nữ phường Xuân Hà (quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng) đến tặng quà cho các ngư dân tại huyện đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị).

Lung linh “Ngày hội sắc màu”

Mai Lâm |

Một thế giới tuổi thơ đầy màu sắc được các em học sinh bậc tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh thể hiện qua những nét vẽ ngây thơ, trong sáng nhưng chứa đựng rất nhiều thông điệp ý nghĩa. Cuộc thi vẽ tranh “Ngày hội sắc màu” năm 2020 đã khép lại sau chuỗi thời gian phát động đúng vào dịp học sinh phải nghỉ học dài ngày vì COVID-19 nhưng 80 bức tranh sinh động được lựa chọn từ 385 tác phẩm tham gia dự thi để triển lãm tại Nhà Thiếu nhi tỉnh đã khẳng định sự thành công của cuộc thi này.

Hơn 609 ha đất rừng được giao cho người dân thiếu đất sản xuất

Phương Nga |

Bên cạnh việc triển khai nhiều chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế, các dự án giảm nghèo cho người dân 3 xã miền núi phía Tây, thời gian qua, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) cũng đã đẩy nhanh tiến độ thực hiện chủ trương giao đất, giao rừng cho người đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất sản xuất.

Tỉnh Quảng Trị nỗ lực cứu hộ và bảo tồn các loài rùa biển quý hiếm

Nguyên Lý |

Những năm gần đây, khi phát hiện rùa biển mắc lưới, ngư dân Quảng Trị đã báo cơ quan chức năng để cứu hộ và thả lại rùa về biển, thay vì mang về bán hoặc giết thịt như trước đây.