Sinh viên y khoa người Quảng Trị hỗ trợ từ xa cho F0 ở miền Nam

Lê Trường |

Trước tình hình số lượng bệnh nhân COVID-19 ở các tỉnh, thành phía Nam tăng nhanh mỗi ngày, việc tăng cường hỗ trợ cho đội ngũ y tế tuyến đầu tại đây điều trị các F0 là việc làm cấp thiết được cả nước chung tay. 

Cán bộ y tế của tỉnh Quảng Trị cũng tình nguyện trực tiếp vào các vùng dịch để hỗ trợ điều trị COVID-19. Trong số đó, nhiều sinh viên ngành y là con em Quảng Trị đang theo học tại các trường trong cả nước không thể tham gia nhưng họ lại có cách làm khác vừa giúp tuyến đầu ở miền Nam giảm áp lực, vừa hỗ trợ cho các bệnh nhân COVID-19 triệu chứng nhẹ điều trị ngay tại nhà, đó là tham gia Chương trình “Theo dõi sức khỏe F0 tại nhà” do Trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh triển khai.

Em Trần Thị Phương Thảo (sinh năm 1998), ở thôn Nhật Lệ, xã Cam Thủy, huyện Cam Lộ hiện đang là sinh viên năm thứ 6, chuyên ngành y đa khoa, Trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh. “Ngày 25/7/2021, trường em triển khai Chương trình theo dõi sức khỏe F0 tại nhà nên em đăng ký tham gia. Trước khi hỗ trợ, em và các bạn được nhà trường đào tạo một khóa ngắn hạn về kỹ năng hỏi bệnh sử, thăm khám bệnh nhân, các kiến thức cơ bản về điều trị COVID-19. Sau đó chúng em tham gia các nhóm hỗ trợ, mỗi nhóm có từ 3 - 4 sinh viên và 1 bác sĩ. Từ danh sách F0 được địa phương cung cấp, bác sĩ sẽ gọi điện hỏi thông tin, tình hình bệnh nhân và nhu cầu xem họ có chấp nhận để các sinh viên theo dõi sức khỏe tại nhà không? Nếu họ đồng ý thì bác sĩ sẽ lập các nhóm zalo hoặc facebook gồm bệnh nhân đó, sinh viên phụ trách và bác sĩ sau khi đã phân tầng theo từng nhóm nguy cơ tùy vào tình hình sức khỏe của F0. Thường mỗi nhóm sẽ hỗ trợ từ 7-10 bệnh nhân/ ngày”, Phương Thảo cho biết.

Phương Thảo gọi video trao đổi cùng các nhóm hỗ trợ về tình hình sức khỏe các F0 tại Thành phố Hồ Chí Minh – Ảnh: LÊ TRƯỜNG
Phương Thảo gọi video trao đổi cùng các nhóm hỗ trợ về tình hình sức khỏe các F0 tại Thành phố Hồ Chí Minh – Ảnh: LÊ TRƯỜNG

Khi được hỏi về quy trình hỗ trợ từ xa việc theo dõi, điều trị cho các F0 tại Thành phố Hồ Chí Minh, Phương Thảo cho biết, sau khi có danh sách F0 cần hỗ trợ từ bác sĩ, em sẽ gọi video cho bệnh nhân qua zalo hoặc điện thoại di động hằng ngày để thăm khám tình hình sức khỏe, hướng dẫn cách ăn uống, tập thể dục tại nhà để tăng sức đề kháng… Từ khi tham gia chương trình đến nay khoảng 1 tháng, em đã theo dõi tầm 35-40 F0, mỗi bệnh nhân hỗ trợ từ xa trong khoảng 14 ngày.

“Các trường hợp F0 mà em hỗ trợ từ xa thường có triệu chứng nhẹ, điều trị tại nhà. Do đó, việc theo dõi chi tiết diễn biến bệnh rất quan trọng. Nếu trường hợp bệnh nhân phát hiện triệu chứng trở nặng thì phải nhanh chóng hướng dẫn F0 tự kiểm tra bằng các thiết bị đo oxy trong máu (Spo2), huyết áp, thân nhiệt… Nếu tình trạng không được cải thiện thì phải gọi ngay cho nhóm hỗ trợ tại hiện trường để can thiệp”, Phương Thảo nói thêm.

Được biết, ngoài hỗ trợ thăm khám và theo dõi sức khỏe của F0 điều trị tại nhà, Phương Thảo còn đảm nhận nhiệm vụ điều phối nhân sự của mô hình. Mỗi ngày, Thảo sẽ liên hệ với các trạm y tế để được gửi danh sách F0 mới của địa phương. Sau đó tiến hành sàng lọc bệnh nhân rồi phân về các nhóm để theo dõi hỗ trợ. Với công việc này, Thảo và các sinh viên trong đội hình hầu như đêm nào cũng thức tới 2 – 3 giờ sáng bởi vì qua thêm một ngày mới, danh sách bệnh nhân lại dài thêm.

