Thời gian qua, do ảnh hưởng của COVID-19 nên người trồng chanh leo ở Hướng Hóa (Quảng Trị) gặp không ít khó khăn.
Đặc biệt, vấn đề xuất khẩu sang thị trường Châu Âu cũng như vận chuyển sản phẩm trong nước gặp trở ngại nên giá chanh leo tại đây giảm sâu so với năm ngoái. Trước tình hình đó, địa phương đã có nhiều nỗ lực trong việc phối hợp với doanh nghiệp để đảm bảo đầu ra cho sản phẩm cũng như có kế hoạch duy trì, nhân rộng diện tích hiện có của loại cây này nhằm động viên người dân yên tâm sản xuất.
Hiện nay, COVID-19 diễn biến phức tạp nên nhiều loại nông sản trên địa bàn Hướng Hóa gặp khó khăn về đầu ra, trong đó có chanh leo. Nắm bắt thực trạng đó, UBND huyện Hướng Hóa đã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện phối hợp với Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc để tìm ra các phương án phù hợp, đảm bảo thu mua toàn bộ sản phẩm chanh leo, không để xảy ra tình trạng chanh leo ứ đọng phải đổ bỏ. Đồng thời, chỉ đạo các ban, ngành liên quan cùng chính quyền các địa phương tuyên truyền, vận động người dân khắc phục khó khăn để duy trì mô hình chanh leo. Để tiện thu mua sản phẩm cho người dân trên địa bàn huyện, Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc đã bố trí đại lý cấp 1 ngay tại Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Tân Hợp. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của COVID-19 nên giá chanh leo giảm mạnh, chỉ bằng gần 1/2 so với năm ngoái. Cụ thể, loại A có giá 15,5 nghìn đồng/kg; loại B giá 7 nghìn đồng/kg và loại C có giá 3,5 nghìn đồng/ kg. Mặc dù giá thấp nhưng sản phẩm vẫn được doanh nghiệp cam kết bao tiêu toàn bộ nên người trồng chanh leo ở Hướng Hóa phần nào đỡ lo lắng.
Gia đình ông Lê Đình Tường ở thôn Tân Phú, xã Tân Liên là một trong những hộ được chọn triển khai mô hình thí điểm chanh leo của huyện Hướng Hóa từ năm 2018 với tổng diện tích 2 ha. Nhờ chăm sóc cây đúng quy trình kỹ thuật nên năm nào chanh leo của gia đình ông cũng nhiều trái, đạt chất lượng, bình quân sản lượng đạt 18 - 20 tấn/ha. Mấy tháng nay do COVID-19 nên người trồng chanh leo như gia đình ông rất lo lắng sẽ trắng tay vì chanh leo có nguy cơ không ai thu mua. Được biết Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc sẽ bao tiêu sản phẩm trên địa bàn, gia đình ông cảm thấy yên tâm hơn dù giá thấp chỉ gần bằng một nửa năm ngoái. Ông Tường cho biết: “Với năng suất và giá hiện tại thì 2 ha chanh leo đem lại thu nhập khá ổn định cho gia đình tôi. Trong năm 2020, chúng tôi sẽ trồng dặm lại thay thế số cây chanh leo già cỗi. Hiện giá vận chuyển hàng hóa khá cao nên tôi mong muốn các cơ quan chức năng tạo điều kiện, giảm chi phí vận chuyển, ổn định giá cả, tạo động lực để chúng tôi duy trì trồng chanh leo hiệu quả hơn”.
Tại HTX Nông nghiệp Tân Hợp, tổng diện tích mô hình chanh leo trồng thí điểm là 2ha. Qua 2 năm triển khai, năng suất và chất lượng chanh leo ở đây đạt khá tốt. Mùa thu hoạch năm nay bị ảnh hưởng của COVID-19, dù giá chanh leo thấp nhưng có đầu ra sản phẩm ổn định nên các thành viên HTX yên tâm chăm sóc, thu hoạch loại cây này. Bà Lê Thị Huệ, thành viên HTX Nông nghiệp Tân Hợp cho biết: “Hiện nay người dân chịu khó khăn chung do tình hình giá cả nông sản giảm mạnh. Để có được đầu ra sản phẩm là chúng tôi phấn khởi rồi. Vì thế, các thành viên trong HTX động viên nhau khắc phục khó khăn để đầu tư sản xuất hiệu quả, quyết tâm duy trì, không phá bỏ cây chanh leo với hy vọng thời gian tới khi dịch bệnh qua đi, chanh leo là một trong những loại cây trồng góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững, giúp nông dân Hướng Hóa vươn lên khá, giàu”.
Với tiềm năng lợi thế sẵn có, Hướng Hóa có nền nông nghiệp phát triển khá bền vững. Thực hiện chiến lược chuyển đổi cơ cấu cây trồng, huyện đã làm tốt công tác liên doanh liên kết với các doanh nghiệp, giải quyết đầu ra ổn định cho sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn. Bắt đầu từ năm 2018, được sự hỗ trợ của Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, huyện đã liên kết với Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc trồng thí điểm mô hình chanh leo với diện tích 12,5 ha. Cho đến nay, toàn huyện đã nhân rộng mô hình chanh leo với tổng diện tích 25 ha, trong đó 24 ha là mô hình được nhà nước hỗ trợ một phần cây giống, phân bón, vật tư khác, Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc cung cấp cây giống đảm bảo, hỗ trợ về khoa học kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm. Mô hình chanh leo tập trung tại các xã Tân Liên, Tân Hợp, Hướng Phùng và thị trấn Khe Sanh. Hiệu quả bước đầu cho thấy, chanh leo rất thích hợp với điều kiện đất đai, khí hậu thời tiết nên sinh trưởng tốt, cho năng suất, chất lượng khá cao, bình quân đạt từ 25 - 30 tấn/ha. Được bao tiêu sản phẩm, mô hình chanh leo đã đem lại thu nhập khá cho hơn 50 hộ dân trên địa bàn huyện.
Cùng với các giải pháp tích cực ổn định đầu ra cho sản phẩm, UBND huyện Hướng Hóa còn chỉ đạo các xã, thị trấn trên địa bàn trên cơ sở năng suất, chất lượng của thời gian đầu thử nghiệm mô hình cây chanh leo, tiếp tục khảo sát quỹ đất đai của địa phương để đăng ký xây dựng mô hình chanh leo, thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp. Hiện có xã Hướng Phùng đã hoàn thành việc khảo sát và quy hoạch quỹ đất, tiến hành đăng ký trồng mới 20 ha chanh leo trong năm nay.
Ông Lê Quang Thuận, Phó Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa cho biết: “Việc liên doanh liên kết đối với mô hình chanh leo thì huyện Hướng Hóa và Công ty cổ phần Nafoods Tây Bắc thực hiện theo hợp đồng. Tuy nhiên, hiện nay do khó khăn chung vì COVID-19 nên giá sản phẩm thấp hơn so với năm trước. Để tháo gỡ khó khăn, huyện đang chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện phối hợp với công ty để có phương án bao tiêu sản phẩm, đồng thời thống kê số lượng sản phẩm để có phương án tiếp theo. Tập trung tuyên truyền vận động người dân vượt qua khó khăn, duy trì mô hình chanh leo vì đây được coi là cây trồng rất có triển vọng. Sắp tới, huyện sẽ có phương án trồng chuyên canh cây chanh leo tại những vùng có điều kiện thích hợp để thuận lợi cho việc đề nghị cấp chỉ dẫn địa lý và xây dựng thương hiệu chanh leo sau này”.
(Nguồn: Báo Quảng Trị)