“Hiện em đang điều phối nhân sự tại Quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh với 177 nhóm hỗ trợ từ xa cho F0, trong đó khoảng 1.000 sinh viên và 200 bác sĩ. Khó khăn lớn nhất của việc điều phối nhân sự là danh sách F0 gửi về quá nhiều trong khi bác sĩ thì ít, nên việc phân bổ bệnh nhân về các nhóm cũng rất khó. Thêm nữa là danh sách bệnh nhân gửi về không theo một hệ thống nào cả, số F0 cũ trùng lặp rất nhiều nên phải ngồi lọc lại toàn bộ mới phân được về các nhóm. Có hôm cao điểm em phải thức đến hơn 4 giờ sáng để lọc bệnh nhân”, Thảo kể.

Vất vả là thế, nhưng điều khiến Phương Thảo và các thành viên đội hình hỗ trợ điều trị F0 từ xa cảm thấy hạnh phúc hơn cả là những bệnh nhân được theo dõi từ những ngày đầu qua một thời gian điều trị đều đã cho kết quả âm tính với SARS-CoV-2. “Đây cũng là cơ hội để em và các sinh viên ngành y học hỏi thêm các kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp trong thực tế, nhất là việc tiếp cận những triệu chứng do vi rút SARS-CoV-2 gây ra, đồng thời, phần nào hỗ trợ giảm tải cho tuyến đầu chống dịch”, Phương Thảo bộc bạch.

Từ việc làm của mình, Phương Thảo cùng các sinh viên Trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh đã lan tỏa chương trình qua mạng xã hội. Từ đó, rất nhiều sinh viên y khoa là con em Quảng Trị ở các trường đại học trong cả nước đã hưởng ứng tham gia.

Em Phạm Thị Quỳnh Nhi, sinh viên năm thứ 3 chuyên ngành răng hàm mặt tại Khoa Y Dược, Đại học Đà Nẵng là một trong số đó. “Ngay khi biết được thông tin Trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh tuyển tình nguyện viên theo dõi sức khỏe F0 từ xa, em đã không ngần ngại đăng ký ngay. Hiện em được phân công hỗ trợ từ xa các F0 triệu chứng nhẹ tại quận Bình Tân, Thành phố Hồ Chí Minh. Công việc chính là hỗ trợ từ xa qua điện thoại hoặc mạng xã hội 24/24 giờ để kịp thời xử lý, tiếp nhận các vấn đề sức khỏe phát sinh từ F0 đang điều trị tại nhà”, Quỳnh Nhi cho hay.

Ngoài Phương Thảo và Quỳnh Nhi, hiện có khoảng 7 sinh viên y khoa là con em Quảng Trị đang tham gia hỗ trợ từ xa cho các F0 điều trị tại nhà ở Thành phố Hồ Chí Minh. Có lẽ, sẽ không nhiều người biết đến công việc của các em, nhưng mỗi ngày, các sinh viên y khoa này vẫn âm thầm, lặng lẽ thức khuya dậy sớm để đồng hành hỗ trợ các F0 điều trị tại nhà. Họ xứng đáng là những lương y như từ mẫu.

(Nguồn: Báo Quảng Trị)

TAGS

Tiếp tục hỗ trợ để triển khai thực hiện các dự án đầu tư đúng tiến độ

Đan Tâm |

Thực hiện Nghị quyết số 51/NQ - HĐND ngày 23/7/2020 của HĐND tỉnh Quảng Trị về việc phê duyệt chương trình giám sát năm 2021 của HĐND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh đã thành lập Đoàn giám sát và ban hành kế hoạch giám sát thực hiện nghị quyết.

Gần 1.000 học viên công an vào miền Nam hỗ trợ chống dịch

PV |

Ngày 6/9, gần 1.000 học viên của Học viện An ninh nhân dân và Học viện Cảnh sát nhân dân đã lên đường chi viện cho 3 tỉnh miền Nam.

Đề xuất tạm dừng xung đột, mở đường cho hỗ trợ nhân đạo tại Myanmar

PV |

Đặc phái viên của ASEAN về Myanmar, Bộ trưởng Ngoại giao thứ hai của Brunei, Erywan Yusof cho biết, ông đã kêu gọi tất cả các bên liên quan tại Myanmar tạm dừng mọi hoạt động gây xung đột trong 4 tháng để tạo điều kiện cho công tác vận chuyển chuyến hàng hỗ trợ nhân đạo đầu tiên, dự kiến diễn ra ngay giữa tháng 9 này.

Giúp nông dân vươn lên khá giả từ Quỹ hỗ trợ nông dân

Anh Vũ |

Quỹ hỗ trợ nông dân là một trong những nguồn tín dụng giúp nông dân phát triển sản xuất với lãi suất ưu đãi. Nhiều năm qua, nông dân trên địa bàn huyện Cam Lộ (Quảng Trị), nhất là nông dân nghèo đã được tiếp sức rất nhiều từ nguồn quỹ hỗ trợ này. Từ nguồn vốn này mà nhiều hộ gia đình đã chuyển đổi sản xuất, tăng thu nhập, giải quyết việc làm và đặc biệt giúp nông dân nghèo vươn lên khá giả, làm giàu.